Vụ học sinh quây cô giáo: Phải nâng cao kỹ năng sư phạm và tâm lý học cho giáo viên

Bạn đọc cho rằng để dẫn đến vụ việc học sinh quây cô giáo, ném dép, lỗi không hoàn toàn do học sinh mà nó là hậu quả từ cách ứng xử của giáo viên.

Trong tuần qua, thông tin về một nhóm học sinh Trường THCS Văn Phú (huyện Sơn Dương, Tuyên Quang) quây nhốt, ném dép một nữ giáo viên vào góc tường rồi chửi bới thu hút sự quan tâm đặc biệt của bạn đọc.

 Vụ việc học sinh quây cô giáo, ném dép thu hút sự chú ý đặc biệt của bạn đọc trong tuần qua.

Vụ việc học sinh quây cô giáo, ném dép thu hút sự chú ý đặc biệt của bạn đọc trong tuần qua.

Ngày 6-12, UBND huyện Sơn Dương đã ban hành quyết định tạm đình chỉ chức vụ và công tác 15 ngày đối với ông Trần Duy Sáng, Hiệu trưởng Trường THCS Văn Phú, để phục vụ cho công tác xác minh, làm rõ sự việc liên quan đến nội dung công tác quản lý giáo viên của nhà trường.

Một số bạn đọc cho rằng để dẫn đến việc không hay như trên, lỗi không hoàn toàn do học sinh mà nó là hậu quả từ cách ứng xử của cô giáo.

Sai từ hai phía

Bạn đọc Trần Hà bình luận: “Dù cho có bất cứ chuyện gì xảy ra, học sinh có những bức xúc như thế nào thì cách mà nhóm học sinh hành động với cô giáo như vậy là không thể chấp nhận được. Đồng thời, đã là những người thầy, người cô mà để học sinh của mình bất bình với mình là không ổn. Trong câu chuyện này cả cô giáo và học trò đều sai mà cái sai đầu tiên là cô giáo. Nếu cô giáo gương mẫu, khiến học trò nể phục thì chẳng bao giờ có chuyện đau lòng này xảy ra. Đây là một bài học rất đau cho các bậc làm thầy, làm cô trong cách ứng xử với học trò của mình”.

“Mình thấy nền giáo dục hiện nay cần tập trung chấn chỉnh phương pháp giáo dục sao cho hiệu quả, hơn là ép các em học chạy theo thành tích học tập gây áp lực cho các em. Đồng thời nên thêm tiết học ngoại khóa, kỹ năng sống… để việc học tiếp thu kiến thức, kỹ năng giao tiếp cũng như cách ứng xử của các em mang lại hiệu quả hơn. Câu Tiên học lễ, hậu học văn quả không sai, muốn thành người, trước tiên các em phải học lễ phép, sau đó mới học kiến thức” - bạn đọc Nguyễn Dũng nêu ý kiến.

Bạn đọc Hoài Anh nêu ý kiến: “Cách xử lý vụ việc trên chỉ giải quyết được phần ngọn của vấn đề. Muốn giải quyết phần gốc rễ thì phải cải tổ nền giáo dục và văn hóa theo hướng dạy làm người trước hết. Những văn hóa cơ bản trong ứng xử giữa người với người, tôn sư trọng đạo… cần được chú trọng nhiều hơn”.

Đây là một bài học rất đau cho các bậc làm thầy, làm cô trong cách ứng xử với học trò của mình.

Giáo dục từ gia đình cũng rất quan trọng

Liên quan đến sự việc trên, PGS-TS Nguyễn Thị Kim Anh, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Sư phạm Trung ương TP.HCM; giảng viên Trường ĐH Văn Lang, nhận định: “Thực tế cho thấy những hành vi của học sinh vô lễ, xúc phạm thầy cô hiện nay là do giáo dục từ phía gia đình. Nhiều phụ huynh quấy rối và bắt nạt giáo viên bằng lời nói chỉ trích trực tiếp, các cuộc gọi phàn nàn. Họ cũng có thể quấy rối hoặc qua văn bản (như hàng loạt tin nhắn, email đề nghị yêu cầu vô lý, đe dọa sẽ kiện lên người quản lý cấp trên), thậm chí là hành vi hung hăng, xâm hại (như hành vi đập phá đồ đạc của họ hoặc tấn công trực tiếp như trong vụ việc này)…

