Vũ Hán - mùa xuân trở lại
Ngày 8/4/2020 có lẽ là ngày không thể nào quên đối với người dân Vũ Hán - tâm chấn của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19: lệnh phong tỏa tại thành phố miền Trung Trung Quốc đã chính thức được dỡ bỏ.
Sau hơn hai tháng rưỡi, giờ đây cuộc sống bình thường đang dần quay trở lại thành phố thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc này, đồng thời đây cũng có thể được xem là dấu hiệu quan trọng cho thấy Trung Quốc đã bước đầu chiến thắng trong cuộc chiến chống dịch COVID-19.
Vũ Hán, trung tâm giao thông lớn nhất ở miền Trung Trung Quốc, từ cuối tháng 12/2019 đã gây chấn động cả thế giới bởi sự xuất hiện của virus Corona chủng mới SARS-CoV-2, được xác nhận có thể lây từ người sang người.
Cùng với đà lan rộng của dịch bệnh và những ca tử vong đầu tiên ở thành phố 11 triệu dân này, cái tên Vũ Hán nhanh chóng "chiếm lĩnh" các mặt báo. Chỉ 2 ngày trước Tết Nguyên Đán, giữa thời điểm vốn được coi là "cuộc di cư vĩ đại nhất hành tinh" khi người dân Trung Quốc về quê ăn Tết hay lên đường đi du lịch, để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19, chính quyền quyết định phong tỏa thành phố Vũ Hán bắt đầu từ 10 giờ sáng ngày 23/1/2020.
Từ một thành phố luôn nhộn nhịp, sôi động, người dân Vũ Hán, chưa hề được chuẩn bị tâm lý, bước vào đợt phong tỏa khó khăn, nhưng hết sức cần thiết. Một ngày sau đó, toàn bộ tỉnh Hồ Bắc cũng được phong tỏa, với tổng số người thực hiện cách ly lên đến gần 60 triệu. Đây được xem là biện pháp mạnh tay chưa từng có tiền lệ tại Trung Quốc, quốc gia đông dân nhất thế giới.
Nhìn lại 76 ngày đêm đóng cửa Vũ Hán, có thể thấy chính quyền thành phố đã thực hiện nhiều biện pháp nghiêm ngặt như cách ly các trường hợp nghi ngờ nhiễm bệnh và các trường hợp được xác nhận nhiễm bệnh, tạm dừng các phương tiện giao thông công cộng như xe buýt và tàu điện ngầm, đóng cửa trường học và các địa điểm giải trí, cấm tụ tập nơi công cộng, kiểm tra nhiệt độ người dân đi lại, chỉ các cửa hàng thiết yếu được mở cửa, mọi người dân đều phải đeo khẩu trang khi xuất hiện tại nơi công cộng, tuyên truyền rộng rãi thông tin phòng ngừa về dịch bệnh. Các trung tâm y tế, tổ chức cộng đồng đã được huy động tham gia hỗ trợ những hoạt động phòng ngừa và ứng phó dịch bệnh. Các đội tình nguyện viên được thành lập để kiểm soát việc khai báo sức khỏe và ra vào các khu dân cư, hỗ trợ việc tự cách ly và giúp những người bị cách ly tại nhà riêng vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.
Song song với việc thực hiện biện pháp phong tỏa thành phố, ngày 23/1 và ngày 25/1, Trung Quốc quyết định xây dựng 2 bệnh viện dã chiến Hỏa Thần Sơn và Lôi Thần Sơn theo mô hình bệnh viện Tiểu Thang Sơn trong thời kỳ bệnh SARS năm 2003. Chỉ vẻn vẹn 10 ngày, hai bệnh viện dã chiến này với số lượng 2.500 giường bệnh đã được đưa vào hoạt động, giúp giảm tình trạng quá tải ở các bệnh viện của Vũ Hán.
Tuy nhiên, số giường bệnh tại đây vẫn không đủ khi số bệnh nhân tăng chóng mặt vào thời kỳ đỉnh dịch, Vũ Hán tổng cộng đã phải sử dụng 14 bệnh viện dã chiến tạm thời được cải tạo thần tốc từ các cơ sở công cộng hiện có, như nhà thi đấu thể thao, trung tâm triển lãm, sân vận động..., đã thu nhận và điều trị khoảng hơn 13.600 bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 thể nhẹ. Trước tình trạng thiếu bác sĩ và y tá, Trung Quốc đã phải điều 42.600 nhân viên y tế từ khắp nơi trên cả nước để chi viện cho Vũ Hán và Hồ Bắc.
Việc phong tỏa Vũ Hán là sự kiện cách ly lớn nhất trong lịch sử loài người, sau đó đã được nhiều thành phố của Trung Quốc áp dụng để ứng phó với tình hình dịch bệnh khẩn cấp. Theo số liệu của các tổ chức nghiên cứu, việc phong tỏa này đã khiến số ca nhiễm COVID-19 ở Trung Quốc giảm 96%, đồng thời cũng đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát dịch bệnh. Sau những chấn động và hoảng loạn ban đầu, người dân Vũ Hán đã chấp nhận thực hiện quy định mới và có thể nói đây là một trong những yếu tố quan trọng giúp Vũ Hán vượt qua đại dịch.
