Vụ Khoa học công nghệ và môi trường: Từng bước hoàn thiện hệ thống quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn quốc gia ngành Xây dựng
Thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn ngành Xây dựng; bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả... thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng, thời gian qua, Vụ Khoa học công nghệ và môi trường (Bộ Xây dựng) đã thực hiện tốt công tác tổ chức quản lý hoạt động khoa học và công nghệ của Bộ; hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng đồng bộ, nâng cao hiệu quả công tác quản lý ngành của Bộ và đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của ngành Xây dựng.
Chủ động hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động KHCN
Bộ Xây dựng luôn chủ động phối hợp với các bộ ngành khác trong việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động khoa học công nghệ (KHCN) phù hợp với tình hình phát triển các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, đảm bảo thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Với các luật liên quan như Luật KHCN, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, Luật Năng lượng nguyên tử, Luật đo lường, Luật Kinh doanh và sở hữu trí tuệ đang được sửa đổi để trình Quốc hội đều được Bộ KHCN lấy ý kiến góp ý của các bộ ngành, trong đó có Bộ Xây dựng.
Thực hiện Quyết định số 569/QĐ-TTg ngày 11/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ “Ban hành Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030”, Bộ Xây dựng đã triển khai xây dựng và “Ban hành Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành Xây dựng đến năm 2030” tại Quyết định số 11/QĐ-BXD ngày 11/01/2023. Mục tiêu tổng quát của Chiến lược là: Hướng tới các mục tiêu đủ năng lực thiết kế, thi công các công trình xây dựng hiện đại, phức tạp trong các lĩnh vực với mọi quy mô; áp dụng các thành quả của cuộc cách mạng khoa học công nghệ và chuyển đổi số trong công tác quản lý Nhà nước của ngành; phát triển hệ thống đô thị bền vững theo hướng đô thị xanh, đô thị thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu; đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học, phát triển công nghệ…
Thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ về việc ban hành và triển khai các chính sách, pháp luật về phát triển khoa học và công nghệ nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trong phạm vi quản lý Bộ Xây dựng đã căn cứ vào tình hình thực tế, cụ thể hóa định hướng nhiệm vụ phát triển khoa học và công nghệ ngành Xây dựng bằng việc đã ban hành một số các Chương trình hành động thực hiện các nhóm giải pháp, nhiệm vụ cụ thể giai đoạn 2016-2021.
Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng trình Thủ tướng Chính phủ 05 Đề án quan trọng như: Đề án áp dụng mô hình thông tin công trình (BIM) trong hoạt động xây dựng và quản lý vận hành công trình theo Quyết định số 2500/QĐ-TTg ngày 22/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ; Đề án Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng theo Quyết định số 198/QĐ-TTg ngày 09/02/2018 của Thủ tướng Chính phủ; Đề án hoàn thiện hệ thống định mức và giá xây dựng - cấu phần Bộ Xây dựng theo Quyết định số 2038/QĐ-TTg ngày 18/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ; Đề án "Phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến năm 2030" của Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 950/QĐ-TTg ngày 01/8/2018; Đề án "Phát triển Vật liệu xây dựng phục vụ các công trình ven biển và hải đảo" theo Quyết định số 126/QĐ-TTg ngày 25/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ.
Để quản lý hiệu quả các hoạt động nghiên cứu và phát triển KHCN, Bộ Xây dựng đã ban hành “Quy chế quản lý các nhiệm vụ, đề tài, dự án khoa học, công nghệ và bảo vệ môi trường, sự nghiệp kinh tế do Bộ Xây dựng quản lý” được ban hành theo Quyết định số 315/QĐ-BXD ngày 01/4/2016 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng (Quyết định 315); “Quy chế quản lý các nhiệm vụ khoa học và công nghệ của Bộ Xây dựng” ban hành tại quyết định số 881/QĐ-BXD ngày 22/7/2022 thay thế Quyết định 315 và “Quy định một số định mức xây dựng, phân bổ dự toán kinh phí áp dụng đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ, cấp cơ sở của Bộ Xây dựng” được ban hành theo Quyết định số 1207/QĐ-BXD ngày 26/10/2015 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng.
Bên cạnh đó, hỗ trợ việc nghiên cứu cơ sở khoa học, lý luận thực tiễn để rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện một số luật, nghị định, thông tư như: Luật Xây dựng, Luật Kiến trúc, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, các Nghị định triển khai luật và các thông tư hướng dẫn.
Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng
Thực hiện Đề án “Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 198/QĐ-TTg ngày 09/2/2018, Bộ Xây dựng được Thủ tướng Chính phủ giao là cơ quan chủ trì, đã phối hợp cùng với các bộ, ngành, địa phương liên quan triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Đề án.
