Vũ khí laser - hỏa lực phòng thủ tương lai gần của hải quân Mỹ
Hải quân Mỹ kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì ưu thế tác chiến phòng thủ trên biển và đại dương khi các tàu mặt nước của lực lượng này được trang bị vũ khí laser trong thời gian sắp tới.
Kể từ đầu thập kỷ trước, quân đội Mỹ, trong đó có lực lượng hải quân đã bắt đầu chú ý đến việc áp dụng công nghệ laser vào lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất quốc phòng. Tuy nhiên, chỉ đến vài năm gần đây, hải quân Mỹ mới thực sự tập trung nguồn lực cho các dự án phát triển dòng vũ khí năng lượng trực tiếp này. Những chương trình đáng chú ý đó là hệ thống gây nhiễu quang học hải quân ODIN, hệ thống laser năng lượng cao HELIOS và hệ thống laser thể rắn LWSD.
Hệ thống ODIN là vũ khí laser phi sát thương. Nhiệm vụ của nó là “làm mù” các cảm biến quang học và hồng ngoại trên tàu thuyền, máy bay, máy bay không người lái (UAV), tên lửa của đối phương, tương tự hệ thống đối phó hồng ngoại định hướng giúp máy bay tránh tên lửa tầm nhiệt. Hải quân Mỹ đã tiến hành các thử nghiệm đối với hệ thống ODIN trên tàu khu trục USS Dewey từ năm 2019 và chính thức biên chế cho tàu này vào tháng 2-2020. Theo tạp chí Sea Power, hải quân Mỹ sẽ trang bị thêm 7 hệ thống ODIN trong vòng 3 năm tới.
Trong khi đó, hệ thống HELIOS và LWSD được xếp vào loại vũ khí laser sát thương với chức năng chính là đốt cháy UAV, xuồng cỡ nhỏ, tên lửa diệt hạm và thậm chí cả tên lửa bay với tốc độ siêu thanh. Hệ thống HELIOS và LWSD có thể sẽ thay thế hai vũ khí phòng không tầm ngắn chủ lực được biên chế cho hạm đội tàu mặt nước của Mỹ và các nước đồng minh hiện nay là pháo Phalanx và tên lửa RIM-116. Hải quân Mỹ đã nhận hệ thống HELIOS đầu tiên và dự kiến sẽ lắp đặt trên một tàu khu trục lớp Arleigh Burke trong thời gian tới. Bên cạnh đó, hệ thống LWSD đang được thử nghiệm trên tàu vận tải đổ bộ USS Portland.
Đầu tháng này, tại một sự kiện trực tuyến, Đô đốc Michael Gilday, Tham mưu trưởng hải quân Mỹ, đã công bố một kế hoạch định hướng phát triển cho lực lượng này trong năm 2021. Trong đó, tài liệu nhấn mạnh: “Hải quân Mỹ cần phải có các hệ thống cảm biến rộng khắp và bền bỉ, mạng lưới tác chiến tiên tiến, vũ khí có phạm vi và tốc độ chiến đấu ngày càng tăng... để luôn đi trước các đối thủ. Tốc độ chiến đấu là điều sống còn”.
Thời gian qua, hải quân Mỹ bày tỏ lo ngại đến mối đe dọa từ UAV và tên lửa của đối phương. Nhằm đối phó với những mục tiêu trên, hải quân Mỹ nhận thấy được những lợi thế của vũ khí laser so với vũ khí thông thường, trong đó phải kể đến là khả năng gây bất ngờ, tốc độ gần bằng tốc độ ánh sáng, chi phí cực rẻ tính trên mỗi lần bắn, độ chính xác cao, không cần thiết phải có kho dự trữ đạn dược và cung cấp số lượng phát bắn không giới hạn về mặt lý thuyết. “Việc biên chế vũ khí laser cho thấy hải quân Mỹ sẵn sàng chuyển sang sử dụng vũ khí năng lượng định hướng để thay thế những khí tài đánh chặn truyền thống”, chuyên gia Mark Gunzinger tại Trung tâm Đánh giá Chiến lược và Ngân sách Mỹ (CSBA) nhận định.
Các hệ thống vũ khí laser hiện nay phải dùng máy phát điện cực mạnh, nhiên liệu hóa học nguy hiểm, hệ thống làm mát phức tạp và thùng điện kích thước lớn cho phép việc chiến đấu liên tục. Một tia laser có công suất 60kW cần nguồn năng lượng khoảng 180kW. Bên cạnh đó, việc phát triển các vật liệu và biện pháp đối phó với tia laser đã tiến triển nhanh chóng. Tuy nhiên, tiến bộ gần đây trong công nghệ laser trạng thái rắn hay kích hoạt vũ khí laser bằng nguồn điện từ động cơ của tàu chiến có thể giải quyết phần nào những khó khăn đó.
Hải quân Mỹ đặt niềm tin rất lớn đối với những dự án vũ khí điện-quang với vai trò phòng thủ tầm ngắn. Hiện tại, lực lượng này vẫn tiếp tục đẩy nhanh tiến độ nâng cấp, cải tiến các vũ khí laser đang trong giai đoạn phát triển nhằm sớm đưa vào khai thác.