Vụ học sinh 5 tuổi tử vong trên xe đưa đón: Bài học cũ, nỗi đau mới
Cơ quan CSĐT Công an TP Thái Bình đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Phương Quỳnh Anh (SN 1986, ở TP Thái Bình), về tội 'Vô ý làm chết người', trong vụ bé trai 5 tuổi bị bỏ quên trong ô tô đưa đón học sinh Trường Mầm non Hồng Nhung 2, dẫn đến bé tử vong.
Nhà trường ít ký bàn giao đưa đón học sinh
Ngày 30/5, sau khi hoàn tất các thủ tục khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, thi thể cháu bé T. G. H (5 tuổi, học sinh Trường Mầm non Hồng Nhung 2) được đưa về Nhà tang lễ TP Thái Bình bàn giao cho gia đình lo hậu sự.
Tại nhà tang lễ, bà Đinh Thị Hằng (SN 1963, quê Nam Định, tạm trú tại huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình), bà ngoại cháu bé ôm mặt khóc nức nở. Bà cho biết, khoảng 6h20 ngày 29/5, bà dẫn cháu ngoại ra cổng nhà lên xe đưa đón của nhà trường và thấy cháu ngồi vào hàng ghế thứ 2 (sau ghế lái) rồi mới trở lại nhà.
Theo bà Hằng, hằng ngày, xe của nhà trường đón và đưa học sinh trả về nhà cho phụ huynh, nhưng ngày 29/5 có lễ tổng kết năm học nên phụ huynh phải đến trường đón con.
Chiều cùng ngày, con trai bà (cậu ruột Huy) đến trường đón nhưng tìm không thấy nên đã hỏi các cô giáo ở lớp thì được báo hôm nay cháu không đi học.
“Con trai gọi điện thoại về nói cô giáo báo cháu không đi học, tôi còn quát con đùa mẹ à? Chính mẹ đưa cháu lên xe của nhà trường, sao lại bảo không đi học? Tôi liền gọi điện thoại cho cô giáo đã đón cháu lên xe thì được cô động viên đợi kiểm tra lại. Ai ngờ, cháu tôi lại bị bỏ quên trên ô tô cả ngày trời, không ai biết”, bà Hằng nghẹn ngào.
Theo bà Hằng, cháu H vào học Trường Mầm non Hồng Nhung 2 (xã Phú Xuân, TP Thái Bình) được hơn 2 năm, kinh phí 3 triệu đồng/tháng, bao gồm đón và đưa tận nhà. Mẹ cháu chọn dịch vụ này để cả nhà đỡ vất vả trong việc đưa đón cháu.
Theo bà, từ trước tới nay, người đưa đón học sinh của nhà trường rất ít khi thực hiện việc ký bàn giao học sinh. Việc kết nối thông tin giữa phụ huynh và nhà trường về việc trẻ có đến lớp hay không đến lớp cũng không có.
Ngày 29/5, bà không nhận được bất cứ thông tin gì về việc cháu không vào lớp cho đến khi nhận tin dữ.
Ngày 29/5, thời tiết nắng nóng, oi bức, vị trí ô tô đỗ chính diện hướng Tây không có nhà dân hay cây xanh che nắng. Ô tô này được dán kính đen hai bên cửa ghế học sinh ngồi, do đó người bên ngoài sẽ khó có thể nhìn thấy bên trong ô tô trong điều kiện ban ngày.
Thái Bình chấn chỉnh hoạt động các trường mầm non
Cũng trong ngày 30/5, UBND tỉnh Thái Bình có công văn khẩn gửi các sở, ngành, địa phương về việc chấn chỉnh hoạt động của các trường mầm non và việc đưa đón trẻ em, đảm bảo môi trường an toàn khi trẻ đến trường.
UBND tỉnh Thái Bình yêu cầu các huyện, thành phố rà soát, kiểm tra hoạt động của các trường, lớp mầm non, nhất là hoạt động của nhóm, lớp mầm non tư thục, các nhóm trẻ gia đình.
Kiên quyết xử lý, đóng cửa các cơ sở không đủ điều kiện, xử lý nghiêm các trường hợp trông giữ trẻ không phép trên địa bàn. Đồng thời, tăng cường kiểm tra việc chấp hành quy chế chuyên môn đối với hoạt động chăm sóc, nuôi dạy trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non, đặc biệt là công tác đảm bảo an toàn cho trẻ.
UBND tỉnh Thái Bình yêu cầu Sở GD&ĐT tăng cường phối hợp với các địa phương kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý nghiêm những vi phạm liên quan công tác đảm bảo an toàn cho học sinh khi sử dụng dịch vụ đưa đón bằng ô tô.
Đối với các cơ sở giáo dục có sử dụng dịch vụ đưa đón học sinh bằng ô tô, lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ có đủ điều kiện. Yêu cầu tài xế phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện và thực hiện các quy định về an toàn giao thông. Xây dựng và thực hiện nghiêm quy trình đưa đón học sinh bằng ô tô; phải có sự thống nhất giữa nhà trường với đơn vị cung cấp dịch vụ và gia đình học sinh.
Khi ký kết hợp đồng vận chuyển giữa cơ sở giáo dục và đơn vị kinh doanh vận tải phải xác định rõ yêu cầu, trách nhiệm của các bên liên quan về an toàn giao thông, bảo vệ sức khỏe, an toàn tính mạng cho học sinh.
Nhà trường phải phân công giáo viên hoặc nhân viên có kinh nghiệm đã được bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng an toàn về giao thông tham gia đưa đón học sinh bằng xe ô tô. Chịu trách nhiệm quản lý, kiểm tra danh sách học sinh, đảm bảo trật tự, vệ sinh và hướng dẫn, nhắc nhở học sinh thực hiện các quy định, kỹ năng an toàn khi ngồi trên xe, khi lên, xuống xe ô tô.
Bàn giao học sinh cho giáo viên chủ nhiệm lớp, giáo viên chủ nhiệm có trách nhiệm, thông báo kịp thời cho gia đình khi học sinh vắng mặt chưa rõ lý do.
Theo ghi nhận của PV Tiền Phong ngày 30/5, Trường Mầm non Hồng Nhung 2 (xã Phú Xuân, TP Thái Bình) vẫn tổ chức đón và chăm sóc học sinh. Vị trí ô tô đưa đón học sinh đỗ ở ngoài đường nhựa trong khu tái định cư, gần cổng trường thông thoáng, ít cây, ít nhà dân.
Cơ quan điều tra xác định, bé T. G. H ở trên ô tô đưa đón của nhà trường trong thời gian dài, thời tiết nắng nóng, sức lực cháu suy kiệt, kết hợp với không gian hẹp, do đó cháu bị suy hô hấp dẫn đến tử vong.