Vụ gian lận thi cử ở Hà Giang: Nguyên trưởng phòng khảo thí bị đề nghị đến 9 năm tù.

Chiều 17-10, sau 4 ngày xét xử vụ án gian lận thi cử THPT Quốc gia năm 2018 tại Hà Giang, đại diện VKSND tỉnh này giữ quyền công tố tại phiên tòa đã bày tỏ quan điểm xử lý đối với các bị cáo trong vụ án.

Theo đó, nữ Kiểm sát viên Vũ Thị Thanh Nga chỉ rõ hành vi phạm tội của các bị cáo được dư luận đặc biệt quan tâm, đã xâm hại hoạt động đúng đắn của cơ quan Nhà nước. Việc gian lận trong thi cử làm mất sự công bằng xã hội, ảnh hưởng đến chất lượng ngành giáo dục, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Trong vụ án này, các bị cáo là những người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự, có chức vụ và quyền hạn và công tác nhiều năm. "Các bị cáo am hiểu rõ quy định, quy chế của ngành đã đề ra nên đáng lẽ, các bị cáo phải gương mẫu", kiểm sát viên nêu.

Đại diện VKSND tỉnh Hà Giang bày tỏ quan điểm về vụ án tại phiên tòa.

Đại diện VKSND tỉnh Hà Giang bày tỏ quan điểm về vụ án tại phiên tòa.

Đối với Nguyễn Thanh Hoài – nguyên Trưởng phòng Khảo thí và Vũ Trọng Lương – nguyên Phó trưởng phòng Khảo thí (Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang), VKS có đủ cơ sở kết luận 2 bị cáo đã bàn bạc, thống nhất với nhau để nâng điểm môn trắc nghiệm cho các thí sinh. Dù bị cáo Hoài không trực tiếp can thiệp sửa kết quả bài thi nhưng đã đưa danh sách 93 thí sinh cần nâng điểm cho Lương.

Ngoài ra, Vũ Trọng Lương còn trực tiếp nhận giúp nâng điểm cho 14 thí sinh. Một mình bị cáo Lương thao tác trên máy tính để sửa kết quả bài làm của thí sinh. Nguyên Phó trưởng Phòng Khảo thí đã sửa kết quả bài làm của 309 bài thi các môn để nâng điểm cho 107 thí sinh.

Quá trình điều tra và tại tòa, 2 bị cáo đã thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội do lợi dụng kẽ hở của phần mềm chấm thi tốt nghiệp. Ngoài ra, 2 bị cáo cũng như phụ huynh, người thân thí sinh đều khai việc nhờ nâng điểm do quen biết thân thiết, không có lợi ích vật chất gì để sửa điểm.

Bị cáo Nguyễn Thanh Hoài (trên cùng) cùng các bi cáo liên quan tại phiên xử.

Bị cáo Nguyễn Thanh Hoài (trên cùng) cùng các bi cáo liên quan tại phiên xử.

Do đó, VKS nhận thấy không có căn cứ để chứng minh các bị cáo nhận tiền, tài sản hay bất cứ lợi ích vật chất nào trong vụ án. "Không đủ cơ sở pháp lý kết luận 2 bị cáo có động cơ vụ lợi", nữ kiểm sát viên công bố.

Trên cơ sở đánh giá chứng cứ và toàn bộ nội dung vụ án, VKS đề nghị HĐXX sơ thẩm tuyến phạt bị cáo Nguyễn Thanh Hoài từ 8 năm tù đến 9 năm tù và Vũ Trọng Lương từ 7 năm tù đến 8 năm tù, cùng về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Với tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”, VKS đề nghị tuyên phạt bị cáo Triệu Thị Chính 2 năm tù. Tương tự, bị cáo Phạm Văn Khuông – nguyên Phó giám đốc Sở GD-ĐT và Lê Thị Dung – nguyên cán bộ Phòng An ninh chính trị nội bộ (Công an tỉnh Hà Giang) lần lượt bị đề nghị xử phạt với mức thấp nhất là 1 năm tù và cao nhất là 2 năm 6 tháng tù về tộ “Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi”.

Về hình phạt bổ sung, VKS đề nghị HĐXX cấm các bị cáo đảm nhiệm các chức vụ quản lý trong ngành giáo dục từ 1năm đến 2 năm, sau khi chấp hành xong hình phạt chính.

Hiện, phiên tòa đang phần tranh luận của các luật sư bào chữa cho các bị cáo. Ngày mai (18-10), phiên xét xử các bị cáo ở vụ án gian lận thi cử tại Hà Giang tiếp diễn.

Lâm Hoàng

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/phap-luat/vu-gian-lan-thi-cu-o-ha-giang-nguyen-truong-phong-khao-thi-bi-de-nghi-den-9-nam-tu/829338.antd