Vụ huyện ký bừa làm dư hơn 500 giáo viên: Một giáo viên thắng kiện

Do sa thải giáo viên trái quy định, tòa chấp nhận một phần đơn khởi kiện cô Nguyễn Thị Bình (SN 1988), qua đó buộc UBND huyện Krông Pắk, Đắk Lắk và Trường THCS Ea Kly có trách nhiệm liên đới trả hơn 175 triệu đồng và đóng thêm 3 năm bảo hiểm xã hội cho cô này.

Buổi đối thoại giữa hàng trăm giáo viên với UBND huyện Krông Pắk không đi đến thống nhất, tìm hướng đi chung. Số giáo viên này, sau đó bị sa thải.

TAND huyện Krông Pắk vừa ban hành bản án số 01 trong vụ kiện tranh chấp hợp đồng lao động (HĐLĐ) giữa nguyên đơn cô Nguyễn Thị Bình và bị đơn Trường THCS Ea Kly. Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là UBND huyện Krông Pắk.

Theo nội dung đơn khởi kiện, sau khi UBND huyện Krông Pắk ban hành quyết định HĐLĐ trong chỉ tiêu biên chế, tháng 6/2012 Trường THCS Ea Kly ký HĐLĐ với cô Bình. Chế độ lương cũng được chi trả từ nguồn ngân sách nhà nước trong chỉ tiêu biên chế. Quá trình công tác, cô Bình không vi phạm kỷ luật và nhận đầy đủ các chế độ theo quy định.

Thế nhưng, tháng 6/2017, ông Nguyễn Trung Hiếu, Hiệu trưởng Trường THCS Ea Kly (mới chuyển công tác đến trường này) đưa ra lý do ngân sách không đủ cấp phát lương của giáo viên hợp đồng, qua đó chỉ đồng ý chi trả 45 nghìn đồng/tiết, tương đương 1,8 triệu đồng/tháng. Trong khi, theo quy định tiền lương của cô này hơn 4,2 triệu đồng/tháng. Từ tháng 10/2017, cô Bình không còn được đi dạy tại trường nữa. Đáng nói, thời điểm này, nữ giáo viên đang mang thai.

Sau đó, cô Bình làm đơn khiếu nại nhiều nơi, nhưng không được giải quyết nên đã làm đơn khởi kiện Trường THCS Ea Kly ra tòa để đòi quyền lợi.

Theo Hội đồng xét xử TAND huyện Krông Pắk, HĐLĐ giữa nguyên đơn và bị đơn là hợp đồng xác định không thời hạn. Các bên ký kết và thỏa thuận với nhau là tự nguyện, và không tranh chấp về nội dung hợp đồng; do đó, HĐLĐ trên là chứng cứ không cần chứng minh và có hiệu lực pháp luật làm phát sinh quyền lợi và nghĩa vụ giữa các bên.

Hội đồng xét xử TAND huyện Krông Pắk cũng nhận định, việc Trường THCS Ea Kly lấy lý do học sinh và lớp học giảm phải điều chỉnh hợp đồng theo Khoản 3 Điều 38 (Luật Lao động), trường phải được UBND huyện Krông Pắk chỉ đạo bằng văn bản và thông báo trước cho giáo viên, để 2 bên thỏa thuận.

Trường hợp cô Bình không đồng ý, nguyên đơn và bị đơn thỏa thuận với nhau về việc chấm dứt HĐLĐ và các điều khoản bồi thường cho người lao động, nhưng trường THCS Ea Kly và UBND huyện Krông Pắk không tiến hành các thủ tục trên mà không phân công giảng dạy, không trả lương cho người lao động.

HĐLĐ ký kết với giáo viên là hợp đồng trong chỉ tiêu biên chế chờ xét tuyển, nếu trúng tuyển thì tuyển dụng, nếu không trúng tuyển mới chấm dứt hợp đồng.

“Hội đồng xét xử xét thấy, Trường THCS Ea Kly đã đơn phương chấm dứt HĐLĐ đối với cô Bình từ ngày 2/10/2017. Việc chấm dứt HĐLĐ với cô Bình không thuộc các trường hợp được quy định Điều 36, Điều 38 Bộ luật Lao động 2012 nên trái pháp luật”, trích bản án số số 01.

Trên cơ sở đó, TAND huyện Krông Pắk chấp nhận một phần đơn khởi kiện của cô Bình, qua đó yêu cầu Trường THCS Ea Kly và UBND huyện Krông Pắk liên đới bồi thường cho giáo viên này hơn 175 triệu đồng; đóng bảo hiểm cho cô Bình 3 năm (từ 2018 đến 2021).

Như Tiền Phong đã đưa tin, do các đời lãnh đạo UBND huyện Krông Pắk đã đặt bút ký ồ ạt, khiến huyện này dôi dư khoảng 500 giáo viên (trong đó, năm 2015 đã bổ nhiệm thừa 27 phó hiệu trưởng).

Liên quan đến vụ việc nêu trên, năm 2018, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy Đắk Lắk đã kỷ luật khiển trách các ông Nguyễn Thành Dũng, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Krông Pắk (nay là Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Đắk Lắk) và ông Y Suôn Byă, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk. Sau đó, ông Y Suôn Byă được điều làm Phó chủ tịch Hội nông dân tỉnh Đắk Lắk.

UBKT Tỉnh ủy Đắk Lắk cũng kỷ luật cảnh cáo ông Nguyễn Sỹ Kỷ, khi ông này đang giữ chức Phó trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Đắk Lắk (nay đã nghỉ hưu).

NHÓM PV TÂY NGUYÊN

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/vu-huyen-ky-bua-lam-du-hon-500-giao-vien-mot-giao-vien-thang-kien-post1399756.tpo