Vụ kẻ nghiện ma túy cầm dao uy hiếp bé gái: Phải phòng ngừa các 'quả bom hẹn giờ'

Sau vụ việc bé gái bị uy hiếp, bắt làm con tin ở Bắc Ninh, vấn đề đặt ra không chỉ là truy cứu trách nhiệm hình sự với đối tượng, mà còn phải làm sao quản lý chặt chẽ hơn người nghiện ma túy, người có tiền án, tiền sự trong cộng đồng.

Vụ việc đối tượng Phan Văn Tuấn (42 tuổi, quê Hải Phòng) đột nhập vào nhà dân tại phường Phượng Mao (thị xã Quế Võ, Bắc Ninh) và khống chế bé gái 9 tuổi làm con tin không chỉ gây chấn động dư luận, mà còn đặt ra những câu hỏi nghiêm túc về cơ chế kiểm soát đối với người có tiền án, tiền sự và dấu hiệu rối loạn hành vi do sử dụng ma túy.

Đối tượng Phan Văn Tuấn bị lực lượng công an khống chế. Ảnh: CACC

Đối tượng Phan Văn Tuấn bị lực lượng công an khống chế. Ảnh: CACC

Theo cơ quan chức năng, trước khi gây án, Tuấn đã sử dụng ma túy, có hành vi gây rối ở Hải Dương, sau đó cướp xe máy để tẩu thoát và tiếp tục gây án tại Bắc Ninh.

Đây không phải lần đầu tiên Tuấn phạm tội nghiêm trọng. Hồ sơ cho thấy đối tượng từng có 2 tiền án về hành vi bắt giữ người trái pháp luật và 1 tiền án liên quan đến ma túy.

Luật sư Đặng Xuân Cường (Trưởng ban Hình sự, Công ty Luật TAT) cho rằng, vụ việc này thể hiện rõ dấu hiệu của hành vi đặc biệt nguy hiểm với mức độ manh động, liều lĩnh gia tăng theo từng bước di chuyển của đối tượng.

“Tình tiết nghi phạm sử dụng ma túy trước đó là yếu tố đặc biệt cần lưu tâm trong việc đánh giá động cơ và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội.

Việc sử dụng trái phép ma túy không còn là tội danh độc lập trong Bộ luật Hình sự, mà còn là hành vi vi phạm hoặc yếu tố tình tiết trong một số tội danh khác.

Vì vậy, cơ quan điều tra sẽ tập trung vào các hành vi có dấu hiệu hình sự rõ ràng như bắt giữ người trái pháp luật, cướp tài sản, thậm chí có thể xem xét yếu tố đe dọa giết người nếu đủ căn cứ”, luật sư Cường nhận định.

Đối tượng Tuấn khống chế bé gái trên mái nhà. Ảnh: Cắt từ clip

Đối tượng Tuấn khống chế bé gái trên mái nhà. Ảnh: Cắt từ clip

Luật sư cũng nhấn mạnh yếu tố bất ngờ là việc đối tượng không có mối quan hệ cá nhân với gia đình bị hại, không có mục đích rõ ràng ngoài việc cố thủ và gây nguy hiểm cho tính mạng cháu bé.

“Khi một hành vi tội phạm không xuất phát từ mâu thuẫn cụ thể mà chỉ nhằm trốn tránh sự truy bắt hay giải tỏa tâm lý bất thường do ma túy gây ra, thì mức độ nguy hiểm của nó càng cao và khó dự đoán.

Trong nhiều trường hợp, chỉ cần một hành động thiếu kiềm chế, hậu quả có thể là cái chết của người vô tội”, luật sư Cường chia sẻ.

Phản ứng của lực lượng công an được nhiều chuyên gia đánh giá là mẫu mực về nghiệp vụ và nhân văn. Thay vì đột kích vũ lực, các đơn vị đã phối hợp đàm phán, kiên trì chờ thời cơ thích hợp để khống chế đối tượng, vẫn đảm bảo an toàn tuyệt đối cho cháu bé.

“Đây là một chiến thắng không chỉ về mặt kỹ thuật nghiệp vụ, mà còn là thắng lợi của bản lĩnh và sự tỉnh táo trong thi hành pháp luật.

Lực lượng công an đã xử lý tình huống có thể leo thang thành thảm kịch một cách kiềm chế và hiệu quả nhất”, luật sư Cường bình luận.

Lực lượng công an và chính quyền địa phương thăm, động viên cháu bé sau khi được giải cứu an toàn. Ảnh: CACC

Lực lượng công an và chính quyền địa phương thăm, động viên cháu bé sau khi được giải cứu an toàn. Ảnh: CACC

Theo luật sư Cường, dưới góc độ chính sách hình sự, vụ việc một lần nữa đặt ra nhu cầu kiểm soát chặt chẽ hơn đối với những người có tiền án, tiền sự, đặc biệt là các tội danh liên quan đến hành vi bạo lực, xâm phạm nhân thân.

Dù hệ thống pháp luật đã có nhiều quy định về quản lý người nghiện ma túy và người mãn hạn tù, nhưng thực tế cho thấy công tác giám sát tại địa phương còn nhiều kẽ hở.

“Chúng ta không thể chỉ phản ứng sau khi tội ác đã xảy ra. Phòng ngừa phải là nguyên tắc trung tâm trong chính sách hình sự hiện đại.

Đặc biệt, cần đánh giá lại việc hỗ trợ tâm lý và xã hội cho những người sau cai nghiện, nếu không, xã hội sẽ tiếp tục đối mặt với những 'quả bom hẹn giờ' như trường hợp của đối tượng Tuấn”, luật sư nhấn mạnh.

Khi lưỡi dao của kẻ nghiện ma túy kề cổ bé gái vô tội, vấn đề không chỉ là truy cứu trách nhiệm hình sự, mà còn đặt ra câu hỏi: Liệu có điều gì đã bị bỏ quên trong công tác quản lý cộng đồng? Liệu chúng ta có đủ hệ thống cảnh báo sớm để bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất?

Tiến Dũng

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/ke-nghien-ma-tuy-cam-dao-uy-hiep-be-gai-phai-phong-ngua-cac-qua-bom-hen-gio-2385175.html