Vũ khí mới nhất của Nga khiến Ukraine phải 'viết lại' kế hoạch phản công?
Việc Nga sử dụng bom lượn với lợi thế nằm ngoài tầm hoạt động của radar có thể buộc Ukraine phải tính toán lại kế hoạch phản công.
Vũ khí mới nhất của Nga đe dọa Ukraine
Ở biên giới phía Đông Bắc của Ukraine, 10 tiêm kích tiên tiến nhất của Nga đã sử dụng một loại vũ khí chưa từng thấy trong cuộc xung đột. Một số bài báo đã xác nhận về việc 11 quả bom lượn được thả xuống tối 24/3, đồng thời đánh giá đó là cách thích nghi của không quân Nga sau khi suy giảm số lượng tên lửa hành trình.
Các quả bom lượn này được trang bị "cánh" để tăng tầm hoạt động, bay thấp và đủ xa để thoát khỏi một số hệ thống phòng không kiểm soát bằng radar của Ukraine.
Trung tướng Yuriy Ihnat, người phát ngôn Không quân Ukraine nhận định với Telegraph rằng, những quả bom này đã gây ra "mối đe dọa vô cùng nghiêm trọng".
Việc tăng tầm hoạt động nhờ công nghệ lượn đồng nghĩa với việc các tiêm kích Nga có thể tránh các cuộc xuất kích nguy hiểm gần tiến tuyến.
"Hiện nay, đối phương đang sử dụng các chiến thuật trên không để thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu dọc biên giới, trên tiền tuyến và bờ biển. Tại tất cả các khu vực này, đối phương đã tăng cường sử dụng bom lượn trong 1 tháng qua", Trung tướng Ihnat cho hay. Theo ước tính của các quan chức Ukraine, các lực lượng của Nga thả ít nhất 20 quả bom lượn mỗi ngày trên chiến trường.
Giữa bối cảnh có nhiều đồn đoán về cuộc phản công của Ukraine, giới phân tích cho rằng sự xuất hiện của vũ khí trên có thể buộc Kiev phải thay đổi kế hoạch của mình vào phút chót.
Phần cơ bản nhất của bom lượn là các vũ khí được trang bị thêm phần cánh và các hệ thống định vị, cho phép thiết lập đường bay nhắm vào mục tiêu.
Những quả bom thả từ trên không FAB-500 cũ thời Liên Xô tương đối thô sơ và đơn giản. Tuy nhiên, một số quả bom lượn, chẳng hạn như UPAB‐1500B‐E, đã được thiết kế lại, bổ sung một số đặc điểm. Những quả bom có cánh này, vốn rẻ hơn và dễ sản xuất hơn so với tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình, đã trở thành lựa chọn vũ khí của Nga giữa bối cảnh phương Tây cho rằng Moscow đang cạn kiệt vũ khí chính xác công nghệ cao.
Những đặc điểm kỹ thuật và khả năng của mỗi vũ khí lượn rất khác nhau. Một số bài báo cho biết chúng có tầm hoạt động lên tới 120km và có thể nhắm trúng mục tiêu trong bán kính 10m.
Dù vậy, hầu hết các chuyên gia cho rằng loại bom lượn được Nga sử dụng có tầm hoạt động từ 50 - 70km. Vũ khí trên cho phép các phi công Nga có khả năng sử dụng không lực hiệu quả để hỗ trợ các chiến dịch mặt đất, điều mà trước đó họ gặp khó khăn.
Các thông tin tình báo mà Ukraine thu thập được cũng cho thấy hầu hết các cuộc tấn công bằng bom lượn đều ở khoảng cách từ 40 – 50 km so với lãnh thổ Nga, nhằm hỗ trợ các máy bay chiến đấu có thể quay trở về để tránh nằm trong tầm hoạt động của hệ thống phòng không Ukraine.
“Viết lại” kế hoạch phản công?
Trên thực tế, Ukraine chỉ có số lượng nhỏ hệ thống vũ khí tầm trung và tầm xa để đối phó với các cuộc không kích.
Hầu hết hệ thống phòng không tầm ngắn của Ukraine đều ở trên tiền tuyến trong khi các hệ thống tên lửa tầm xa hơn nằm cách xa tiền tuyến để bảo vệ các thành phố và giữ cho chúng nằm ngoài tầm bắn của pháo binh và UAV Nga.
