'Vũ khí' đánh bại chủng virus Corona mới
Trao đổi với PV VietTimes, ThS. BS. Vũ Hoài Nam – Phó Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Hữu nghị Việt – Xô - cho biết, sức đề kháng sản sinh trong cơ thể bệnh nhân là yếu tố then chốt để chống lại bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng virus Corona mới (nCoV).
Sức đề kháng đóng vai trò quyết định
Theo ThS. BS. Vũ Hoài Nam, bệnh nhân mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV có khỏi bệnh hay không, ngoài hỗ trợ y khoa tích cực thì còn là do sức đề kháng của mỗi người. Sức đề kháng được sản sinh trong cơ thể bệnh nhân phụ thuộc vào độ tuổi, sức khỏe nói chung cũng như chế độ dinh dưỡng, vitamin... Thực tế, tại Việt Nam, một bệnh nhân người Trung Quốc đã khỏi bệnh sớm nhờ trong cơ thể có sức đề kháng tốt để chống lại nCoV.
Điều quan trọng nhất trong quá trình điều trị bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV là bệnh nhân phải được các cơ sở y tế hỗ trợ kịp thời, qua giai đoạn cấp tính – chờ cơ thể sinh ra kháng thể để chống lại virus.
Nếu bệnh nhân ho nhiều sẽ được chỉ định dùng thuốc ho, khó thở được thở oxy hỗ trợ, khi bệnh nặng, bệnh nhân sẽ được thở máy với các chế độ thở máy đặc biệt.
Bệnh nhân nghi nhiễm nCoV được theo dõi tại Bệnh viện Chợ Rẫy, TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Bệnh viện Chợ Rẫy
Trước khi cơ thể sản sinh ra sức đề kháng thì bệnh nhân phải được điều trị kịp thời, tình trạng ổn định. Nếu bệnh nhân bị bệnh nặng, tử vong trước khi cơ thể sản sinh ra kháng thể chống lại virus, thì bệnh nhân không có cơ hội sống sót. Chính vì thế, tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc đã ghi nhận gần 200 ca tử vong do nCoV.
Đến nay, tất cả các bệnh lý do chủng virus mới gây ra thường không có thuốc điều trị đặc hiệu.
Do đó, đến thời điểm hiện nay không có loại thuốc nào có thể điều trị đặc hiệu bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV gây ra.
Không dùng thuốc ức chế miễn dịch để trị bệnh
BS. Nam cho hay, phác đồ điều trị của bệnh viêm phổi do virus Corona nói chung và bệnh do nCoV nói riêng đều được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Bộ Y tế khuyến cáo điều trị triệu chứng, kháng sinh nếu có dấu hiệu bội nhiễm, có các chế độ thở oxy, thở máy thích hợp theo tình trang bệnh, đặc biệt không dùng các thuốc gây ức chế miễn dịch như steroid – thuốc khiến sức đề kháng của cơ thể giảm xuống.
Để điều trị bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV có hiệu quả, quan trọng nhất là điều trị các triệu chứng – chờ bệnh nhân sản sinh kháng thể và tự hồi phục. Trong thời điểm này, điều trị tại bệnh viện giúp bệnh nhân có hy vọng vượt qua suy hô hấp, suy đa tạng, sốc… đồng thời giúp việc cách ly bệnh nhân để ngăn chặn nCoV phát tán ra cộng đồng.
Phòng khám cách ly viêm phổi do nCoV tại Bệnh viện Hữu nghị Việt – Xô. Ảnh: Minh Thúy
Việt Nam đã có kinh nghiệm điều trị các bệnh viêm phổi do virus. Cách đây 17 năm, nước ta đã có kinh nghiệm trong điều trị dịch SARS-CoV -biện pháp hiệu quả đánh vào môi trường sinh trưởng của virus.
Thông thường, nCoV sinh trưởng trong môi trường lạnh, dưới 25 độ C. Khi nhiệt độ môi trường trên 25 độ C, nCoV rất dễ bị bất hoạt. Vì thế, phòng điều trị cho bệnh nhân nhiễm nCoV phải thông thoáng, có nhiệt độ cao trên 25 độ C.
Nguồn VietTimes: http://viettimes.vn/vu-khi-danh-bai-chung-virus-corona-moi-379309.html