Một trong những đòi hỏi then chốt hiện nay đó là chế tạo vũ khí chống vệ tinh nhằm vô hiệu hóa mối đe dọa từ các phương tiện trinh sát cũng như chiến đấu ngoài không gian vũ trụ của đối phương.
Dưới áp lực từ Mỹ và NATO, trong những năm gần đây, Nga rất tích cực phát triển năng lực chống vệ tinh của mình, nhằm cố gắng duy trì sự cân bằng quyền lực trên phạm vi toàn cầu.
Vũ khí chống vệ tinh của Nga hiện nay thực chất đã có từ thời Chiến tranh Lạnh, khi Liên Xô phát triển những tổ hợp có khả năng phá hủy vệ tinh quân sự của đối phương.
Trường hợp điển hình là tổ hợp A235 Nudol được phát triển vào thập niên 1980. Hiện tại Nga tiếp tục sử dụng và nâng cao năng lực của vũ khí trên dựa vào kinh nghiệm phong phú và tiến bộ công nghệ.
Hệ thống A235 Nudol cho tới thời điểm hiện nay đã trải qua nhiều lần nâng cấp sâu, mang lại tính năng kỹ chiến thuật vượt trội để trở thành một trong những nền tảng chủ chốt cho vũ khí chống vệ tinh của Nga.
Tên lửa của tổ hợp được thiết kế để tiêu diệt các vật thể không gian ở quỹ đạo thấp và có thể sử dụng như một phần của hệ thống phòng thủ quốc gia. Phiên bản hiện đại hóa của Nudol có độ chính xác và sức mạnh lớn, sẽ vô hiệu hóa vệ tinh đối phương một cách hiệu quả.
Bên cạnh A235 Nudol cổ điển là hệ thống Peresvet tân tiến mới được đưa vào sử dụng gần đây. Tổ hợp này sử dụng tia laser công suất cao để làm mù hoặc vô hiệu hóa hệ thống quang điện tử trang bị cho vệ tinh.
Peresvet đang được Quân đội Nga sử dụng để bảo vệ các cơ sở quan trọng nhằm tránh bị trinh sát từ không gian. Nhiệm vụ của Peresvet không phải là phá hủy vệ tinh mà chỉ đơn giản là "làm mù" chúng, khiến đối phương không thể sử dụng.
Phát triển vũ khí chống vệ tinh không hề đơn giản khi phải đối diện nhiều thách thức, điển hình như phải tạo ra những hệ thống có khả năng hoạt động trong điều kiện đối phương sử dụng công nghệ cao.
Các vệ tinh quân sự hiện đại được trang bị hệ thống phòng thủ phức tạp ví dụ như khả năng cơ động, điều khiển tự động và khả năng phục hồi nhanh chóng sau khi hứng chịu cuộc tấn công.
Thực tế trên đòi hỏi các kỹ sư phải tạo ra tổ hợp vũ khí tiên tiến và giàu tính năng hơn. Một trong những lĩnh vực đầy hứa hẹn là sử dụng chiến tranh mạng để tác động đến vệ tinh.
Nga đang tích cực phát triển năng lực của mình trong khía cạnh an ninh và chiến tranh mạng, từ đó cho phép họ chống lại mối đe dọa trong không gian một cách hiệu quả.
Một cuộc tấn công mạng có thể làm gián đoạn hoạt động của hệ thống vệ tinh, tước đi khả năng liên lạc của chúng với trung tâm điều khiển, thậm chí vô hiệu hóa những thành phần chính.
Cuối cùng, Nga tiếp tục nghiên cứu lĩnh vực tác chiến điện tử (EW). Những hệ thống EW của họ đã được chứng minh có khả năng gây nhiễu tín hiệu vệ tinh, làm gián đoạn việc dẫn đường và liên lạc của chúng.
Thực tế trên trở thành một yếu tố quan trọng của chiến lược phòng thủ trước những cuộc tấn công và trinh sát từ không gian, các tổ hợp Krasukha-4 và Rtut-BM cho thấy hiệu quả cao trong thực tế chiến đấu, tạo ra một bức màn chắn hiệu quả nhằm "làm mù" vệ tinh quân sự.