Vụ giết 3 người hé lộ sóng ngầm trong quan hệ Trung Quốc - châu Phi
Sự việc một lần nữa phơi bày những căng thẳng trong thực tế giữa Trung Quốc và châu Phi, trong bối cảnh Bắc Kinh ra sức củng cố quan hệ chính trị và thương mại với lục địa này.
Cuối tháng trước tại thủ đô Lusaka của Zambia, 2 người đàn ông và một người phụ nữ được cho là đã đột nhập vào một nhà máy sản xuất quần áo của Trung Quốc và giết chết 3 người quốc tịch Trung Quốc trước khi phóng hỏa tòa nhà, theo South China Morning Post.
Những kẻ tấn công được cho là lao động tại nhà máy và đang bị giam giữ; còn nạn nhân là các quản lý của nhà máy.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Lusaka đã lên án "vụ bạo lực kinh hoàng" và kêu gọi chính phủ Zambia thực hiện các biện pháp để bảo vệ công dân Trung Quốc tại nước này.
Trong khi động cơ giết người chưa được làm rõ, sự việc xảy ra sau các vụ khám xét bất ngờ đối với các doanh nghiệp thuộc sở hữu của Trung Quốc ở Lusaka. Các công nhân Zambia trước đó phàn nàn rằng họ không được phép về nhà sau khi hết giờ làm việc, dường như để ngăn chặn sự bùng phát của đại dịch virus corona.
Các vụ giết người và khám xét một lần nữa phơi bày những căng thẳng trong thực tế đối với Trung Quốc và châu Phi, giữa lúc Bắc Kinh củng cố quan hệ chính trị và thương mại mạnh mẽ hơn với lục địa này.
Tương phản rõ rệt
Trong tháng trước, Thị trưởng Lusaka Miles Sampa đã chỉ đạo một cuộc trấn áp nhằm vào các doanh nghiệp do Trung Quốc điều hành tại thủ đô Zambia, bao gồm các nhà hàng và tiệm hớt tóc. Ông cáo buộc các tiệm này phân biệt đối xử với người Zambia.
Trong các đoạn video ghi lại hiện trường, ông Sampa đối đầu với các quản lý người Trung Quốc của một nhà máy lắp ráp xe tải, sau khi các công nhân Zambia phàn nàn về việc họ không được phép về nhà.
Quản lý ở nhiều nhà máy được cho đã ép buộc lao động địa phương ngủ tại nơi làm việc để ngăn chặn sự lây lan của virus corona.
Ông Sampa sau đó đã xin lỗi vì sự phản đối của các công dân Trung Quốc, Đại sứ quán Trung Quốc và các quan chức chính phủ Zambia.
Ông nói rằng ông không nên đích thân đi đến chỗ các doanh nghiệp mà nên nói chuyện với giới chức có liên quan.
"Tôi muốn công khai gửi lời xin lỗi đến cộng đồng người Trung Quốc ở thành phố Lusaka vì giọng điệu và ngôn ngữ được sử dụng đối với một trong những công dân của họ", ông nói.
Các vụ đối đầu cho thấy một mặt khác trong mối quan hệ "đôi bên cùng có lợi" mà Bắc Kinh và nhiều nước châu Phi đang theo đuổi ở cấp nhà nước.
Tại Zambia, Bắc Kinh tìm thấy nguyên liệu thô cho các ngành công nghiệp và thị trường cho các sản phẩm của mình, trong khi Lusaka được hưởng lợi từ nguồn tài trợ của Trung Quốc cho đường cao tốc, đập thủy điện và đường sắt.
Zambia, nhà sản xuất đồng lớn thứ hai châu Phi, là một trong những quốc gia đầu tiên ở châu lục này nhận được các khoản đầu tư đáng kể cho cơ sở hạ tầng từ Bắc Kinh. Vào những năm 1970, Trung Quốc đã tài trợ cho tuyến đường sắt Tazara, bắt đầu ở Lusaka và kết thúc tại thành phố duyên hải Dar es Salaam của Tanzania. Khi đó, đây là dự án đắt đỏ và tham vọng nhất của Bắc Kinh tại châu Phi và là dự án cơ sở hạ tầng lớn thứ ba ở châu lục.
