Vụ hai tuyến đường vừa làm xong đã hỏng: UBND huyện Tân Hiệp tổ chức họp khẩn
Mới đây, ông Trần Trường Giang, Phó chủ tịch UBND huyện Tân Hiệp đã ký giấy mời họp (số 210/GM-UBND) gửi đến nhiều cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Kiên Giang với nội dung: Báo cáo tình hình đầu tư hai công trình đường Kênh Zero và Kênh 9 theo phản ánh của báo chí.
Trước đó, theo thông tin phản ánh của người dân, hai tuyến đường Kênh Zero và Thạnh Đông (Kênh 9) thuộc địa bàn huyện Tân hiệp, tỉnh Kiên Giang vừa mới thi công xong nhưng công trình đã xuống cấp hư hỏng, xuất hiện nhiều “hố voi”, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người tham gia giao thông.
Theo tìm hiểu của phóng viên, tuyến đường thuộc gói thầu 05: Đường Kênh Zero (nâng cấp, mở rộng 11,8km), hạng mục: Nâng cấp, mở rộng thuộc công trình đường Kênh Zero (nâng cấp, mở rộng 11,8km) Ngày 09/4/2021, Ban quản lý dự án Đầu tư Xây dựng huyện Tân Hiệp đã ra quyết định số 48/QĐ-BQLDA, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu số 05. Theo đó, Công ty TNHH Phạm Bảo (địa chỉ số 525 đường 3/2, phường Vĩnh Lạc, TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang là đơn vị đã trúng thầu gói thầu 05 với giá trúng thầu hơn 4 tỷ đồng, thời gian thực hiện hợp đồng là 120 ngày. Nguồn vốn đầu tư cho công trình được lấy từ Ngân sách Nhà nước.
Đối với tuyến đường Thạnh Đông (Kênh 9), ngày 05/5/2022, UBND huyện Tân Hiệp đã phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu công trình sửa chữa, cải tạo mặt đường, gia cố sạt lở đường Thạnh Đông. Ngày 10/5/2022, Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Tân Hiệp có quyết định 18/QĐ-KTHT phê duyệt hồ sơ mời thầu qua mạng.
Đến ngày 26/5/2022, Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Tân Hiệp có quyết định 31/QĐ-KTHT phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu số 07: Sửa chữa mặt đường, mở rộng mặt đường thuộc công trình sửa chữa, cải tạo mặt đường, gia cố sạt lở đường Thạnh Đông.
Theo đó, nhà thầu trúng thầu trọn gói là Công ty TNHH Ngân Hiệp Phát, địa chỉ F3, 94 đường Phạm Hùng, phường Vĩnh Lạc, TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang đã trúng thầu trọn gói với giá trúng thầu hơn 3 tỷ đồng, thời gian thực hiện hợp đồng là 90 ngày. Tuyến đường có chiều dài thi công hơn 5,5 km được thẩm định thiết kế thuộc loại công trình giao thông cấp IV, chiều rộng lề đường gia cố 1,05m, bề rộng nền đường 6,5m. Nguồn vốn đầu tư công trình lấy từ vốn sự nghiệp giao thông năm 2022.
Ghi nhận thực tế của PV ngày 21/10/2022, tuyến đường Kênh Zero (từ Trạm y tế Tân Hiệp B đến cầu sắt Tân Hiệp) nhiều đoạn đã xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng. Tuyến đường Thạnh Đông (Kênh 9) cũng rơi vài tình trạng tương tự, nhiều đoạn mặt đường bong chóc, lồi đá lổm nhổm. Có đoạn xuất hiện nhiều “ổ gà, ổ voi” đọng nước trên mặt đường, lề đường bong tróc lớp nhựa lồi lớp đất đá…
Qua tìm hiểu và ghi nhận thực tế, trong hai ngày 07/11/2022 và 16/11/2022, báo Tri thức và Cuộc sống đã có hai bài phản ánh: Kiên Giang: Đường kênh Zero chưa nghiệm thu đã hỏng? và Tân Hiệp (Kiên Giang): Thêm một con đường vừa làm xong đã hỏng?
