Vụ giết người, giấu xác làm bùng lên tranh luận về tình yêu tại Ấn Độ

Cái chết của Shraddha Walkar, người bất chấp phản đối của gia đình để sống với bạn trai, làm dấy lên tranh cãi về giá trị của tôn giáo, truyền thống và tình yêu tại Ấn Độ.

 Một biểu ngữ đòi xử phạt nghiêm minh hung thủ Aaftab Poonawala trong cuộc diễu hành tại Mumbai hôm 19/11/2022. Ảnh: AP.

Một biểu ngữ đòi xử phạt nghiêm minh hung thủ Aaftab Poonawala trong cuộc diễu hành tại Mumbai hôm 19/11/2022. Ảnh: AP.

Vào một chiều cuối năm 2022, vụ án giết người rúng động bậc nhất Ấn Độ bắt đầu được đưa ra xét xử tại tòa án ở Delhi.

Aaftab Poonawala, 28 tuổi, bị cáo buộc sát hại bạn gái Shraddha Walkar, người mà Poonwala quen qua ứng dụng hẹn hò Bumble từ năm 2019. Poonawala còn được cho đã phân thi thể của nạn nhân ra làm 35 mảnh. Vụ việc tàn bạo đến mức nhiều giáo sư luật cũng lên tiếng đề nghị xử tử hình nghi phạm.

Walkar là cô gái trẻ theo đạo Hindu và đã cùng chung sống với Poonawala, chàng trai theo đạo Hồi mà cô quen qua mạng, bất chấp phản đối từ gia đình, theo Washington Post.

Điều này khiến vụ án làm dấy lên hàng loạt tranh luận trên mạng xã hội Ấn Độ về vai trò của phụ nữ, về gia đình, tôn giáo, và đặc biệt là về tình yêu trong kỷ nguyên công nghệ.

"Sóng ngầm" trong xã hội Ấn Độ

Vụ án cũng phản ánh sự mâu thuẫn giữa hai thế giới đang cùng tồn tại trong xã hội Ấn Độ. Với thế mạnh về công nghệ số, Ấn Độ đang chứng kiến sự bùng nổ của các ứng dụng hẹn hò trực tuyến. Trong quý 3/2022, doanh thu của Bumble tại Ấn Độ đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2021, theo Outlook India.

Dù vậy, Ấn Độ cũng là quốc gia có độ tuổi kết hôn trung bình của phụ nữ chỉ là 19. Các cuộc hôn nhân thường do cha mẹ sắp xếp và không thể vượt lên trên giới hạn về đẳng cấp hay tôn giáo. Chỉ 13% số cặp vợ chồng thuộc về đẳng cấp khác nhau, trong khi chỉ 2,5% số cuộc hôn nhân có khác biệt về tôn giáo, Hindu cho biết.

Khi thông tin về cái chết của Walkar được đăng tải rộng rãi trên truyền thông Ấn Độ, phe “truyền thống” hướng sự chỉ trích vào các cặp đôi sống thử, cũng như nhấn mạnh đến hiểm nguy từ các ứng dụng hẹn hò.

Yếu tố tôn giáo cũng “đổ thêm dầu vào lửa”: Theo hồ sơ của cảnh sát, cha mẹ của Walkar - những người theo đạo Hindu - đã cắt liên hệ với con gái mình từ hai năm trước, khi cô quyết định cùng chung sống với Poonwala. Gia đình Walkar “không bao giờ kết hôn với người khác tôn giáo hay đẳng cấp”, ông Vikas, cha nạn nhân, nói với cảnh sát.

 Nạn nhân Shraddha Walkar. Ảnh: BBC.

Nạn nhân Shraddha Walkar. Ảnh: BBC.

Trên một diễn đàn hôm 12/9, ông Vikas kêu gọi giới chức Ấn Độ hạn chế hoạt động của các ứng dụng hẹn hò, cũng như giáo dục để giới trẻ “thức tỉnh về tôn giáo”.

“Chúng ta cần nghĩ nhiều hơn tới các ứng dụng hẹn hò hiện đại mà con em chúng ta đang sử dụng để kiếm người yêu”, ông nói với báo giới. “Không có sự kiểm soát nào. Những người làm cha làm mẹ như chúng tôi cảm thấy bất lực”.