Trong những tuần gần đây, Nga một lần nữa tăng cường số lượng các cuộc tấn công tầm xa, sử dụng UAV cảm tử cùng tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình để nhắm vào các thành phố của Ukraine, trong đó có thủ đô Kiev với mục tiêu làm cạn kiệt kho tên lửa phòng không của Ukraine
"Tại sao họ lại phải sử dụng các tên lửa hành trình đạn đạo khan hiếm mà họ không còn nhiều trong khi có lựa chọn với chi phí hợp lý hơn. Đó là lý do họ đang sử dụng bom lượn hoặc tên lửa đất đối không S-300 để thực hiện việc đó", ông Ihnat bình luận khi nói về bom lượn.
"Chúng tôi có thể đánh chặn các tên lửa đất đối không S-300 nhưng những quả bom lượn thì thực sự là vấn đề".
Các chuyên gia quân sự phương Tây nhận định, các radar không phải lúc nào cũng lựa chọn các vật thể bay ở độ cao thấp và kích thước nhỏ của bom lượn khiến chúng khó có thể quan sát được trên radar.
Các hệ thống gây nhiễu điện tử và công nghệ chống radar mà Nga triển khai cũng hạn chế khả năng nhắm trúng mục tiêu của các lực lượng Ukraine. Các cuộc tấn công cũng làm dấy lên câu hỏi ở Kiev về việc liệu các hệ thống phòng không có nên được di chuyển khỏi các trung tâm thành phố để hỗ trợ cuộc phản công sắp tới hay không.
Một giải pháp được Ukraine tính tới để đối phó với bom lượn là sử dụng hệ thống Patriot hoặc các tên lửa phòng không. Tuy nhiên, các hệ thống tên lửa đất đối không này rất giá trị và đắt đỏ nên chúng thường được đặt tại những vị trí cách xa chiến trường để không bị các cuộc tấn công của Nga đe dọa. Với việc được Mỹ và Hà Lan hỗ trợ các hệ thống Patriot, các lực lượng của Ukraine sẽ có thêm lựa chọn để di chuyển nhiều hệ thống phòng không hơn tới chiến trường.
Chiến thuật thích nghi của Ukraine
Giải pháp tốt nhất, theo ông Ihnat là phương Tây sẽ cung cấp cho Ukraine các chiến đấu cơ hiện đại, trong đó có F-16, được trang bị tên lửa không đối không và hệ thống radar tầm xa hơn so với các tiêm kích Su-27 và MiG-29 mà Kiev đang sử dụng.
"Chỉ một hoặc hai tiêm kích là đủ để ngăn chặn chúng (bom lượn) bởi khi Nga nhận thấy những phương tiện này trên không, họ sẽ tránh tiếp cận", quan chức Ukraine cho hay. Dù vậy, Washington vẫn do dự trong việc hỗ trợ Ukraine tiêm kích F-16 với những lý do về hậu cần và lo ngại leo thang căng thẳng với Nga.
Hiện nay, Kiev sẽ phải lên kế hoạch chiến đấu để tránh sự tấn công của bom lượn Nga. Theo ông Justin Crump, nhà phân tích quân sự tại công ty tình báo Sibylline, Ukraine sẽ cần số lượng đáng kể hệ thống phòng không trên tiền tuyến khi gặp phải các vị trí án ngữ, chẳng hạn như sông hồ hoặc các hào chiến kiên cố của Nga, những nơi họ dễ bị tổn thương trước các cuộc tấn công trên không.
Nếu Nga có thể giành được ưu thế trên không, điều đó tức là các điểm tập kết quân đội Ukraine cũng như các trung tâm chỉ huy và kiểm soát, trung tâm hậu cần đều dễ bị tấn công. Ukraine sẽ phải nắm vững chiến thuật đánh lừa và tăng cường khả năng tác chiến cơ động cao để đối phó với rủi ro trên không từ các các lực lượng Nga.
“Điều đó tức là Ukraine sẽ phải phân tán lực lượng rộng khi không chiến đấu nhưng phải có thể tập hợp lực lượng nhanh khi cần thiết. Phân tán và tập trung nhanh là điều then chốt trong môi trường này", ông Crump đánh giá./.