Vũ khí bí mật của tuyển Italy
Giữ sạch lưới hơn 10 trận, các hậu vệ Italy còn được tạo cơ hội để trở thành những mũi tấn công đáng nể.
Đội tuyển nào nhìn tươi trẻ nhất sau 2 lượt đấu bảng? Không phải các đội có độ tuổi trung bình trẻ như Tây Ban Nha hay Anh. Mà là Italy, đội bóng có độ tuổi trung bình 27,7, là đội “già” thứ 12 trong số 24 đội dự Euro 2020.
Tuyển Italy trẻ ở cái cách họ tấn công đẹp mắt và ghi được nhiều bàn thắng nhất trong số các đội dự giải. Và còn ở cái cách họ vui mừng với mỗi bàn thắng như thể đó là bàn thắng quyết định trong trận chung kết.
Phá kỷ lục tồn tại 31 năm
Tấn công ấn tượng nhưng Italy không quên xao lãng đặc sản phòng thủ của họ. Cuối trận gặp Thổ Nhĩ Kỳ, trung vệ Giorgio Chiellini vui mừng như thể anh ghi được bàn thắng sau khi xoài chân chặn đứng cú sút của Burak Yilmaz.
Khi đó, tỷ số là 3-0, nếu Yilmaz có ghi bàn thì cũng không thay đổi được gì nhiều. Nhưng giữ sạch lưới là điều hệ trọng với Chiellini. Nó giống như thầy phù thủy phải giữ chặt bùa pháp của mình.
Bàn thua gần đây mà Italy phải nhận? Bạn phải lùi lại 11 trận đấu trước nữa, vào mùa thu 2020 khi Donny van de Beek ghi bàn gỡ lại trận hòa 1-1 cho Hà Lan ở Bergamo.
Từ đó, 965 phút trôi qua, Italy chưa bị thủng lưới. Chỉ cần khoảng góc tư giờ đồng hồ giữ sạch lưới trong trận gặp tuyển Wales tối nay nữa là đội bóng của Roberto Mancini phá vỡ kỷ lục giữ sạch lưới của đội hình năm 1990 dưới thời HLV Azeglio Vicini.
Nhìn vào con số thống kê đó, bạn có thể nhanh chóng kết luận rằng đó là kết quả của kiểu phòng ngự cổ điển của Italy. Không, họ phòng ngự hoàn toàn khác. Chẳng mấy khi Chiellini phải lao cả người xoạc bóng cản phá cú sút của Yilmaz trước khung thành mình, chủ yếu anh thực hiện sự can thiệp ngay từ giữa sân.
Trẻ lại với hệ thống mới
Chiellini là trung vệ kiểu cũ, luôn chấp nhận tranh bóng mặt đối mặt, có vẻ hơi chậm, nếu tranh bóng không thắng, thì đuổi theo đối thủ giàu tốc độ sẽ là việc khó khăn với anh. Nhưng cơ chế phòng thủ của Italy giúp anh không cần do dự nhiều khi lao vào tranh chấp những pha bóng 50-50.
Một trong những sự đảm bảo đến từ hậu vệ trái Leonardo Spinazzola, cầu thủ có tốc độ chạy cao nhất giải đấu (33,8 km/h). Nếu Chiellini có thất bại trong các pha tranh bóng ở giữa sân thì Spinazzola sẽ dùng tốc độ chạy vào trong dọn dẹp.
Khi trước, Chiellini ít tỏ ra thoải mái với trái bóng như người đá cặp Leonardo Bonucci. Xoạc bóng thì anh giỏi nhưng giữ bóng và kiến tạo lên phía trước thì không hay lắm. Nhưng làm việc với Andrea Pirlo mùa giải qua, Chiellini cải thiện nhiều. Trận mở màn, anh thực hiện nhiều đường chuyền nhất đội, 78 đường, trong đó có 13 đường chuyền ở 1/3 sân đối thủ.
Khi được Jorginho và Manuel Locatelli che chắn những khoảng trống, Chiellini sẵn sàng lao lên tuyến đầu. Đây là điều HLV Roberto Mancini muốn và cần trong lối chơi của Italy, vì không sự chuyển đổi trạng thái từ phòng ngự sang tấn công nào nhanh như việc trung vệ được phép lên cao.
