Vụ Hoa hậu Ý Nhi: 'Cha đẻ' cuộc thi Hoa hậu Việt Nam nói gì?
Từ những phát ngôn gây tranh cãi và câu chuyện đòi tước vương miện của Hoa hậu Ý Nhi, Dân Việt có cuộc trò chuyện với nhà thơ Dương Kỳ Anh - 'cha đẻ' cuộc thi Hoa hậu Việt Nam để rộng đường dư luận về vấn đề này.
Chưa đầy 2 tuần sau khi đăng quang Miss World Vietnam 2023 (Hoa hậu Thế giới Việt Nam), Hoa hậu Ý Nhi liên tiếp khiến cộng đồng yêu nhan sắc tranh cãi trái chiều, thậm chí đòi tước vương miện vì loạt phát ngôn đưa ra trong những chuyến media tour để gặp gỡ truyền thông.
Từ việc Hoa hậu Ý Nhi cho rằng, bạn trai yêu 6 năm phải thay đổi để theo kịp cô khi đã trở thành Hoa hậu đến phát ngôn: "Trong khi giới trẻ, bạn bè dành thời gian để ngủ, uống trà sữa thì tôi đã trở thành Hoa hậu". Cô gái 21 tuổi còn bị chỉ trích vì kể tên mình trước cả vua Quang Trung và nhà thơ Hàn Mặc Tử khi nhận được câu hỏi yêu cầu kể tên 3 người nổi tiếng ở Bình Định.
Đòi tước vương miện của Hoa hậu Ý Nhi là quá nặng nề
Giữa 2 luồng ý kiến cho rằng: Thứ nhất là, cần tẩy chay, tước vương miện Miss World Vietnam 2023 của Hoa hậu Ý Nhi. Thứ hai là, nên thông cảm, tha thứ vì Hoa hậu Ý Nhi đã có lời xin lỗi sau loạt phát ngôn gây tranh cãi thời gian qua. Riêng nhà thơ Dương Kỳ Anh - "cha đẻ" cuộc thi Hoa hậu Việt Nam sẽ thuận theo luồng ý kiến nào?
- Tôi nghĩ rằng, với những phát ngôn như vậy chưa xứng tầm Hoa hậu, dễ khiến những người yêu mến cái đẹp thất vọng. Tuy nhiên, việc một số người đòi tước vương miện của Hoa hậu Ý Nhi theo tôi là quá nặng nề. Bởi vì, tước vương miện trong trường hợp Hoa hậu vi phạm về đạo đức, quy chế, quy định của Ban tổ chức (BTC) cuộc thi, vi phạm pháp luật.
Quan điểm của tôi về Hoa hậu phải là người hài hòa giữa vẻ đẹp hình thể và sự hiểu biết trong cách ứng xử, tri thức. Nếu những câu như Hoa hậu Ý Nhi phát ngôn trong thời gian qua thì thật sự thất vọng... Và công chúng có quyền khen – chê, nhưng vấn đề khen – chê thế nào để có văn hóa, không nên mạt sát người khác.
Có ý kiến cho rằng, Hoa hậu Ý Nhi do đăng quang Miss World Vietnam 2023 ở tuổi 21 – độ tuổi được cho là quá trẻ nên khó tránh khỏi phát ngôn "vạ miệng". Ông nghĩ sao về ý kiến này?
- Tôi nghĩ chúng ta cũng nên thông cảm, nhưng để nói do cô ấy (Hoa hậu Ý Nhi – PV) trẻ quá nên đưa ra phát ngôn chưa xứng tầm Hoa hậu thì chưa hẳn đúng. Bởi vì, Hoa hậu Bùi Bích Phương từng đăng quang cuộc thi Hoa hậu lần đầu tiên tại Việt Nam năm 1988 khi mới 17 tuổi. Hà Kiều Anh đăng quang Hoa hậu toàn quốc do báo báo Tiền Phong tổ chúc năm 1992 (tiền thân của cuộc thi Hoa hậu Việt Nam) khi vừa tròn 16 tuổi và trở thành Hoa hậu trẻ nhất trong lịch sử cuộc thi này. Đó chỉ là 2 ví dụ mà tôi dẫn chứng để thấy rằng, vấn đề không phải ở tuổi tác của Hoa hậu mà ở việc chọn ra một Hoa hậu sao cho xứng tầm để công chúng không phải thất vọng.
