Lễ duyệt binh Quốc khánh Trung Quốc được tổ chức vào ngày 1/10 có quy mô lớn chưa từng thấy về số lượng thiết bị quân sự mới. Trên báo Sputnik, chuyên gia quân sự Nga Vasily Kashin đã bình luận rằng, quy mô, số lượng vũ khí được trình diễn trong cuộc duyệt binh của Bắc Kinh cho thấy rằng, quân đội Trung Quốc đạt đến một cấp độ phát triển mới và đang sở hữu một số loại vũ khí độc đáo có một không hai trên thế giới.
Theo ông Kashin , cuộc diễu duyệt binh, mà trong đó các hệ thống vũ khí chiến lược đóng vai trò trung tâm, cũng cho thấy rằng, Bắc Kinh quyết tâm bảo vệ sự ổn định trên thế giới trong tình hình quốc tế phức tạp hiện nay.
Cuộc diễu binh là một minh chứng mới về việc Trung Quốc kiên quyết theo con đường thành siêu cường hạt nhân thứ ba với sự tham gia của 16 xe phóng di động của hệ thống tên lửa liên lục địa DF-41, ông Kashin nhấn mạnh.
Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa nhiên liệu rắn DF-41 đã bắt đầu được phát triển vào cuối những năm 1980. Đây là loại tên lửa mới về cơ bản đối với Trung Quốc: trọng lượng phóng lên tới 80 tấn, mỗi tên lửa có thể mang theo 10 đầu đạn hạt nhân. Do đó, sự hiện diện của 16 tổ hợp được giới thiệu tại cuộc diễu binh cho thấy rằng, trong kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc có thêm 160 đầu đạn, bổ sung cho khoảng 300 đầu đạn hạt nhân đã có sẵn.
Chuyên gia Nga lưu ý rằng, vào đầu những năm 2000, trong kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc đã có khoảng 200 đầu đạn hạt nhân được triển khai, trong số đó chỉ có 20 đầu đạn trên các tên lửa liên lục địa DF-5B có khả năng vươn tới lục địa Mỹ. Ngay cả nếu trên thực tế mỗi tên lửa DF-41 mang số lượng đầu đạn nhỏ hơn (ví dụ, chỉ có 4- 6 đầu đạn) thì lực lượng hạt nhân Trung Quốc vẫn sẽ tăng trưởng mạnh với sự xuất hiện của mỗi lữ đoàn tên lửa mới.
Đồng thời, đây là lần thứ hai (sau cuộc diễu binh năm 2015) Trung Quốc giới thiệu tên lửa đạn đạo DF-5B nhiên liệu lỏng, đây là loại tên lửa đầu tiên của Trung Quốc mang 4-6 đầu đạn được dẫn hướng riêng với hệ thống điều khiển cập nhật. Xét theo trên nhiều khía cạnh, có thể thấy, Trung Quốc không có ý định từ bỏ tên lửa liên lục địa sử dụng nhiên liệu lỏng và sẽ phát triển những phiên bản mới để trong tương lai các tên lửa này có thể mang đầu đạn lượn siêu âm. Bằng cách này DF-41 sẽ được thêm vào gia đình tên lửa DF-5, nhưng sẽ không thay thế nó.
Đây là lần thứ hai sau buổi trình diễn tại thao trường Zhuzhihe, Trung Quốc giới thiệu phiên bản cập nhật của tên lửa đạn đạo liên lục địa hạng nhẹ DF-31AG. Tên lửa này cũng có khả năng mang mấy đầu đạn được dẫn hướng riêng với 3 đơn vị chiến đấu. Nhờ việc thành lập các lữ đoàn với tên lửa loại này, kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc sẽ phát triển rất nhanh.
Máy bay ném bom H-6N được giới thiệu trong màn trình diễn trên không có thiết bị điện tử tiên tiến và lần đầu tiên trong dòng máy bay ném bom Trung Quốc bổ sung thêm vòi tiếp nhiên liệu, máy bay này cũng liên quan trực tiếp đến quá trình phát triển lực lượng hạt nhân Trung Quốc.
Có khả năng, máy bay loại này sẽ tham gia vào quá trình hồi sinh bộ phận không quân trong bộ ba hạt nhân Trung Quốc. Nhờ tầm bay xa hơn, động cơ D-30KP2 đáng tin cậy của Nga và khả năng tiếp nhiên liệu trên không, máy bay H-6N có thể thực hiện nhiệm vụ trực chiến trong một thời gian dài.
Thay đổi lớn nhất so với phiên bản trước là loại bỏ khoang bom và bổ sung khu vực bán lõm dưới bụng với điểm treo cứng cho tên lửa lớn được cho là để mang tên lửa đạn đạo chống hạm đang được thử nghiệm ở Trung Quốc, tên lửa này cũng có thể mang đầu đạn hạt nhân. Cuối cùng, trong màn trình diễn nhiều loại tên lửa tầm trung, Trung Quốc đã giới thiệu một số hệ thống độc đáo. Trước hết, đây là tên lửa tầm trung DF-17, mẫu tên lửa đầu tiên trên thế giới được trang bị đầu đạn cơ động siêu thanh.
Hoa Kỳ dự kiến sẽ thành lập lữ đoàn thử nghiệm đầu tiên với tên lửa đạn đạo tầm trung mang đầu đạn siêu thanh vào năm 2023. Như vậy, Mỹ tụt hậu ít nhất 4 năm. Tên lửa hành trình mới DF-100 trong thành phần lực lượng tên lửa Trung Quốc cũng đã thu hút sự chú ý to lớn. Đây là loại tên lửa hành trình chiến lược siêu thanh tầm trung được trang bị động cơ ramjet. Trung Quốc sẽ là quốc gia đầu tiên áp dụng hệ thống này.
Theo PV/Báo Giao thông
Theo PV/Báo Giao thông