Vũ khí mới của Nga có thể buộc Mỹ thực hiện các điều khoản an ninh ở châu Âu, chuyên gia quân sự người Romania - cựu phi công tiêm kích Valentin Vasilescu bày tỏ trên tờ PolitRussia.
Ông Vasilescu tin rằng Moskva có thể tận dụng sự yếu kém và thiếu quyết đoán của Nhà Trắng, cũng như sự thất bại của Mỹ ở Afghanistan để buộc Washington phải ngồi vào bàn đàm phán:
“Mục tiêu của Điện Kremlin là đưa mối đe dọa từ NATO ra khỏi biên giới Nga. Vì vậy các cuộc tập trận của Quân đội Nga gần lãnh thổ Ukraine chẳng khác gì một màn khói được Tổng thống Vladimir Putin tạo ra để đẩy Washington vào cuộc đàm phán”.
Chuyên gia quân sự Valentin Vasilescu nhận định, đây là nỗ lực thứ hai của nhà lãnh đạo Nga nhằm đàm phán với NATO và yêu cầu Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương tuân thủ các yêu cầu của Moskva.
Bước đầu tiên được thực hiện vào mùa xuân năm 2018, khi ông Putin trong bài phát biểu thường niên đã thông báo về sự xuất hiện của nhiều loại vũ khí mới mà Mỹ sẽ không có cách nào để chống lại.
Đó là hệ thống tên lửa đạn đạo xuyên lục địa RS-28 Sarmat được trang bị nhiều đầu đạn hạt nhân, tổ hợp tên lửa siêu thanh Avangard - vũ khí đi trước ít nhất 10 năm so với khả năng của phương Tây.
Bên cạnh đó là tên lửa siêu thanh hàng không Kinzhal, tàu ngầm hạt nhân không người lái hạt nhân dưới nước (ngư lôi) Poseidon và tên lửa hành trình liên lục địa với lò phản ứng hạt nhân Burevesnik.
Tuy nhiên, việc liệt kê các loại vũ khí mới là không đủ để Washington đồng ý đàm phán với Moskva. Hơn nữa, Tổng thống Donald Trump khi đó đã đơn phương rút Mỹ khỏi Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân Tầm trung (Hiệp ước INF), được ký kết vào năm 1987.
Chuyên gia quân sự người Romania chắc chắn rằng Tổng thống Vladimir Putin đã tính đến kinh nghiệm này và hiện đã quyết định hành động theo cách khác.
Năm 2021, Quân đội Nga đã được triển khai tại một số khu vực gần biên giới Ukraine để tập trận. Diễn tập xong họ trở về nơi đóng quân. Tuy nhiên động thái này đủ để truyền thông phương Tây đưa ra nhiều suy đoán tiêu cực, ông Vasilescu viết.
“Trong bối cảnh này, Nga đã hoàn thiện các điều khoản của mình cho một thỏa thuận an ninh mới. Đặc biệt, Moskva yêu cầu đảm bảo pháp lý rằng NATO sẽ ngừng di chuyển sang phía Đông và quay trở lại vị trí của năm 1997”.
Theo ông Valentin Vasilescu, việc Moskva đưa ra lập trường cứng rắn hơn cho thấy dường như Nga đã có một loại vũ khí mới, "nguy hiểm hơn so với những gì được giới thiệu vào năm 2018, và được thiết kế để triển khai ở những khu vực có thể tiếp cận lãnh thổ Mỹ".
Chuyên gia người Romania nhận định, Mỹ đã mắc một sai lầm lớn vào năm 2019 khi đơn phương rút khỏi Hiệp ước INF. Khác với đối thủ, Moskva đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình.
Các nhà thiết kế Nga đã tiến hành nhiều cuộc thử nghiệm thành công và tuyên bố họ đã sẵn sàng sản xuất hàng loạt tên lửa siêu thanh Zircon. Loại đạn này có khả năng đạt tốc độ lên tới Mach 9 và tầm bay tối đa 1.000 km.
Khả năng cơ động cao khiến việc đánh chặn Zircon gần như bất khả thi. Tên lửa này chỉ được thiết kế để phóng trên biển, nhưng theo ông Vasilescu, vũ khí trên vẫn gây áp lực lớn tới Lầu Năm Góc.
“Thiết kế của Zircon là đáng tin cậy, nó có tiềm năng lớn để hiện đại hóa và thích ứng với những điều kiện khác nhau. Đây là điều mà Lầu Năm Góc lo ngại nhất , chuyên gia người Romania nhấn mạnh.
Theo ông Vasilescu, lý do Zircon chỉ được sử dụng trên biển là vì Nga đang phát triển một tên lửa siêu thanh khác thậm chí còn nguy hiểm hơn, tầm bắn của nó có thể tương ứng đặc điểm của tên lửa đạn đạo tầm trung (3.000 - 5.500 km), chẳng hạn như Pioneer RSD-10.
Nhà phân tích quân sự Romania nhớ lại: “Tên lửa này của Liên Xô đã buộc người Mỹ phải ký Hiệp ước INF vào năm 1987 và rút tên lửa hạt nhân phóng từ mặt đất Pershing-2 khỏi châu Âu. Có vẻ như lịch sử sẽ lặp lại chính nó".
Người đối thoại của tờ PolitRussia cũng nhắc lại rằng Bộ Ngoại giao Nga không loại trừ khả năng tạo ra các căn cứ quân sự của nước này trên đất Cuba và Venezuela.
Ông Vasilescu nhận xét: “Như vậy, Nga đã đạt đến một tầm cao mới, không chỉ thể hiện khả năng của các loại vũ khí mới mà còn cả sự sẵn sàng triển khai chúng đến gần nước Mỹ".
"Washington không bao giờ mong đợi một cuộc tấn công từ Trung và Nam Mỹ, bởi vì họ không có lá chắn phòng thủ tên lửa đủ khả năng bao phủ không phận khỏi các cuộc tấn công từ hướng này".
Bạch Dương