Việc Chiellini lên cao như vậy cho phép thế công của Italy được liên tục, và đối thủ luôn phải chịu sức ép đẩy lùi quân về phía sân của họ. Điều này cho thấy, một khi Mancini xây dựng được lối chơi mang đầy sức trẻ thì đến một cầu thủ 37 tuổi như Chiellini có thể trẻ lại được.
Cầu thủ Italy dễ thích nghi
Spinazzola cũng là sự ngạc nhiên thú vị của Italy. Anh thuận chân phải nhưng được dùng vào vị trí hậu vệ trái. Trong số các cầu thủ ở 5 giải bóng đá hàng đầu châu Âu mùa bóng 2020-21, có 74% cầu thủ thuận chân phải và 26% cầu thủ thuận chân trái.
26% là con số không quá khó để tìm ra các cầu thủ thuận chân trái cho vị trí hậu vệ trái. Ở các đội tuyển khác, nhiều hậu vệ trái phải ngồi nhà xem tivi, ví dụ như các cầu thủ người Pháp Ferland Mendy, Benjamin Mendy, Theo Hernandez. Nhưng sao Italy lại dùng Spinazzola thuận chân phải?
Phải nói rằng bóng đá Italy rất hiếm khi cho ra lò những hậu vệ trái thuận chân trái bẩm sinh như Fabio Grosso trong đội hình vô địch World Cup 2006. Một trong những hậu vệ trái vĩ đại nhất mọi thời đại Paolo Maldini cũng thuận chân phải.
Sau Maldini, trấn giữ cánh trái của Italy cũng là các cầu thủ thuận chân phải Gianluca Zambrotta, Gianluca Pessotto, Moreno Torricelli. Bóng đá Italy không giỏi đào tạo cầu thủ cho một chức năng nhưng các cầu thủ của họ lại thích nghi tốt khi đặt vào hoàn cảnh mới.
Đội tuyển Italy cũng có một hậu vệ trái thuận chân trái là Emerson Palmieri và anh lại sinh ở Brazil, mới nhập quốc tịch Italy cách đây 4 năm. Emerson là lựa chọn thứ 3 cho vị trí hậu vệ trái của Chelsea, chỉ xuất hiện trong 2 trận ở Premier League mùa giải qua. Ít được ra sân và chơi không hiệu quả như Spinazzola nên Emerson dự bị cũng là phải thôi.
Spinazzola nối bước Grosso
Spinazzola được trọng dụng vì tốc độ của anh có thể bịt lỗ rò cho Chiellini như đã nói ở phần trên. Cũng là do thuận chân phải nên xu hướng anh bó vào giữa sân là tự nhiên. Nhưng khả năng tấn công của Spinazzola mới thật nổi bật, rất nhiều pha bóng anh xuống sát biên ngang đối thủ tạt bóng vào.
Khi Italy tấn công, họ thường treo một cánh, ở biên phải, hiếm khi hậu vệ phải như Giovanni Di Lorenzo, Alessandro Florenzi hay Rafael Toloi lên cao, mà thường bó vào trong để tạo ra phòng tuyến 3 người, chống các đợt phản công. Chỉ cần lên bên cánh Spinazzola là đủ cân bằng.
Trung phong Ciro Immobile dẫn đầu hàng công, Domenico Berardi chơi rộng ở biên phải để mở đường cho Nicolo Barella nhô lên phía trước, Lorenzo Insigne (cũng là cầu thủ thuận chân phải) ở bên cánh trái luôn bó vào giữa sân để mở lối cho Spinazzola leo cao. Như vậy, Italy luôn có 5 mũi giáp công vây trước vùng cấm của đối thủ.
World Cup 2006, khi Italy vô địch, HLV Marcelo Lippi thường xuyên sử dụng 5 mũi giáp công Luca Toni, Francesco Totti, Mauro Camoranesi, Simone Perrotta và Fabio Grosso như vậy. Hậu vệ trái Grosso năm đó đóng vai trò rất quan trọng, anh kiếm được quả phạt đền ở phút 93 để Italy với 10 người vượt qua Australia 1-0 ở vòng 16 đội.
Grosso cũng là người thực hiện cú sút luân lưu 11 m quyết định trong trận chung kết với Pháp để đem cúp vàng về đất nước hình chiếc ủng. Chờ xem Spinazzola có nối bước Grosso trong công thức tấn công ông Mancini đang áp dụng tại Euro 2020?
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/vu-khi-bi-mat-cua-tuyen-italy-post1229258.html