Vụ học sinh trường Gateway tử vong: Ngành giáo dục Hà Nội có phần trách nhiệm
'Về vụ việc xảy ra tại trường tiểu học Gateway, chúng tôi ý thức được rằng ngành GD&ĐT có phần trách nhiệm. Đây là một sự việc hy hữu, một sự việc rất đau xót đối với ngành', Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Chử Xuân Dũng nói.
Tại phiên chất vấn của HĐND thành phố Hà Nội sáng 5/12, Phó trưởng ban VH-XH HĐND thành phố Hoàng Thị Tú Anh nhắc đến vụ việc bé trai 6 tuổi trường tiểu học Gateway tử vong vì bị bỏ quên trên ô tô hồi tháng 8.
Bà Tú Anh đề nghị Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết trách nhiệm của Sở với sự việc này? Giải pháp tham mưu cho thành phố để khắc phục các tình trạng trên ở các cơ sở ngoài công lập trong thời gian tới?
Cùng vấn đề, bà cũng đề nghị Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy cho biết việc thực hiện rà soát của quận trong thời gian qua như nào? Để xảy ra tình trạng trên thì nguyên nhân thuộc về ai và trách nhiệm của quận, giải pháp khắc phục?
Giám đốc Sở GD&ĐT Chử Xuân Dũng cho biết, trong công tác quản lý nhà trường, Sở luôn quán triệt đến tất cả các hiệu trưởng các trường, chủ nhóm lớp rằng công việc đầu tiên là phải đảm bảo an toàn, an ninh một cách tốt nhất cho các học sinh, giáo viên khi đến trường.
Vì vậy, hằng năm, Sở luôn có những văn bản chỉ đạo kịp thời, hướng dẫn các nội dung này. Đối với cấp học tiểu học và mầm non thì việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ cần được quan tâm. Sau đó đến nội dung chất lượng giáo dục.
Theo ông Dũng, cấp học mẫu giáo, nhà trẻ, tiểu học thì được xếp thứ tự từ an toàn, nuôi dưỡng, giáo dục.
“Về vụ việc xảy ra tại trường tiểu học Gateway, chúng tôi ý thức được rằng ngành GD&ĐT có phần trách nhiệm. Đây là một sự việc hy hữu, một sự việc rất là đau xót đối với ngành. Trách nhiệm lớn nhất trong sự việc này là các cá nhân có liên quan đưa đón học sinh, cô giáo chủ nhiệm của lớp, rồi ban giám hiệu nhà trường”, ông Dũng nói.
Về nguyên nhân, lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội cho rằng vẫn còn lỗ hổng trong công tác quản lý và tinh thần làm việc thiếu trách nhiệm của các cá nhân trực tiếp liên quan đến sự việc này.
“Còn nguyên nhân cụ thể thì chúng ta sẽ chờ xác minh, công bố của các cơ quan điều tra”, ông Dũng cho hay.
Về các giải pháp để không xảy ra những sự việc tương tự, ông Dũng cho biết, ngay sau sự việc đau lòng đó, ngành đã tổ chức rà soát, yêu cầu tất cả các đơn vị trường báo cáo thống kê biển số xe, nhãn hiệu xe, loại xe và số lượng giấy tờ xe, số học sinh đưa đón trên từng xe đó, gửi kết quả rà soát tới Công an thành phố và Sở GTVT để phối hợp công tác quản lý.
Ông Dũng thông tin, hiện nay trên địa bàn thành phố có 246 trường với 2.293 xe, khoảng 40.900 học sinh tham gia các phương tiện đưa đón.
Giải pháp tiếp là yêu cầu các nhà trường thực hiện nghiêm việc lựa chọn các đơn vị dịch vụ cung cấp vận chuyển học sinh, lựa chọn các nhà cung cấp đảm bảo an toàn, đảm bảo yêu cầu về công tác quản lý.
Sở yêu cầu các trường tham gia dịch vụ này xây dựng một quy trình đưa đón trẻ em đến trường, quản lý trong giờ học và bàn giao về gia đình hàng ngày, bảo đảm một cách nghiêm túc.
Ông cũng đề cập về công tác tuyên truyền đến người dân, cha mẹ học sinh. Đầu năm học, trong tháng an toàn giao thông, trong số hơn 2.293 lái xe của các nhà trường thì có gần 600 lái xe đã tham gia ký cam kết thực hiện nghiêm túc nội dung này.
Lãnh đạo Sở GD&ĐT kiến nghị với Công an thành phố, Sở GTVT tiếp tục hỗ trợ Sở rà soát các xe trên các danh mục mà Sở đã thống kê, gửi các đơn vị.
Sở GD&ĐT đề nghị Sở GTVT có hướng dẫn về các dịch vụ đưa đón học sinh. Học sinh lứa tuổi tiểu học các em vẫn phải có người giám hộ. Nếu như không xây dựng yêu cầu đối với lái xe, quy trình thì rất khó khăn cho việc quản lý.