Vụ gói thầu số hóa: 3 bị cáo nộp tiền khắc phục hậu quả ngay tại tòa
Các bị cáo đã nộp khắc phục hậu quả tổng cộng 3,8 tỉ đồng ngay tại trong phiên xử.
Chiều 30.12, trong phần đối đáp tại phiên tòa xét xử vụ án can thiệp đấu thầu trái phép liên quan đến cựu Chủ tịch TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung, đại diện VKS cho biết bị cáo Nguyễn Văn Tứ (nguyên Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Hà Nội) đã chủ động nộp khắc phục hậu quả 1,5 tỉ đồng.
Ngoài ra, bị cáo Võ Việt Hùng (nguyên Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và phát triển Đông Kinh) đã nộp 2,1 tỉ đồng; bị cáo Lê Duy Tuấn (nguyên Giám đốc kinh doanh của Công ty Đông Kinh) nộp thêm 200 triệu đồng.
Như vậy, trong vụ án này, 3 bị cáo Tứ, Hùng và Tuấn đã nộp khắc phục hậu quả tổng cộng 3,8 tỉ đồng ngay tại tòa. Theo nhận định của VKS, đây là tình tiết giảm nhẹ mới, đề nghị HĐXX cân nhắc giảm nhẹ hình phạt cho 3 bị cáo nói trên.
Kiểm sát viên phân tích nếu các bị cáo cho rằng mình không có trách nhiệm khắc phục hậu quả thì còn tự nguyện nộp tiền làm gì. Hơn nữa, ngay buổi xét hỏi đầu tiên, các bị cáo đã thừa nhận hành vi vi phạm. Nhưng luật sư lại cho rằng thân chủ của mình không phạm tội, việc này trái với ý chí của các bị cáo. Các bị cáo xin HĐXX cân nhắc mức án vừa nghiêm minh, vừa nhân văn. Như vậy, bản thân các bị cáo đã nhận thức và thừa nhận vi phạm của mình.
Các bị cáo tại tòa - Ảnh: N.A
Trước đó, trong phần luận tội vào sáng 29.12, đại diện VKS đã đề nghị HĐXX tuyên buộc Công ty Đông Kinh nộp lại 6,6 tỉ đồng hưởng lợi bất chính. Các bị cáo trong vụ án (trừ Nguyễn Đức Chung) phải liên đới bồi thường số tiền thiệt hại còn lại khoảng 20 tỉ đồng.
Theo phân tích từ VKS, việc tính số tiền thiệt hại là “có căn cứ và chính xác”, đã được cơ quan điều tra phối hợp bộ phận kế toán, tính đúng tính đủ chi phí hợp lệ, tính cả thuế. Tại phiên tòa, đại diện Công ty Đông Kinh cũng khẳng định số tiền mà công ty nhận được từ Công ty Nhật Cường đúng như cáo trạng xác định.
Liên quan đến hành vi sai phạm của các bị cáo, theo VKS, mặc dù tại tòa bị cáo Nguyễn Đức Chung và luật sư cho rằng việc đình chỉ thầu là có căn cứ và không liên quan gì đến Bùi Quang Huy, tuy nhiên, kết quả điều tra thể hiện việc chỉ đạo của bị cáo Chung phù hợp với các tài liệu. VKS khẳng định chưa bao giờ kết luận việc ông Chung đã đọc email hay chưa.
Do vậy, VKS nhận định bị cáo Chung đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, chỉ đạo bị cáo Tứ thực hiện hành vi trái pháp luật. Việc làm đó xâm phạm hoạt động đúng đắn của Nhà nước.
Với 6 bị cáo là nguyên lãnh đạo Sở Kế hoạch - Đầu tư Hà Nội và doanh nghiệp, VKS cho biết hành vi vi phạm đấu thầu, bắt đầu từ buổi sáng 16.5.2016 sau 3 cuộc điện thoại của bị cáo Nguyễn Đức Chung.
Theo VKS, đây là vụ án đồng phạm, là chuỗi hành vi vi phạm quy định pháp luật về đấu thầu, từ việc bị cáo Tứ tiếp nhận chỉ đạo của bị cáo Chung, đưa ra quyết định tại buổi giao ban, chỉ đạo bị cáo Nguyễn Tiến Học - cựu Phó giám đốc Sở... thực hiện.
Liên quan đến vật chứng mới là chiếc iPad có lưu địa chỉ email của bị cáo Nguyễn Đức Chung, được luật sư giao nộp trước đó, truyền đạt lại phản hồi của Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao, HĐXX cho biết theo chính sách bảo mật của Google, chỉ xem xét được lịch sử truy cập trong 28 ngày kể cả đăng nhập email nên không thể xác minh được lịch sử đăng nhập email trên.
Chủ tọa cũng cho biết trường hợp có mật khẩu chiếc iPad cũng không có căn cứ ông Chung đã đọc email của Huy hay chưa.