Khi lựa chọn chủ nhân vương miện là cô gái ở tuổi 16, 17 tuổi như trước đây, BTC cuộc thi không lo sợ những người đẹp này có thể gây tranh cãi về phát ngôn, ứng xử hay sao, thưa ông?
- Thực ra, Hoa hậu phát ngôn, ứng xử không xứng tầm Hoa hậu thì cô gái ấy chỉ đáng chê trách một phần và một phần ở BTC, Ban giám khảo (BGK) đã chọn ra Hoa hậu như thế.
Thời điểm chúng tôi chấm thi Hoa hậu Việt Nam với thành phần BGK như: Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, NSND Trà Giang, Giáo sư nhân trắc học Nguyễn Quang Quyền… Họ là những người nổi tiếng, tài năng, đức độ mà còn là những người có con mắt tinh đời, nhìn ra cái đẹp hình thể, cái đẹp nội tâm. Còn ngày nay, thành viên BGK các cuộc thi nhan sắc như thế nào thì tôi không biết.
Thứ hai là, tiêu chí chấm thi Hoa hậu trước đây tôn vinh cái đẹp hài hòa giữa cái đẹp về hình thể và hiểu biết, trí tuệ. Ngoài ra, BTC, BGK không còn mục đích nào khác. Hiện tại, người đi thi Hoa hậu và người tổ chức, chấm thi nhan sắc còn có những mục đích nào khác nữa hay không?!
Hơn chục năm nay, nhiều cuộc thi cũng mời tôi vào vị trí Trưởng Ban giám khảo nhưng tôi không tham gia. Trong quy chế cuộc thi Hoa hậu đầu tiên ở Việt Nam do tôi soạn thảo năm 1989, được Bộ Văn hóa - Thông tin lúc đó ban hành. Sau thành công của cuộc thi Hoa hậu đầu tiên ở nước Việt Nam thống nhất cũng nêu rõ, chỉ có một vài cuộc thi tầm cỡ quốc gia được gọi tên là cuộc thi Hoa hậu, còn lại được gọi là cuộc thi người đẹp, danh hiệu Hoa khôi. Còn hiện tại, tôi thấy cuộc thi sắc đẹp nào cũng gọi là cuộc thi Hoa hậu thì "loạn danh xưng"… Và nếu tổ chức không tốt nữa, thì các cuộc thi nhan sắc khiến cho công chúng yêu cái đẹp thất vọng.
Theo ông, bài học nào cho những Hoa hậu để tránh những sự cố "vạ miệng"?
- Tất nhiên, BTC, BGK cuộc thi sẽ luôn đồng hành cùng các Hoa hậu. Tuy nhiên, theo tôi nghĩ phần ứng xử và nhận thức thuộc về tư chất của một con người. Khi đã là Hoa hậu sẽ biết cách để đưa ra những câu ứng xử xứng tầm. Dù một số Hoa hậu đăng quang thời tôi chấm mới 16, 17 tuổi nhưng họ biết cách trả lời ứng xử, trả lời trước báo chí, truyền thông một cách khiêm tốn, thông minh dù chẳng được ai "nhắc bài".
Vì vậy, điều tôi muốn nhấn mạnh khi lựa chọn Hoa hậu là phải vừa có vẻ đẹp, sự hiểu biết, ứng xử ngang tầm, tiêu tiểu cho vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam. Ví dụ như thời điểm cuộc thi Hoa hậu Việt Nam năm 1996 có một người đẹp khiến tôi và giám khảo, NSND Trà Giang mê mẩn. Thậm chí, NSND Trà Giang còn cho rằng, người đẹp này nếu đại diện Việt Nam đi thi Hoa hậu Thế giới thì có thể giành ngôi vị cao nhất. Tuy nhiên, khi bước vào phần thi ứng xử, cô gái ấy trả lời chưa xứng tầm với sắc đẹp của mình nên cô ấy chỉ giành giải Á hậu.
Hoa hậu cần ứng xử xứng tầm
Chưa kể, Hoa hậu Ý Nhi được BTC Miss World Vietnam công khai sẽ đại diện Việt Nam thi Hoa hậu Thế giới 2024. Vậy theo ông, với những lùm xùm Hoa hậu mắc phải có xứng đáng để đại diện Việt Nam đi thi Hoa hậu Thế giới?
