Vũ khí của cư dân cổ trên đất Đồng Nai

Những phát hiện khảo cổ về những lớp cư dân sinh sống phản ánh nhiều thông tin thú vị. Các sưu tập di vật từ các đợt khai quật khảo cổ đến thu thập tình cờ của người dân cho thấy sự phong phú về nguyên liệu, chủng loại, loại hình - trong đó có những vũ khí mà người xưa đã chế tác - dùng trong đời sống cá nhân, cộng đồng cách đây hàng ngàn năm.

Dao đá phát hiện ở Bình Đa

Dao đá phát hiện ở Bình Đa

* Vũ khí từ chất liệu đá...

Công trình nghiên cứu Khảo cổ học Đồng Nai thời tiền sử được NXB Đồng Nai phát hành năm 1991 đã tổng hợp, khắc được nhiều di chỉ, hiện vật của cư dân cổ Đồng Nai. Trong đó, những di vật bằng đá được tìm thấy chiếm số lượng nhiều nhất, trong đó chủ yếu là loại hình công cụ lao động. Nguyên liệu từ đá được cư dân thời tiền sử trên trái đất này khai thác và chế tác khá sớm trong quá trình sinh tồn của mình. Sau này, tỉnh Đồng Nai tiến hành nhiều đợt khai quật và tiếp tục thu được những hiện vật phong phú từ đá, gốm và chất liệu khác. Dù chiếm số lượng ít trong sưu tập di vật bằng đá, nhưng loại hình vũ khí xuất hiện trong di chỉ của người cổ cho thấy bước phát triển mới trong đời sống của cư dân, từ kinh tế cũng như đời sống xã hội.

Từ trong môi trường sống cách đây hàng ngàn năm, các lớp cư dân cổ trên vùng đất Đồng Nai từng bước thích ứng, thể hiện khả năng chinh phục thiên nhiên của mình. Trong hoạt động kinh tế săn bắt, hái lượm, người cổ đã chế tác những loại vũ khí để bảo đảm nguồn thức ăn, bảo vệ sự an toàn và thậm chí giải quyết xung đột giữa các nhóm cộng đồng với nhau. Sự phát triển của các loại vũ khí từ đá sang đồng của người cổ Đồng Nai kéo dài hàng ngàn năm, phản ánh sự nhận thức, góp phần trong kỹ thuật chế tác, cùng với những yếu tố khác là dấu chỉ hướng đến hình thức sơ khai tiền nhà nước trước Công nguyên.

Những vũ khí thô sơ, nhất là những mũi nhọn được tìm thấy tại nhiều di chỉ như: Dầu Giây, Cầu Sắt, Hưng Thịnh (H.Thống Nhất); Bình Đa (TP.Biên Hòa), Long Giao (H.Cẩm Mỹ), Đồi Ba (H.Định Quán)... Loại mũi nhọn được chế tác đơn giản, kích thước vừa phải, được tu chỉnh thể hiện ở nhiều dạng hình tam giác, hình lá. Đặc biệt, người cổ tại di chỉ Cầu Sắt có niên đại ước tính cách đây từ 5.000-4.500 năm thu được 69 mũi nhọn. Những mũi nhọn chắc chắn có những công dụng trong cuộc sống của người cổ và có thể liên tưởng chúng được ghép vào các thanh tre, thanh cây, xương thú dùng làm công cụ hoặc làm vũ khí như mũi tên.

Một loại vũ khí khá định hình nhất là giáo bằng đá tìm thấy ở di chỉ Cái Vạn, Gò Me thuộc H.Nhơn Trạch - địa bàn đầm lầy, rạch nước ven sông, ngập mặn cận biển. Những tiêu bản loại vũ khí này không nhiều nhưng chúng được chế tác kỹ càng với phần đầu nhọn, vát, thân bầu và có chuôi để tra cán. So với mũi nhọn thì kỹ thuật chế tác giáo đá phát triển ở bậc cao hơn, công năng vũ khí này có tính sát thương cao với lực con người tác động. Niên đại của di chỉ Cái Vạn được xác định cách ngày nay khoảng 3.200 năm.

Bên cạnh các loại vũ khí trên, tại các di chỉ Suối Linh (H.Vĩnh Cửu), di chỉ Cầu Sắt (H.Thống Nhất), Phước Tân (TP.Biên Hòa)... thu thập nhiều tiêu bản dao đá. Phần lớn dao có hình bán nguyệt hoặc tam giác dài, có rìa lưỡi chạy dọc theo chiều dài thân về phía đường cung lồi. Nhiều chiếc dao có lưỡi vát cân đối, sống lưng dày, rìa lưỡi sắc. Một số dao có phần chuôi để tra cán. Dao đá được xếp vào loại hình công cụ lao động, chế biến, tuy nhiên, trong những trường hợp có thể được sử dụng như một loại vũ khí. Ngoài những vũ khí bằng đá, chắc chắn người cổ Đồng Nai đã dùng những vật liệu như cây gỗ, xương thú lớn làm vũ khí thô sơ trong hoạt động săn bắt, hái lượm. Nhưng do chất liệu dễ bị phá hủy, những loại vũ khí này bị phân hủy trong môi trường. Vì vậy, những loại vũ khí bằng đá như: mũi nhọn, giáo/lao, dao bằng đá tồn tại với thời gian.