Tất cả đều gây thêm những áp lực và cảm xúc tiêu cực lên giáo viên. Hoặc có những phụ huynh bênh vực con khi làm điều sai trái, đe dọa cả giáo viên khi con bị phê bình, nhắc nhở…

“Mặc dù hiện nay đã có bộ quy tắc ứng xử trong nhà trường nhưng việc triển khai trong thực tiễn vẫn còn là một khoảng cách, đặc biệt là nhiều phụ huynh chưa nắm rõ được nội quy hành xử khi đến trường như phải đúng mực, tôn trọng, không bịa đặt thông tin, không xúc phạm tinh thần, danh dự, nhân phẩm, nắm được những gì không được làm, những gì không được mang tới trường… Bên cạnh đó, cần xem xét lại công tác giáo dục đạo đức cho học sinh trong trường học. Không thể để tình trạng học sinh vô lễ, bạo lực bằng hành vi, ngôn ngữ phản giáo dục với giáo viên trong trường học có thể gây nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe của không chỉ giáo viên, cán bộ nhà trường mà còn ảnh hưởng tới chính các em học sinh” - PGS-TS Nguyễn Thị Kim Anh chia sẻ.•

TRẦN THỊ KIM HẠNH, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hùng Vương, TP Đà Nẵng:

Đã đến lúc coi trọng bồi dưỡng năng lực tâm lý cho sinh viên sư phạm

Rõ ràng đây là hành vi không thể chấp nhận được cả về mặt đạo đức hay pháp luật. Lũ trẻ có thể bị kỷ luật, bị trách phạt hay đuổi học. Nhưng để làm gì nếu các con không hiểu ra cái sai, mà quan trọng hơn là biết cách phản ứng đúng mực trong những vấn đề, tình huống tương tự.

Biểu hiện của các em trong tình huống này, tôi nghĩ không phải là ngẫu hứng, là đột biến, mà nó là “quả” của một khoảng thời gian các em và cô giáo làm việc cùng nhau.

Tôi không buồn hay chán nản gì cho giáo dục hay thế hệ tương lai chỉ vì sự việc này. Tôi chỉ thấy ở đây lời nhắc nhở, bài học cho giáo dục và trên hết là thấy: Đã đến lúc coi trọng nội dung bồi dưỡng năng lực tâm lý, kỹ năng sư phạm cho giáo viên ngay từ khi còn là sinh viên sư phạm cho đến lúc làm giáo viên, chứ không chỉ tập trung vào kỹ năng dạy học vì “chất lượng giáo dục phụ thuộc vào chất lượng mối quan hệ thầy trò”. (Sách T.E.T Đào tạo giáo viên hiệu quả của TS Thomas Gordon)

PGS-TS NGUYỄN THỊ KIM ANH:

Ngoài kỹ năng sư phạm, giáo viên phải hiểu tâm lý học sinh

Trong môi trường học đường, giáo viên có thể là nạn nhân, cũng là tác nhân gây nên những vấn đề bạo lực học đường. Tuy nhiên, giáo viên bạo hành hay xâm hại với học sinh cần được lên án dù chủ thể khiêu khích đó là ai.

Những vụ việc giáo viên bạo hành về thể chất, bạo hành tinh thần hay bạo lực tình dục đối với học sinh trong thời gian gần đây một lần nữa như hồi chuông cảnh tỉnh trong cách giao tiếp - ứng xử giữa giáo viên và học sinh, tác phong sư phạm và tâm lý của giáo viên. Bởi dạy học không chỉ là đam mê, mà còn là thiên chức gieo những hạt mầm cho tương lai của đất nước.

NGUYỄN HIỀN - TRẦN MINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/vu-hoc-sinh-quay-co-giao-phai-nang-cao-ky-nang-su-pham-va-tam-ly-hoc-cho-giao-vien-post765826.html