Vũ khí laser tiêu diệt máy bay không người lái của Mỹ là 'vô dụng'?
Khả năng của vũ khí laser trong chiến tranh hiện đại là vô cùng hạn chế, vì việc tiêu diệt các mục tiêu trên được coi là không hiệu quả.
Hệ thống Pantsir-S1 vừa khẳng định “tên tuổi” ở Syria thì đã nhanh chóng tàn lụi ở Libya khi bị UAV của Thổ Nhĩ Kỳ biến thành đống sắt vụn.
Nhận định trên được Chủ tịch Viện hàn lâm các vấn đề địa chính trị, Tiến sĩ khoa học quân sự Konstantin Sivkov chia sẻ với RIA Novosti trong một cuộc phỏng vấn.
Trước đó, Hạm đội Thái Bình Dương của Hải quân Mỹ tuyên bố đã thử nghiệm thành công vũ khí laser năng lượng cao có thể phá hủy máy bay không người lái (UAV).
Theo CNN, hình ảnh và video do Hải quân Mỹ cung cấp cho thấy tàu vận tải đổ bộ USS Portland lần đầu triển khai cấp độ hệ thống laser năng lượng cao để phá hủy một chiếc máy bay không người lái.
Hình ảnh và video clip được công bố đã cho thấy tia laser phát ra từ phần mũi tàu Portland và 1 chiếc UAV đã bốc cháy khi đang bay trên không trung. Hải quân Mỹ không cung cấp chi tiết về địa điểm thực hiện vụ thử nghiệm hệ thống vũ khí laser (LWSD) mà chỉ cho biết diễn ra ở Thái Bình Dương vào ngày 16/5.
Sức mạnh của vũ khí không được tiết lộ, nhưng một báo cáo năm 2018 của Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế cho biết đó có thể là tia laser 150 kW (Kilôwatt). Theo Hải quân Mỹ, laser - vũ khí năng lượng định hướng (DEW) có thể phát huy hiệu quả trong việc chống lại UAV và tàu thuyền nhỏ có vũ trang.
Năm 2017, một cuộc tập trận bắn đạn thật bằng vũ khí laser 30 kW trên tàu vận tải đổ bộ USS Ponce từng diễn ra ở Vịnh Ba Tư (Vịnh Ả Rập).
Ông Sivkov cho rằng, vũ khí laser chiến đấu của Mỹ là vô dụng, vì cần phải điều kiện thời tiết lý tưởng cho vũ khí này, điều cực kỳ hiếm có trên biển.
“Vũ khí laser hiện đại đòi hỏi điều kiện thời tiết lý tưởng cực kỳ hiếm trên biển, vì vậy khả năng của vũ khí laser trong chiến tranh hải quân hiện nay rất hạn chế. Vũ khí laser có thể được sử dụng để vô hiệu hóa các hệ thống quang điện tử của nhiều loại vũ khí khác nhau, tuy nhiên, để tiêu diệt các mục tiêu trên không, nó không thể được coi là hiệu quả.”, ông Sivkov nói.
Ông Sivkov lưu ý rằng, việc người Mỹ công bố đoạn video thử nghiệm vũ khí laser được quay trong điều kiện thời tiết “khi độ trong suốt của không khí gần như hoàn hảo”, chỉ trong điều kiện như vậy máy bay không người lái mới có thể bị bắn hạ.
“Chúng ta cần rất nhiều điều kiện để sử dụng vũ khí laser hiện đại đạt hiệu quả. Hiệu quả của chùm tia sẽ bị giảm đi nhiều lần thậm chí bởi khói mù không đáng kể. Ngoài ra, việc vận hành cũng cần môi trường hoàn toàn không có sóng biển để các tia sáng không bị phân tán”, ông Sivkov cho biết.
Ngoài ra, Tiến sĩ khoa học quân sự Sivkov nhấn mạnh rằng, trong video thử nghiệm do phía Mỹ công bố, chùm tia đã nhắm vào máy bay không người lái trong một thời gian dài, điều này có nghĩa là nó không đủ hiệu quả năng lượng.
“Do đó để hạ một mục tiêu phức tạp hơn, ví dụ như một tên lửa đạn đạo, sẽ cần thiết phải giữ chùm tia trên nó trong vài chục giây, điều này là khó khăn về mặt công nghệ, trong thời gian này. nó sẽ vượt qua vài chục km, trong khi một trạm radar hiện đại sẽ có thể phát hiện ra nó không sớm hơn 10 đến 15 km”, Tiến sĩ khoa học quân sự Sivkov nói.
Đồng thời, ông Sivkov nói thêm rằng, các hệ thống vũ khí laser Peresvet của Nga được quân đội Nga đưa vào biên chế từ tháng 12/2018, không nhằm mục đích tiêu diệt các mục tiêu trên không, nhưng chúng có khả năng làm mù hệ thống quang điện tử của các hệ thống vũ khí khác nhau, bao gồm máy bay trực thăng, máy bay và vệ tinh.
Peresvet là khí tài bí mật nhất trong 6 hệ thống siêu vũ khí được kỳ vọng sẽ giúp Nga duy trì vị thế siêu cường, tuy nhiên chức năng và thông số kỹ thuật của nó vẫn được giữ kín hoàn toàn.