* ...Đến kỹ thuật với chất liệu đồng

Nguyên liệu đồng được người xưa khai thác, nấu chảy và chế tác nhiều loại hình sử dụng như: rìu, giáo, qua (mác)... Tuy nhiên, việc tìm nguồn nguyên liệu này trong môi trường tự nhiên không hề đơn giản lại đòi hỏi kỹ thuật chế tác ở trình độ cao.

Giáo đá phát hiện tại di chỉ Cái Vạn

Giáo đá phát hiện tại di chỉ Cái Vạn

Di vật bằng đồng phát hiện trong di chỉ thời kim khí ở Đồng Nai không nhiều. Về dạng vũ khí bằng đồng được tìm thấy gồm hai loại: giáo đồng (Cái Vạn, H.Nhơn Trạch) và qua đồng (Long Giao, H.Cẩm Mỹ). Hầu hết, các công cụ, vũ khí từ đồng được chế tác đều có quy trình nấu chảy nguyên liệu và qua khuôn đúc.

Một phát hiện đặc biệt ở Đồng Nai là sưu tập vũ khí bằng đồng ở Long Giao khá nhiều dù sự phát hiện không qua khai quật khảo cổ mà từ sự thu thập của người dân. Long Giao là khu vực đồi núi và đất bazan bởi sự hoạt động của núi lửa cách ngày nay khá lâu. Qua những đợt sưu tầm, các nhà nghiên cứu đã thu thập được 19 lưỡi qua còn nguyên vẹn, 12 mảnh vỡ từ các tiêu bản khác trên sườn núi vào năm 1982. Thực ra, số hiện vật thu thập vẫn còn ít so với 72 tiêu bản mà người dân cho biết đã tìm thấy nhưng sau đó thất lạc hoặc bán phế liệu.

Giáo đồng phát hiện ở Đồng Nai

Giáo đồng phát hiện ở Đồng Nai

Các nhà khoa học đã khảo tả kỹ sưu tập này trên các chuyên trang nghiên cứu. Sự độc đáo của bộ vũ khí này là kích thước, trọng lượng lớn. Từng chiếc được cấu tạo gồm: lưỡi, đốc, chuôi và hai cánh, trọng lượng khác nhau. Trên những chiếc qua được chạm khắc đồ án hình học (tam giác, bình hành, hình vuông, hình chữ H); hoa văn tinh tế (dấu chấm, nét gạch ngang, sóng dàn đều, hoa văn hình tròn xoáy trôn ốc đơn lẻ hoặc liên hoàn bởi những tiếp tuyến và đối xứng, xen kẽ nhau). Một tiêu bản độc đáo với phần chạm khắc trung tâm là hoa văn định tâm hình tròn, vòng tròn và xung quanh tỏa ra 12 tia hình tam giác như cánh sao (có thể liên tưởng đồ án hình mặt trời ở trung tâm mặt trống đồng Đông Sơn).

3 tiêu bản qua đồng phát hiện ở Long Giao

3 tiêu bản qua đồng phát hiện ở Long Giao

Ở Đồng Nai, vào năm 2006, các nhà nghiên cứu đã thu thập thêm 9 tiêu bản qua đồng ở Long Giao, 4 tiêu bản ở La Ngà (H.Định Quán) có kích thước, trọng lượng và hoa văn ít hơn bộ phát hiện năm 1982. Một số địa điểm ở Việt Nam đã phát hiện loại vũ khí này như Bàu Hòe (TP.Phan Thiết), Dốc Chùa (tỉnh Bình Dương). Một số nơi đã phát hiện qua đồng nhưng địa điểm Long Giao là đầu tiên trong lịch sử khảo cổ học Việt Nam phát hiện nhóm qua đồng có số lượng lớn nhất. Niên đại của qua đồng Long Giao được xác định cách đây 2.500 năm (nửa sau thiên niên kỷ thứ nhất trước Công nguyên). Sưu tập vũ khí qua đồng Long Giao cho thấy người cổ Đồng Nai đã biết đến luyện kim ở trình độ cao. Sự thể hiện tài tình các hoa văn trang trí của chúng cho thấy sự sáng tạo thẩm mỹ, độc đáo. Đây chính là thành quả của một phức hợp kỹ thuật đỉnh cao của người tiền sử Đồng Nai và cả những tín niệm chúng ta chưa thể tìm hiểu tường tận.

Phan Đình Dũng - Ảnh: Vĩnh Huy

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202008/vu-khi-cua-cu-dan-co-tren-dat-dong-nai-3019607/