Seema Chishti, một nhà báo tại New Delhi, cho biết dư luận Ấn Độ chủ yếu coi vụ án là “bài học” cho giới trẻ.

“Thông điệp là: Nghe lời cha mẹ, không sống thử với bất cứ ai. Nếu muốn tự ý kết hôn, đừng lấy người theo đạo Hồi”, bà Chishti nói.

Sweta, một nhà nghiên cứu 30 tuổi đang sống cùng bạn trai quen qua Bumble, cho biết mẹ cô đã gọi ngay sau khi biết thông tin về vụ sát hại Walkar. Mẹ của Sweta cho biết bà sốc vì “phụ nữ ngày nay đưa ra những quyết định như vậy”.

Sweta cũng từng gặp vấn đề với chủ trọ khi người này yêu cầu cô và bạn trai phải kết hôn trong sáu tháng, nếu không muốn bị đuổi đi.

“Mọi người rất dễ khái quát hóa vấn đề và coi đây là lỗi của cô gái”, Sweta nhận định.

Áp lực với giới trẻ

Theo truyền thông Ấn Độ, trước vụ sát hại, Poonawala đã nhiều lần có hành vi bạo lực đối với Walkar. Hôm 29/11, Poonawala thừa nhận đã bóp cổ nạn nhân khi hai người cãi cọ về vấn đề tài chính và sự thiếu chung thủy của Poonawala.

Câu chuyện của Walkar cũng cho thấy lựa chọn khó khăn mà nhiều người trẻ Ấn Độ phải đối mặt: Giữa tình yêu và gia đình. Điều này đặc biệt đúng với các cặp đôi khác tôn giáo, theo cựu giáo sư Đại học Delhi Rajni Palriwala.

Nếu các đôi không nghe lời cha mẹ, họ có thể bị từ mặt giống như Walkar, khiến họ không còn đường lui nếu lỡ rơi vào mối quan hệ không tốt.

 Sinh viên tại Mumbai tưởng niệm Shraddha Walkar. Ảnh: PTI.

Sinh viên tại Mumbai tưởng niệm Shraddha Walkar. Ảnh: PTI.

Một người phụ nữ 27 tuổi tại Bengaluru cho biết gia đình Hồi giáo bảo thủ không ủng hộ mối quan hệ của cô với bạn trai theo Công giáo. Mối quan hệ này có thể sẽ phải kết thúc do cô không muốn làm phật ý mẹ mình.

“Đôi lúc chúng tôi mơ về việc sống cùng nhau, nhưng mẹ tôi sẽ không bao giờ cho phép”, người này nói, từ chối tiết lộ danh tính do lo ngại bị tấn công. “Tôi ước rằng anh ta là người Hồi giáo. Khi đó, mọi việc sẽ dễ dàng hơn”.

Tại thành phố Guwahati miền Đông Bắc Ấn Độ, Farzid, 24 tuổi, cho biết mẹ của bạn gái anh đã thúc giục cô bỏ anh sau khi nghe tin về vụ việc của Walkar.

Bạn gái của Farzid không nghe lời, nhưng anh lo ngại cô có thể bị gia đình xa lánh. “Mẹ là người gần gũi nhất với cô ấy”, Farzid nói.

Dù vậy, đã có nhiều tiếng nói trong xã hội Ấn Độ phản bác lại những chỉ trích nhằm vào Walkar.

“Tôi luôn nghĩ rằng tình hình có thể đã khác nếu gia đình ủng hộ lựa chọn và mong muốn tự đưa ra quyết định của cô ấy, cũng như luôn ở bên khi cô ấy cần hỗ trợ”, nhà vận động nữ quyền Urvashi Butalia chia sẻ.

Theo các chuyên gia, luật pháp Ấn Độ cũng vẫn còn một số điểm chưa hoàn thiện trong việc bảo vệ phụ nữ. Nhà nghiên cứu xã hội học Parul Bhandari tại Đại học Cambridge (Anh) chỉ ra luật bạo lực gia đình Ấn Độ không điều chỉnh các mối quan hệ “sống thử” ngoài hôn nhân.

“Sống thử có nghĩa là bạn đang có mối quan hệ về tình dục. Đây là điều các thế hệ đi trước không sẵn sàng chấp nhận”, bà nói.

Việt Hà

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/vu-giet-nguoi-giau-xac-lam-bung-len-tranh-luan-ve-tinh-yeu-tai-an-do-post1391111.html