Vụ kiện bản quyền vở Ngày xưa: Đề nghị giữ nguyên bản án sơ thẩm

Đại diện Viện KSND đề nghị giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm, việc nghị án sẽ diễn ra vào ngày mai và tuyên án vào đầu tuần tới...

Ngày 15/11, TAND Cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa phúc thẩm kháng cáo của Công ty Tuần Châu Hà Nội và đạo diễn Việt Tú liên quan tới vở diễn "Ngày xưa".

Phiên tòa lần này, đạo diễn Hoàng Hữu Nhật Nam được triệu tập tới. Ở phiên xét xử trước đó, ông Nam không được triệu tập.

Ngoài phần xét hỏi và tranh luận giữa các bên, diễn biến đáng chú ý tại phiên tòa là những ý kiến của đạo diễn Nhật Nam khi được chủ tọa cho phép nêu ý kiến.

Đạo diễn Nhật Nam phản đối phán quyết của tòa sơ thẩm khi tuyên Tinh hoa Bắc Bộ là phái sinh của Ngày xưa và khẳng định Tinh hoa Bắc Bộ là tác phẩm riêng biệt, không sử dụng lại của đạo diễn Việt Tú bất cứ điều gì.

Đại diện Công ty Tuần Châu.

Đại diện Công ty Tuần Châu.

Vị đạo diễn cũng đưa ra bằng chứng để chứng minh những điểm khác nhau giữa hai vở diễn. Tuy nhiên, chủ tọa phiên tòa cho rằng, ở phiên sơ thẩm, Công ty Tuần Châu cho biết bản gốc của vở Tinh hoa Bắc Bộ đã bị thất lạc, nay đạo diễn Nhật Nam lại nói có nên đặt ra nghi vấn đây có phải bản gốc hay không.

Ở phía bên kia, Công ty DS cũng đưa ra những bằng chứng thể hiện vở Tinh hoa Bắc Bộ là phái sinh của vở Ngày xưa.

Phiên tòa kéo dài đến gần 20h cùng ngày. Đại diện Viện KSND đề nghị giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm.

Ngay sau khi đại diện Viện KSND đưa ra đề nghị, HĐXX đã hội ý tại chỗ và nhận thấy cần phải có bản án chi tiết, do đó nghị án kéo dài. Thẩm phán chủ tọa phiên tòa tuyên bố kết thúc phiên xét xử. Việc nghị án sẽ diễn ra vào mai (thứ Bảy, ngày 16/11) và tuyên án vào sáng thứ Hai tuần tới.

Đạo diễn Việt Tú.

Đạo diễn Việt Tú.

Ngày 16/11/2015, Công ty Tuần Châu và Công ty DS ký hợp đồng nguyên tắc, thống nhất giao Công ty DS tư vấn, thiết kế mỹ thuật, dàn dựng chương trình cho dự án trình diễn thực cảnh của Tuần Châu, xây dựng kịch bản "Ngày xưa" (hay còn gọi là "Thuở ấy xứ Đoài") để biểu diễn tại khu du lịch Tuần Châu Hà Nội (huyện Quốc Oai).

Sau đó, Công ty Tuần Châu và đạo diễn Việt Tú xảy ra tranh chấp, khởi kiện ra Tòa về bản quyền vở diễn.

Tháng 3/2019, TAND TP Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án. Theo đó, HĐXX sơ thẩm Tòa Dân sự TAND Hà Nội nhận định đạo diễn Việt Tú là tác giả của vở diễn "Ngày xưa", còn Công ty Tuần Châu là chủ sở hữu kịch bản. Tòa chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Công ty Tuần Châu buộc phía đạo diễn Việt Tú chuyển giao quyền sở hữu kịch bản vở diễn "Ngày xưa" nhưng không chấp nhận yêu cầu bồi thường hơn 6 tỉ đồng của Công ty DS do không có căn cứ.

Cùng với đó, HĐXX cũng chấp nhận một phần yêu cầu phản tố của Công ty DS. Qua các tài liệu, chứng cứ, tòa xác định "Tinh hoa Bắc Bộ" là tác phẩm phái sinh (được tạo ra từ một yếu tố gốc bằng cách thêm, bớt hay biến đổi một vài thành tố nào đó) của vở "Ngày xưa". Tòa yêu cầu Công ty Tuần Châu Hà Nội chi trả 660 triệu đồng là tiền lãi cho các khoản chậm thanh toán và 10% doanh thu bán vé như cam kết.

Đạo diễn Nhật Nam so sánh những phân cảnh của hai vở diễn.

Đạo diễn Nhật Nam so sánh những phân cảnh của hai vở diễn.

Sau khi án sơ thẩm tuyên, cả hai phía Công ty Tuần Châu và Công ty DS đều làm đơn kháng cáo.

Phía Công ty Tuần Châu kháng cáo đề nghị Tòa cấp phúc thẩm chấp nhận yêu cầu bồi thường thiệt hại của Công ty Tuần Châu đối với Công ty DS; đồng thời đề nghị Tòa cấp phúc thẩm không chấp nhận nội dung bản án sơ thẩm tuyên kịch bản "Tinh hoa Bắc Bộ" là tác phẩm phái sinh của kịch bản "Ngày xưa" và phần tuyên Công ty Tuần Châu phải thanh toán tiền cho Công ty DS theo yêu cầu phản tố.

Phía Công ty DS kháng cáo đề nghị Tòa cấp phúc thẩm buộc Công ty Tuần Châu phải thực hiện một số điều kiện thì Công ty DS mới chuyển quyền sở hữu vở diễn thực cảnh "Ngày xưa" cho Công ty Tuần Châu.

Xuân Hinh

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/vu-kien-ban-quyen-vo-ngay-xua-de-nghi-giu-nguyen-ban-an-so-tham-555719.html