Theo một nghiên cứu về dân số thế giới năm 2019 của Liên Hợp Quốc, ước tính khoảng 80.000 người Trung Quốc sống ở Zambia, nhưng chính phủ Zambia đưa ra con số dưới 20.000.
Emmanuel Matambo, nhà nghiên cứu người Zambia tại Trung tâm Nghiên cứu Châu Phi - Trung Quốc thuộc Đại học Johannesburg, nói rằng trong khi quan hệ ngoại giao vẫn thân thiện, các mối quan hệ ở cấp độ kinh doanh và người dân đã bị xáo trộn và có dấu hiệu phân biệt chủng tộc.
Ông Matambo nói rằng dù "việc kết luận rằng các vụ giết người là một phần của tình cảm chống Trung Quốc nói chung sẽ là cẩu thả về mặt phân tích, các xu hướng chính cho thấy bối cảnh ảm đạm".
Thảm họa liên tục lặp lại
Trong vài thập kỷ qua, những sự cố nghiêm trọng đã làm xáo trộn mối quan hệ giữa người lao động Zambia và chủ của họ. Năm 2005, một vụ nổ tại nhà máy ở mỏ đồng Chambishi do NFC Africa Mining vận hành đã làm thiệt mạng 46 người. Cũng trong năm đó, 6 công nhân đã bị bắn và bị thương tại mỏ.
Năm 2010, 13 lao động tại mỏ than Collum, cũng thuộc sở hữu của Trung Quốc, đã bị thương sau khi 2 người quản lý nổ súng vào đám đông biểu tình đòi tiền lương tại mỏ. Hai quản lý này đã bị buộc tội âm mưu giết người, nhưng các công tố viên đã hủy bỏ cáo buộc vào tháng 4/2011.
Stephen Chan, giáo sư chính trị và quan hệ quốc tế tại Trường Nghiên cứu Phương Đông và Châu Phi thuộc Đại học London, cho biết các doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc thường không coi trọng luật lao động, quan hệ cộng đồng, không nhạy cảm xã hội, cũng như không đầu tư cho lợi ích và sự phát triển của người lao động.
"Quan hệ giữa các các doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc với người Zambia là một thảm họa liên tục lặp lại", ông nói.
Ông nói Trung Quốc phải chịu trách nhiệm vì đã không giáo dục những người rời bỏ nước này đến châu Phi.
"Khi họ đến, sứ quán Trung Quốc không có bất kỳ chương trình định hướng và giáo dục nào. Một số hiệp hội Trung Quốc, với thành viên bao gồm các công dân Trung Quốc cư trú dài hạn, đã cố gắng mang đến các chương trình như vậy, nhưng chúng không bắt buộc, không thống nhất, hoặc không có kinh phí, nhân sự để duy trì lâu dài", ông Chan nói.
Solange Guo Chatelard, học giả về Trung Quốc - châu Phi và là cộng tác viên nghiên cứu tại Đại học Libre de Bruxelles ở Bỉ, cho biết vụ giết người hồi tháng trước ở Lusaka không phải là trường hợp cá biệt.
"Có rất nhiều người Trung Quốc vô tội mất mạng ở nước ngoài", bà nói. "Tôi đã chứng kiến một số trường hợp ở Zambia và đã nghe thấy lời khai về các sự vụ ương tự ở Nam Phi, Kenya, Senegal... gần như ở mọi nơi tôi đi qua tại châu lục này".
Bà nói rằng trong hầu hết trường hợp, gia đình nạn nhân, hoặc chủ của nạn nhân, sẽ không tìm cách thu hút sự quan tâm của công chúng đối với hoàn cảnh của nạn nhân.
"Họ không cho rằng sự quan tâm của công chúng hoặc một bê bối chính trị rộng lớn hơn có thể phát sinh từ đó là có ích trong những trường hợp này", bà nói.
"Việc chỉ là một cú xóc trên đường đối với các quốc gia lại là thiệt hại không thể đảo ngược trong cuộc sống của người dân bình thường".