Các biện pháp dập dịch mạnh tay của Trung Quốc trong 50 ngày đầu tiên xuất hiện dịch COVID-19 ở Vũ Hán đã tạo ra thời gian chuẩn bị quý giá cho các thành phố khác của nước này và giúp cơ quan chức năng đưa ra các biện pháp hạn chế cần thiết. Các chuyên gia y tế cho rằng nếu không có lệnh cấm di chuyển ở Vũ Hán và biện pháp khẩn cấp trên toàn Trung Quốc thì sẽ có hơn 700.000 trường hợp nhiễm COVID-19 bên ngoài Vũ Hán tại thời điểm này. Các biện pháp kiểm soát dịch bệnh của Trung Quốc dường như đã có hiệu quả trong việc ngăn chặn thành công chuỗi truyền nhiễm, ngăn ngừa việc tiếp xúc giữa những người đã bị nhiễm với những người có thể bị nhiễm.
Sau khi số ca lây nhiễm mới và số người tử vong giảm xuống, ngày 10/3, Chính phủ Trung Quốc quyết định đóng cửa những bệnh viện dã chiến cuối cùng ở tâm dịch Hồ Bắc. Hơn 21.0460 nhân viên y tế trên cả nước đã rời khỏi tỉnh Hồ Bắc khi số bệnh nhân COVID-19 giảm đi.
Từ ngày 18 đến ngày 22/3, thành phố Vũ Hán và cả tỉnh Hồ Bắc đã không ghi nhận thêm ca nhiễm mới. Tỉnh Hồ Bắc quyết định dỡ bỏ toàn bộ lệnh hạn chế đi lại trong và ngoài tỉnh từ ngày 25/3, riêng thành phố Vũ Hán là từ ngày 8/4. Sân bay Thiên Hà của Vũ Hán đã được khử trùng toàn diện để chuẩn bị cho việc nối lại các chuyến bay vận chuyển hành khách từ ngày 8/4.
Kể từ khi dịch bệnh bùng phát hồi tháng 12/2019, Vũ Hán đã ghi nhận hơn 50.000 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và tổng số ca tử vong cao nhất cả nước (chiếm 80% trong số 3.333 ca tử vong ở Trung Quốc tính đến ngày 8/4). Hơn 1.400 trường hợp đang tiếp tục được điều trị ở Vũ Hán.
Câu chuyện Vũ Hán đã mang lại niềm hy vọng cho phần còn lại của thế giới, rằng tình hình nghiêm trọng nhất vẫn có thể được đảo ngược nếu có những biện pháp phù hợp. Tuy nhiên, dù số ca nhiễm giảm và lệnh phong tỏa Vũ Hán được dỡ bỏ, chính quyền vẫn cảnh giác cao độ. Nhân viên y tế Vũ Hán vào mỗi buổi sáng cùng các tình nguyện viên đều mặc đồ bảo hộ, phun thuốc khử trùng tại các nhà ga, khu công cộng, đồng thời nhắc nhở người dân và khách du lịch sử dụng mã sức khỏe khi tham gia giao thông công cộng.
Trước đó, chính quyền tỉnh Hồ Bắc đã yêu cầu toàn bộ cư dân lấy mã QR xác nhận tình trạng sức khỏe, phân loại theo màu sắc, như đỏ cho người đã được xác nhận dương tính với virus và nghi ngờ hoặc nhiễm bệnh không triệu chứng, màu vàng dành cho người có tiếp xúc gần với người nhiễm bệnh, màu xanh lục dành cho người không có tên trong dữ liệu của cơ quan kiểm soát dịch bệnh. Người tham gia giao thông phải trình diện “mã sức khỏe” xanh lục do cơ quan chức năng cấp, xác nhận họ không nhiễm virus, qua một ứng dụng trên điện thoại di động.
Người dân Vũ Hán hiểu rằng mối đe dọa của dịch bệnh vẫn còn cao, cảnh báo về các ca bệnh từ nước ngoài dẫn đến làn sóng bùng phát dịch bệnh lần thứ hai tại Trung Quốc vẫn đáng lo ngại. Nhưng lệnh dỡ bỏ phong tỏa giúp họ bắt đầu cảm nhận nhịp sống thường nhật đang dần quay trở lại với thành phố, điều mà họ từng mong mỏi trong suốt 76 ngày đêm phong tỏa vừa qua.
Các công ty bắt đầu sản xuất trở lại, công nhân trở lại nhà máy làm việc, người dân có thể tới siêu thị mua sắm thực phẩm. Trên những tuyến phố chăng đầy khẩu hiệu: “Hãy đeo khẩu trang khi ra ngoài đường, mọi người không nên tụ tập, và khi bạn đi đâu đó, vui lòng quét mã sức khỏe”. Các hàng quán bán đồ ăn sáng đã lác đác mở cửa trở lại, trên gương mặt mọi người cũng không còn vẻ lo lắng như vài tháng trước đây. Một số người dân bắt đầu đi dạo và tập thể dục, hít thở không khí trong lành dọc bờ sông Dương Tử. Nhịp sống ở Vũ Hán đang dần hồi sinh.
Hoa anh đào đã nở, báo hiệu mùa Xuân đến với Vũ Hán mang theo những hy vọng và lạc quan về một tương lai tươi sáng. Mùa Xuân đang len lỏi trên mỗi một ngõ phố, cả thành phố như bừng lên sức sống mới, dấu hiệu của sự hồi sinh sau những tháng ngày oằn mình chống lại bệnh dịch.