Vũ khí bị cấm có thể trở thành 'cứu cánh' cho châu Âu?

Bom chùm, loại vũ khí rải hàng loạt bom nhỏ trên diện rộng, đã gây ra nhiều thương vong cho dân thường, khiến hơn 100 quốc gia, bao gồm hầu hết châu Âu phải ký kết Công ước cấm bom đạn chùm (CCM).

Trong bối cảnh nguy cơ xung đột với Nga ngày càng hiện hữu, một nhóm chuyên gia Anh cảnh báo rằng châu Âu có thể cần phải cân nhắc đưa bom chùm trở lại kho vũ khí của mình.

Một quả bom chưa nổ, được chụp vào năm 2024. (Nguồn: Getty Images)

Một quả bom chưa nổ, được chụp vào năm 2024. (Nguồn: Getty Images)

Theo báo cáo từ Viện Các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI), châu Âu hiện thiếu hụt lực lượng bộ binh đủ mạnh để chống chọi một cuộc xung đột quy mô lớn.

Giống như thời Chiến tranh Lạnh, NATO sẽ phải dựa nhiều vào sức mạnh không quân để làm suy yếu lực lượng và tuyến tiếp vận của đối phương, tạo điều kiện cho các đội quân nhỏ hơn chiến đấu. Trước đây, Khối Hiệp ước Warsaw từng triển khai tới 295 sư đoàn và 69.000 xe tăng, vượt trội so với 170 sư đoàn và 28.000 xe tăng của NATO.

Ngày nay, chướng ngại lớn nhất đối với không quân châu Âu là hệ thống phòng không hiện đại, dày đặc và đa tầng. Các chuyên gia Justin Bronk và Jack Watling nhận định: "Không quân châu Âu, nếu không có sự hỗ trợ quy mô lớn từ Mỹ, sẽ gặp khó khăn trong việc đối phó với hệ thống phòng không tích hợp của Nga".

Nga đã xây dựng một mạng lưới phòng thủ gồm radar và tên lửa đất đối không di động tầm ngắn, trung và xa. Máy bay tấn công các khẩu đội tên lửa tầm thấp hoặc trung bình có thể dễ dàng trở thành mục tiêu của tên lửa tầm xa.

Theo RUSI, các hệ thống phòng không hiện đại của Nga cơ động, bền bỉ và có tầm sát thương vượt trội so với bất kỳ đối thủ nào mà NATO từng đối mặt.

Trước đây, phần lớn năng lực chế áp phòng không của NATO đến từ Mỹ. Với nguy cơ Mỹ giảm cam kết đối với NATO, châu Âu buộc phải tự mình đối phó với bài toán này.

Báo cáo của RUSI nhấn mạnh: "Thiếu huấn luyện và năng lực loại bỏ hệ thống phòng không từ sau Chiến tranh Lạnh, đã khiến khả năng hỗ trợ không quân của châu Âu trong giai đoạn đầu xung đột trở nên đáng ngờ".

Một giải pháp khác là sử dụng vũ khí tầm xa như tên lửa ATACMS để tấn công hệ thống phòng không. Tuy nhiên, số lượng đạn tên lửa loại này rất hạn chế và dễ bị gây nhiễu GPS. Ngoài ra, Nga đã triển khai các hệ thống phòng không tiên tiến như SA-17, SA-20 và SA-28, vốn được thiết kế để bắn hạ cả tên lửa đạn đạo lẫn pháo phản lực. RUSI lưu ý, các hệ thống này đã nhiều lần chứng minh hiệu quả trong xung đột tại Ukraine.

Trong bối cảnh đó, bom chùm được xem là một giải pháp tiềm năng. Theo RUSI, đầu đạn chùm tỏ ra hiệu quả hơn trong nhiệm vụ phá hủy hệ thống phòng không so với các loại đạn đơn. Với nhiều bom nhỏ trong cùng một quả đạn, khả năng gây sát thương trên diện rộng và chống chịu tốt trước các biện pháp gây nhiễu điện tử của đối phương được cải thiện rõ rệt.

Trong tình trạng kho đạn pháo và pháo lựu của châu Âu đang cạn kiệt, bom chùm có thể trở thành công cụ quan trọng. RUSI nhận định: "Kinh nghiệm từ chiến sự Ukraine cho thấy, hiệu quả vượt trội của bom chùm là lý do các quân đội có hạn chế về khả năng hỏa lực nên ưu tiên loại đạn này".

Trên thực tế, Mỹ và châu Âu đã cung cấp bom chùm cho Ukraine. Năm 2023, Mỹ, quốc gia chưa tham gia hiệp ước cấm bom chùm, đã gửi cho Ukraine đạn pháo lựu M864 155mm, mỗi quả chứa 72 bom con.

Bên cạnh đó, Mỹ cũng viện trợ tên lửa ATACMS mang theo 950 bom con mỗi quả. Những lô vũ khí này được gửi đi bất chấp lo ngại về tỷ lệ bom không nổ, có thể gây nguy hiểm cho dân thường trong tương lai.

Việc tái sử dụng bom chùm chắc chắn sẽ gây tranh cãi ở châu Âu. Tuy nhiên, Lithuania đã rút khỏi Công ước cấm bom chùm vào năm 2024, mở đường cho các nước khác cân nhắc hành động tương tự.

Các chuyên gia của RUSI khuyến nghị, nếu buộc phải sử dụng bom chùm, châu Âu cần hạn chế phạm vi sử dụng, đồng thời đầu tư vào các loại bom có tỷ lệ bom không nổ thấp hơn, nhằm giảm thiểu rủi ro cho dân thường sau xung đột. Ngoài ra, châu Âu cũng nên tăng cường phát triển các loại vũ khí tầm xa và đạn bay lơ lửng để tấn công hệ thống phòng không đối phương mà không phải mạo hiểm với máy bay có người lái.

Xuân Minh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/vu-khi-bi-cam-co-the-tro-thanh-cuu-canh-cho-chau-au-169250120133437123.htm