- Tôi cũng không hiểu về cách cử đại diện tham gia cuộc thi Hoa hậu Thế giới hiện nay ra sao. Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, Hoa hậu khi đưa ra những phát ngôn như vậy chứng tỏ khả năng ứng xử chưa xứng tầm Hoa hậu rồi.
Khi trên thế giới hiện nay không thiếu những trường hợp Hoa hậu bị tước vương miện như: Hoa hậu Peru 2018 Anyella Pamela Grados bị tước vương miện vì bê bối say xỉn; Hoa hậu Sinh thái Quốc tế 2019 Suheyn Cipriani (Peru) vì mang bầu trong thời gian đương nhiệm. Gần đây nhất, Nguyễn Thị Thảo bị tước danh hiệu Miss Business Global (Hoa hậu Doanh nhân Toàn cầu) do không hoàn thành nhiệm vụ. Liệu có phải chuyện tước vương miện với Hoa hậu vẫn còn khá mới mẻ tại Việt Nam nên chưa đủ sức răn đe những người đẹp có danh hiệu, thưa ông?
- Tôi nghĩ Hoa hậu bị tước vương miện khi vi phạm quy chế, quy định từ phía BTC hay người đẹp đó vi phạm đạo đức, pháp luật. Thời điểm trước đây, các thi sinh dự thi Hoa hậu vào vòng chung kết sẽ phải ký vào cam kết không vi phạm những quy định, quy chế của BTC cuộc thi. Còn hiện tại thì tôi không biết.
Vậy có cách nào khắc phục sau sự cố "vạ miệng" để Hoa hậu "lột xác" cho xứng tầm trong cách ứng xử, phát ngôn hay không, thưa ông? Trong lịch sử cuộc thi Hoa hậu Việt Nam, Hoa hậu nào được ông đánh giá cao về khả năng phát ngôn, ứng xử nhất?
- Tôi nghĩ trải qua sự việc này là bài học không chỉ cho Hoa hậu mà còn cho BTC, BGK rút kinh nghiệm, phải lựa chọn người xứng tầm để trao ngôi vị danh giá.
Theo tôi đánh giá, Hoa hậu Bùi Bích Phương từng đăng quang cuộc thi Hoa hậu lần đầu tiên tại Việt Nam năm 1988 khi mới 17 tuổi là người đẹp giỏi giang, trả lời ứng xử, phát ngôn khá chuẩn. Tôi còn nhớ, sau khi đăng quang, Bùi Bích Phương bước xuống sân khấu đã ngay lập tức trả lời truyền thông, báo chí không chỉ trong nước mà báo chí nước ngoài tự tin, chuẩn mực.
Hoa hậu Việt Nam 2004 Nguyễn Thị Huyền từng được trao giải ứng xử thông minh nhất trong khuôn khổ cuộc thi. Cô ấy gây ấn tượng với tôi khi trả lời câu hỏi có nội dung: "Những năm gần đây, nhiều hoa hậu đã trở thành đại sứ thiện chí của Liên hợp quốc, theo bạn, điều đó có tốt đẹp hay không?". Nguyễn Thị Huyền trả lời đại ý: "Việc Liên hợp quốc chọn hoa hậu làm đại sứ thiện chí theo em là rất hay, vì cái đẹp cũng chính là cái thiện. Việc ấy làm cho cái đẹp, cái thiện ngày càng được nhân lên và tỏa sáng. Chính vì lẽ đó, em nghĩ rằng việc này nên được phát huy, vì sẽ làm cho cuộc sống của chúng ta trở nên tốt đẹp hơn".
Sau câu trả lời ứng, Nguyễn Thị Huyền nhận được những tràng vỗ tay giòn giã từ hàng nghìn khán giả tại Tuần Châu (Quảng Ninh). BTC cuộc thi cử Huyền đi thi và lọt Top 15 Hoa hậu Thế giới 2004, Nguyễn Thị Huyền đứng thứ 11, trước cả Hoa hậu Trung Quốc... càng cho thấy Hoa hậu Nguyễn Thị Huyền đăng quang xứng tầm, đầy thuyết phục.