Vụ học sinh bị đuổi khỏi trường giữa trưa nóng vì đến sớm: Sao đỏ 'quyền lực' như thế nào?
Vấn đề nên hay không nên duy trì 'đội Sao Đỏ' đã là chủ đề tranh luận nhiều năm nay trong xã hội và nhiều trường tư thục không sử dụng hình thức 'học sinh tự quản' này nữa, song cho đến thời điểm hiện tại, hệ thống các trường công lập vẫn duy trì hoạt động của đội ngũ này.
Liên quan tới vụ việc , đồng thời bị Sao Đỏ yêu cầu ra khỏi trường, phải đứng trước cổng trường giữa trưa nắng nóng như đổ lửa dù chỉ còn 15 phút nữa vào giờ học, dư luận một lần nữa tranh luận về "quyền lực của Sao Đỏ" và việc duy trì hình thức "học sinh tự quản" này trong nhà trường.
"Đội Sao Đỏ" được lập ra với nhiệm vụ theo dõi hoạt động, nề nếp của học sinh trong trường, từ đó giúp nhà trường giáo dục, tuyên dương, nhắc nhở học sinh một cách kịp thời. Tuy nhiên trên thực tế, nhiệm vụ chủ yếu "đội Sao Đỏ" được giao là bắt lỗi, ghi tên những học sinh phạm lỗi để báo lại với thầy cô. Thế nên khi học sinh vi phạm nội quy như đi học muộn, không bỏ áo trong quần..., nếu thân với Sao Đỏ thì dễ được "xí xóa", còn không thì cứ chuẩn bị viết bản kiểm điểm hay lên phòng Hội Đồng trà nước là vừa. Vậy là nghiễm nhiên, Sao Đỏ có cái quyền lực quyết định "số phận" của các bạn học khác.
Chính việc trao quyền "cầm cân nảy mực" cho một số học sinh mà thiếu đi sự chỉ dẫn về vai trò, phạm vi quyền hạn, thiếu đi sự giám sát của người có trách nhiệm trong trường dễ dẫn đến việc học sinh hiểu sai về vai trò, quyền hạn của mình, từ đó dẫn tới việc lạm quyền, tư duy méo mó về quyền lực.
Trong vụ việc này, "Đội Sao Đỏ" trở thành người quyết định một bạn học sinh được phép ở trong trường hay không. Bất kể việc nhà trường có thật sự "trao nhiệm vụ" đó cho các em hay không thì việc không có người lớn nào giám sát, can thiệp vào hoạt động của Sao Đỏ sẽ có thể dẫn đến hậu quả nguy hiểm khi các bạn còn quá nhỏ để đánh giá và chịu trách nhiệm về những hậu quả, hệ lụy từ việc làm của mình.
Học sinh, nhất là những bạn ở cấp Tiểu học chưa có đủ kĩ năng, sự nhạy bén để phải đứng ra xử lí những tình huống liên quan đến trật tự, kỷ luật trong trường học mà sự việc trên làm một ví dụ điển hình. Chưa kể đến việc các thành viên của đội Sao Đỏ không hề được tập huấn hay trang bị kỹ năng gì mà thường là phân công luân phiên hoặc chỉ định ngẫy nhiên. Công việc đảm bảo trật tự, kỷ luật trong trường gắn với trách nhiệm của đội ngũ cán bộ nhân viên nhà trường, phó mặc nó cho một nhóm học sinh mà không có sự quan sát, điều chỉnh là vô trách nhiệm.
Trên thực tế, vấn đề nên hay không nên duy trì "đội Sao Đỏ" đã là chủ đề tranh luận nhiều năm nay trong xã hội và nhiều trường tư thục không sử dụng hình thức "học sinh tự quản" này nữa, song cho đến thời điểm hiện tại, hệ thống các trường công lập vẫn duy trì đội ngũ này.
Quay lại vụ việc vừa xảy ra tại trường Quang Trung, Hải Phòng. Sẽ ra sao nếu em học sinh bị yêu cầu ra khỏi trường gặp phải sự cố sức khỏe hay tai nạn? Ai sẽ chịu trách nhiệm cho việc ấy? Phải chăng chính những thành viên "Đội Sao Đỏ" sẽ phải gánh trách nhiệm này? Rất may những điều này đã không xảy ra nhưng nó đủ cho thấy, mô hình Sao Đỏ - sử dụng chính học sinh để quyết định hoạt động của những học sinh khác, việc vận hành của nhà trường - là không hợp lý, tiềm ẩn rất nhiều rủi ro và hệ lụy.