Khi mối quan hệ Trung - Ấn ngày càng xấu đi, theo các nguồn tin cho biết, cả Trung Quốc và Ấn Độ đều đang vận chuyển các thiết bị và vũ khí hạng nặng, bao gồm cả pháo và xe tăng, đến căn cứ phía sau gần phía đông Ladakh.
Kể từ cuộc đối đầu Donglang năm 2017, Quân đội Trung Quốc đã được trang bị các vũ khí mới như máy bay trực thăng Z-20, xe tăng hạng nhẹ Type-15 và pháo tự hành bánh hơi PCL-181; những vũ khí này phù hợp với điều kiện ở địa hình cao nguyên, sẽ đảm bảo hỗ trợ mạnh mẽ cho các hoạt động của Quân đội Trung Quốc (PLA). Ảnh: Trực thăng Z-20 của PLA triển khai gần biên giới Ấn Độ.
Do địa hình ở khu vực có độ cao lớn, không khí loãng, địa hình đồi núi chia cắt phức tạp, nhiều gió quẩn, hiệu suất bay của trực thăng trong môi trường này sẽ bị giảm đi rất nhiều và khả năng thực hiện nhiệm vụ cũng sẽ bị hạn chế. Ảnh: Vùng biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ.
Trực thăng Z-20 là loại trực thăng mới của Trung Quốc, sử dụng cánh quạt năm lá, hệ thống điều khiển bay bằng dây và động cơ mạnh mẽ, khung trực thăng Z-20 tương đối hẹp, như vậy sẽ tăng hiệu suất của Z-20, nhất là ở các tư thế bay treo, bay thấp hoặc khả năng leo cao; Z-20 có thể leo cao lên tới độ cao 5.000 m; vượt độ cao của nhiều trực thăng của Ấn Độ.
Với những khả năng như vậy, Z-20 được giới quân sự Trung Quốc đánh giá cao, với tải trọng lớn hơn, cho phép binh sĩ mang theo nhiều trang bị, nhất là vũ khí cá nhân và rất phù hợp khi thực hiện nhiệm vụ trên vùng núi của cao nguyên Thanh – Tạng, nhất là khu vực giáp giới với Ấn Độ.
Xe tăng hạng nhẹ Type-15 là loại vũ khí mới, xuất hiện lần đầu trong Lễ duyệt binh, kỷ niệm 70 năm Quốc khánh Trung Quốc; Type-15 là sự lựa chọn tối ưu cho các địa hình đất đóng băng của cao nguyên Thanh-Tạng. Type-15 có trọng lượng khoảng 35 tấn, nhẹ hơn nhiều so với xe tăng Type-99 và Type-96.
Nếu có tranh chấp biên giới với Ấn Độ, Type-15 sẽ là xe tăng chiến đấu chủ lực của Quân đội Trung Quốc. Ngoài khả năng cơ động, ưu điểm với Type-15 là hỏa lực có thể xuyên thủng áo giáp hiện đại của xe tăng Ấn Độ. Hiện tại, đối thủ của Type-15 là T-90S, nhập khẩu từ Nga, có khả năng cơ động và bảo vệ tốt.
Ngoài ra, hệ thống giảm sóc thủy lực của Type-15 cũng đảm bảo khả năng di chuyển tốt và khả năng sống sót trong khu vực cao nguyên. Type-15 được trang bị hệ thống điều khiển hỏa lực hiện đại, bao gồm máy đo cự ly laser, máy tính đường đạn, kính quan sát ảnh nhiệt để có thể tấn công mục tiêu vào ban đêm và trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt.
Pháo tự hành bánh hơi PCL-181 cũng là loại vũ khí mới của Trung Quốc, có thể hoạt động tốt ở những vùng núi cao; với trọng lượng 25 tấn, nhẹ hơn so với pháo tự hành PLZ-05; hơn nữa với thiết kế 6x6 bánh, cho PCL-181 khả năng cơ động cao trên những khu vực địa hình bị chia cắt.
PCL-181 được tự động hóa cao, thời gian phản pháo và mức chính xác cao; với nhiều tính năng kỹ chiến thuật vượt trội, PCL-181 đủ khả năng đáp ứng cho nhiều nhiệm vụ chiến đấu, như hỗ trợ hỏa lực cho các lực lượng chiến đấu, chế áp các trận địa pháo binh, súng cối của phía Ấn Độ.
Nếu Trung Quốc triển khai pháo PCL-181, thì Ấn Độ triển khai pháo M-777; đây là loại lựu pháo do Mỹ sản xuất, tương đối nhẹ, có thể vận chuyển bằng trực thăng qua các địa hình vùng núi. Tầm bắn của lựu pháo do Mỹ sản xuất này là từ 24-40km, tùy vào loại đạn được sử dụng; thừa khả năng chế áp pháo PCL-181.
Cùng với lựu pháo M-777, Quân đội Ấn Độ cũng đưa trực thăng Chinook, đây là loại máy bay được ví là cần cẩu bay, có sức chở lớn, hoạt động tin cậy; sự kết hợp giữa trực thăng Chinook và lựu pháo M-777 được xem là sự kết hợp “chết chóc” và Quân đội Ấn Độ kỳ vọng nó sẽ là “yếu tố thay đổi cuộc chơi” cho các lực lượng được triển khai dọc biên giới với Trung Quốc.
Còn hỏa lực của Type-15 có thể chống lại T-90S của Ấn Độ là khó có thể xảy ra, vì vỏ giáp trước của T-90S tương đương 550-650 mm thép RHA khi chống đạn xuyên giáp thoát vỏ ổn định bằng cánh đuôi (APFSDS), hay 750 mm khi chống đạn nổ lõm (HEAT), nên ngay cả đạn pháo của xe tăng hạng nặng Trung Quốc như Type-99 cũng khó chưa chưa nói đến đạn pháo của xe tăng hạng nhẹ Type-15.
Video Trung Quốc sẵn sàng “chiến tới bến” với Ấn Độ - Nguồn: VTC1
Tiến Minh