Sau khi báo Tri thức và Cuộc sống đăng tải nội dung phản ánh trên, ngày 18/11/2022, ông Trần Trường Giang, Phó chủ tịch UBND huyện Tân Hiệp đã ký giấy mời họp (số 210/GM-UBND) gửi đến nhiều cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Kiên Giang với nội dung: Báo cáo tình hình đầu tư hai công trình đường Kênh Zero và Kênh 9 theo phản ánh của báo chí.
Theo đó, cuộc họp sẽ diễn ra lúc 7h30 ngày 22/11/2022 tại hội trường B, UBND huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang.
Thành phần tham dự: Đại diện Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kiên Giang; Đại diện lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Kiên Giang; Đại diện lãnh đạo Báo Kiên Giang; Nhà báo được phân công theo dõi địa bàn huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang; Thường trực Huyện ủy; Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Huyện ủy; Lãnh đạo UBND huyện Tân Hiệp; Trưởng các phòng là thành viên UBND huyện; Trung tâm Văn hóa- Thể thao và Truyền thanh huyện.
Báo Tri thức và Cuộc sống sẽ tiếp tục thông tin vụ việc đến bạn đọc.
Theo Luật sư Nguyễn Văn Lập (Đoàn luật sư TP HCM), việc hai hai tuyến đường Kênh Zero và Thạnh Đông (Kênh 9) tại huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang vừa mới thi công xong nhưng đã xuống cấp, hư hỏng. Rõ ràng, chất lượng thi công công trình không được đảm bảo.
"Theo điều 123, Luật xây dựng năm 2014 về Nghiệm thu công trình xây dựng:
1. Việc nghiệm thu công trình xây dựng gồm:
a) Nghiệm thu công việc xây dựng trong quá trình thi công và nghiệm thu các giai đoạn chuyển bước thi công khi cần thiết;
b) Nghiệm thu hoàn thành hạng mục công trình, hoàn thành công trình xây dựng để đưa vào khai thác, sử dụng.
2. Hạng mục công trình, công trình xây dựng hoàn thành chỉ được phép đưa vào khai thác, sử dụng sau khi được nghiệm thu bảo đảm yêu cầu của thiết kế xây dựng, tiêu chuẩn áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật cho công trình, quy định về quản lý sử dụng vật liệu xây dựng và được nghiệm thu theo quy định của Luật này.
3. Chủ đầu tư có trách nhiệm tổ chức nghiệm thu công trình xây dựng. Tổ chức, cá nhân tham gia nghiệm thu chịu trách nhiệm về sản phẩm do mình xác nhận khi nghiệm thu công trình xây dựng.
4. Công trình quan trọng quốc gia, công trình có quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp, công trình có ảnh hưởng lớn đến an toàn cộng đồng và môi trường, công trình sử dụng vốn nhà nước phải được kiểm tra công tác nghiệm thu trong quá trình thi công và khi hoàn thành thi công xây dựng công trình. Trách nhiệm tổ chức kiểm tra công tác nghiệm thu được quy định như sau:
a) Hội đồng nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng tổ chức kiểm tra công tác nghiệm thu của chủ đầu tư đối với công trình quan trọng quốc gia, công trình có quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp;
b) Cơ quan chuyên môn về xây dựng tổ chức kiểm tra công tác nghiệm thu của chủ đầu tư đối với các công trình không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này.
5. Chính phủ quy định chi tiết về quản lý chất lượng, nghiệm thu và giải quyết sự cố công trình xây dựng.
Do đó, lãnh đạo huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang cần thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra lại toàn bộ quá trình thi công công trình, nghiệm thu… để tim ra nguyên nhân công trình đã xuống cấp, hư hỏng".