Đề án đổi mới hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng với khối lượng công việc lớn, có sự tham gia triển khai của nhiều bộ, ngành, địa phương. Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai Đề án do dịch bệnh Covid-19 kéo dài từ 2019-2021 dẫn đến tiến độ bị chậm 01 năm, nhưng dưới sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Ban Chỉ đạo Đề án và sự tham gia chủ động, tích cực của các bộ, ngành, địa phương Đề án đã cơ bản hoàn thành các mục tiêu đề ra. Một số nhiệm vụ đạt kết quả tốt tạo động lực và hiệu ứng tích cực, có thể kể đến như:
Bộ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia lĩnh vực xây dựng trước đây gồm 29 quy chuẩn, sau khi được sắp xếp, tích hợp và quy hoạch lại còn 12 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia được Bộ Xây dựng ban hành tại Quyết định số 666/QĐ-BXD ngày 29/5/2020 và Quyết định số 843/QĐ-BXD ngày 12/7/2021, kế thừa những thành tựu của hệ thống quy chuẩn hiện hành, đổi mới, phát triển hệ thống mới phủ kín các lĩnh vực xây dựng, đáp ứng được nhu cầu phát triển trong giai đoạn hội nhập quốc tế hiện nay, trong đó: Bộ Xây dựng chủ trì rà soát, biên soạn, ban hành 09 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Quy hoạch xây dựng. Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Số liệu điều kiện tự nhiên dùng trong xây dựng. Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Phân cấp công trình phục vụ thiết kế xây dựng. Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Công trình dân dụng. Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng (thay thế QCVN 16:2019/BXD). Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về An toàn cháy cho nhà và công trình. Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về các công trình hạ tầng kỹ thuật (thay thế QCVN 07:2016/BXD). Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về An toàn trong thi công xây dựng. Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xây dựng công trình đảm bảo tiếp cận sử dụng (thay thế QCVN 10:2014/BXD).
Bộ Xây dựng đã giao các đơn vị rà soát, biên soạn, ban hành 05 quy chuẩn theo quy hoạch mới gồm: QCVN 01:2021/BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Quy hoạch xây dựng - đã ban hành năm 2021. QCVN 02:2022/BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Số liệu điều kiện tự nhiên dùng trong xây dựng - đã ban hành tháng 9/2022. QCVN 03:2022/BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Phân cấp công trình phục vụ thiết kế xây dựng - đã ban hành tháng 11/2022. QCVN 06:2022/BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về An toàn cháy cho nhà và công trình - đã ban hành tháng 11/2022. QCVN 08:2021/BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về An toàn trong thi công xây dựng - đã ban hành tháng 12/2021.
Hoàn thành việc sắp xếp, quy hoạch, định hướng đổi mới hệ thống tiêu chuẩn cốt lõi ngành Xây dựng dựa theo các tiêu chuẩn châu Âu đảm bảo tính hệ thống, đồng bộ, tiên tiến trong tính toán thiết kế, có sự thay đổi lớn trong tư duy biên soạn, cách thức sử dụng; ban hành Quyết định số 390/QĐ-BXD ngày 12/5/2022 phê duyệt Định hướng và kế hoạch biên soạn, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quốc gia ngành Xây dựng đến năm 2030 (thuộc thẩm quyền, phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng) và danh mục 128 TCVN cốt lõi để biên soạn từ 2021 đến 2025.
Các bộ quản lý chuyên ngành tiếp tục hoàn thành việc sắp xếp, quy hoạch và định hướng hệ thống tiêu chuẩn quốc gia về xây dựng phù hợp đặc thù và kế thừa hệ thống tiêu chuẩn sẵn có.
Hoàn thành việc giao các đơn vị, tổ chức nghiên cứu soát xét, biên soạn các tiêu chuẩn cốt lõi ngành Xây dựng theo định hướng mới được phê duyệt. Việc chuyển đổi và hoàn thiện biên soạn các tiêu chuẩn theo định hướng mới đòi hỏi công sức lớn và quá trình lâu dài, cần tiếp tục thực hiện như những nhiệm vụ thường xuyên của các bộ, ngành.
Hoàn thành Cổng thông tin điện tử để quản lý, tra cứu, khai thác cơ sở dữ liệu về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng; hỗ trợ công tác tuyên truyền, khả năng tìm kiếm, tiếp cận thông tin, góp phần đổi mới công tác thông tin và nâng cao nhận thức, hiệu quả sử dụng và quản lý Nhà nước trong lĩnh vực xây dựng.
Hoàn thành Khung chương trình đào tạo theo định hướng mới làm cơ sở biên soạn tài liệu giảng dạy trong các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực ngành Xây dựng có lồng ghép các nội dung đổi mới trong các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng.
Nhìn chung, Đề án đã được triển khai một cách tích cực, có tính lan tỏa, đổi mới hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật có tính hệ thống, đồng bộ, đáp ứng hội nhập quốc tế và phát triển bền vững. Kết quả của Đề án đã có tác động lớn, mang lại hiệu quả tích cực đối với xã hội và trực tiếp nâng cao năng suất chất lượng, đảm bảo an toàn, bảo vệ tài nguyên, môi trường, tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải trong các hoạt động xây dựng.