Vũ khí uranium nghèo và những rủi ro là gì?
Vương quốc Anh cho biết sẽ cung cấp đạn xuyên giáp chứa uranium nghèo cho Ukraine trong cuộc xung đột với Nga, một động thái mà Tổng thống Vladimir Putin cho biết sẽ buộc Nga phải đáp trả vì vũ khí này có 'thành phần hạt nhân'.
Vũ khí chứa uranium nghèo là gì?
Uranium nghèo (DU) là sản phẩm phụ dày đặc còn sót lại khi uranium được làm giàu để sử dụng trong các lò phản ứng hạt nhân hoặc vũ khí hạt nhân. Uranium nghèo vẫn có tính phóng xạ nhưng có mức độ đồng vị U-235 và U-234 thấp hơn nhiều so với mức độ trong quặng uranium tự nhiên, làm giảm tính phóng xạ của nó.
Theo Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), nó được sử dụng trong vũ khí vì nó quá đặc và sẽ tự bốc cháy ở nhiệt độ và áp suất cao, khiến cho đạn trở nên sắc bén hơn khi xuyên qua lớp mạ giáp. "Khi một thiết bị xuyên thấu chứa DU tấn công mục tiêu, nhiệt độ bề mặt của nó tăng lên đáng kể", theo Bảo tàng Bức xạ và Phóng xạ của Đại học Liên kết Oak Ridge (ORAU) ở Tennessee, Mỹ.
"Điều này gây ra hiện tượng mềm cục bộ ở 'dải cắt đoạn nhiệt' và bong ra khỏi các phần của bề mặt đạn. Điều này giữ cho đầu đạn nhọn và ngăn chặn hiệu ứng hình nấm. Khi DU xuyên qua phương tiện mục tiêu, tính tự cháy của uranium làm tăng khả năng nhiên liệu và/hoặc đạn dược của phương tiện sẽ phát nổ".
Điều này có nghĩa là khi tấn công áo giáp của xe tăng, vũ khí chứa DU sẽ cắt xuyên qua trong nháy mắt trước khi phát nổ. Nhiệt độ tăng cao sẽ làm nổ tung nhiên liệu và đạn dược của xe tăng.
Những nước nào có DU và rủi ro là gì?
Mỹ, Anh, Nga, Trung Quốc, Pháp và Pakistan đã sản xuất vũ khí uranium nghèo, không được coi là vũ khí hạt nhân, theo Liên minh Quốc tế Cấm Vũ khí Uranium. 14 nước khác được cho là có lưu trữ chúng.
Đã có nhiều nghiên cứu về tác động của việc tiếp xúc với vũ khí uranium nghèo, đặc biệt là ở các chiến trường nơi những loại vũ khí này được sử dụng trong Chiến tranh vùng Vịnh 1990-1991 và trong vụ đánh bom Nam Tư năm 1999 của NATO.
Khoảng 340 tấn uranium nghèo đã được sử dụng làm đạn dược trong Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991 và ước tính khoảng 11 tấn được sử dụng ở Balkan vào cuối những năm 1990, theo Hiệp hội Hoàng gia Anh, một hiệp hội các nhà khoa học có trụ sở tại London.
Theo một số chuyên gia, việc ăn hoặc hít phải một lượng uranium, kể cả là uranium cạn kiệt, cũng rất nguy hiểm: nó làm suy giảm chức năng thận và làm tăng nguy cơ phát triển một loạt bệnh ung thư. Liên minh quốc tế cấm vũ khí Uranium nói rằng bụi do những vũ khí đó tạo ra có thể đầu độc nước ngầm và đất.
Tuy nhiên, Hiệp hội Hoàng gia Anh cho biết trong một báo cáo năm 2002 rằng rủi ro đối với thận và các cơ quan khác do sử dụng đạn uranium nghèo là rất thấp đối với hầu hết binh lính trên chiến trường và đối với những người sống trong khu vực xung đột.
“Trong điều kiện khắc nghiệt và trong trường hợp xấu nhất, những người lính nhận được lượng lớn DU có thể bị ảnh hưởng xấu đến thận và phổi”, Hiệp hội cho hay. "Ô nhiễm môi trường sẽ rất khác nhau nhưng trong hầu hết các trường hợp, rủi ro sức khỏe liên quan do DU sẽ rất thấp".
IAEA cho biết một số ít cựu chiến binh chiến tranh vùng Vịnh có những mảnh uranium nghèo bên trong cơ thể họ, dẫn đến mức độ bài tiết DU tăng cao trong nước tiểu, nhưng không có ảnh hưởng sức khỏe.
IAEA cho biết các nghiên cứu về binh lính đã chỉ ra rằng tỷ lệ tử vong của các cựu chiến binh "có sự gia tăng nhỏ, nhưng sự gia tăng vượt mức này là do tai nạn chứ không phải bệnh tật... Điều này không thể được liên kết với bất kỳ phơi nhiễm nào với DU".
Một báo cáo của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc về tác động của uranium nghèo đối với Serbia và Montenegro cho thấy "không có ô nhiễm lan rộng, đáng kể". Một số chính trị gia Serbia đã phản đối điều này và đã báo cáo tỷ lệ mắc các bệnh ác tính ở Serbia ngày càng tăng và số ca tử vong do các khối u ác tính cũng tăng lên.
Phản ứng từ phía Nga và Vương quốc Anh
Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng nếu các loại đạn như vậy được cung cấp cho Ukraine, thì Nga sẽ phải đáp trả tương ứng nhưng không nêu chi tiết. Ông nói rằng phương Tây đang sử dụng vũ khí có thành phần hạt nhân.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết đạn uranium cạn kiệt còn dẫn đến "thiệt hại to lớn" cho cả những người sử dụng vũ khí và dân thường sống trong vùng chiến sự. Bà cho biết các trường hợp ung thư ở Nam Tư đã tăng mạnh sau khi liên minh quân sự NATO sử dụng loại vũ khí này vào năm 1999.
Ngoại trưởng Anh James Cleverly cho biết không có sự leo thang hạt nhân từ động thái này. “Mọi người cần hiểu rằng chúng không phải là đạn hạt nhân, chúng hoàn toàn là đạn thông thường”, ông nói.
Trong khi đó, người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Anh cho biết rằng "quân đội Anh đã sử dụng uranium nghèo trong đạn xuyên giáp trong nhiều thập kỷ".
Quốc Thiên (theo Reuters)
Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/vu-khi-uranium-ngheo-va-nhung-rui-ro-la-gi-post240611.html