Vụ kiện quấy rối tình dục rúng động Trung Quốc

Nạn nhân Zhou Xiaoxuan buộc phải giữ im lặng trong thời gian dài do lo sợ sự nghiệp của bố mẹ bị ảnh hưởng bởi vụ việc quấy rối tình dục.

Tháng 7/2018, mạng xã hội Trung Quốc chấn động khi người dẫn chương trình nổi tiếng Zhu Jun (sinh năm 1964) bị tố cáo sờ soạng và cưỡng hôn một nữ nhân viên.

Nạn nhân là Zhou Xiaoxuan (sinh năm 1993). Vụ việc xảy ra vào năm 2014, khi cô còn là thực tập sinh tại đài truyền hình quốc gia CCTV.

 Nạn nhân Zhou Xiaoxuan. Ảnh: New York Times.

Nạn nhân Zhou Xiaoxuan. Ảnh: New York Times.

Zhou đâm đơn kiện lên tòa án, yêu cầu khoản bồi thường trị giá 7.600 USD cùng một lời xin lỗi công khai từ phía nam MC. Tuy nhiên, ông Zhu phủ nhận mọi cáo buộc, đồng thời kiện ngược lại nạn nhân vì tội phỉ báng, bôi nhọ thanh danh của ông.

Vụ kiện khơi mào

Ngày 2/12 vừa qua, phiên tòa về vụ quấy rối tình dục này được đưa ra xét xử tại tòa án nhân dân quận Hải Điến (Bắc Kinh). Zhou gọi vụ việc của cô là “bước đệm lớn” cho chiến dịch #MeToo còn non trẻ tại Trung Quốc.

“Tôi rất lo lắng. Nhưng cho dù vụ kiện này thắng hay bại, nó đều có ý nghĩa”, cô chia sẻ với AFP.

 MC quốc dân Zhu Jun bị tố cáo quấy rối tình dục thực tập sinh kém gần 30 tuổi. Ảnh: Wikipedia.

MC quốc dân Zhu Jun bị tố cáo quấy rối tình dục thực tập sinh kém gần 30 tuổi. Ảnh: Wikipedia.

Trước phiên điều trần, đám đông biểu tình tụ tập bên ngoài tòa án để ủng hộ Zhou và yêu cầu một câu trả lời xác đáng về hành động của nam MC danh tiếng.

“Tôi hy vọng vụ việc của mình sẽ giúp cải thiện hệ thống luật pháp của Trung Quốc”, nạn nhân cho biết.

Vào mùa hè năm 2014, khi còn là một sinh viên ngành điện ảnh triển vọng, Zhou và một thực tập sinh khác được mời đến phỏng vấn Zhu tại phòng nghỉ của ông.

Zhu Jun vốn là một MC kỳ cựu với hơn 25 năm kinh nghiệm trong nghề. Người này được biết đến nhiều nhất với vai trò dẫn chương trình chào đón Tết Nguyên đán hàng năm - một chương trình trực tiếp hơn 700 triệu lượt theo dõi.

Tại phòng nghỉ, sau khi thực tập sinh còn lại đã rời đi, ông Zhu liền chộp lấy bàn tay của Zhou và nói rằng ông ta biết xem tướng số. Sau đó, người này kéo nạn nhân lại và bắt đầu cưỡng hôn. Zhou đã cố gắng chống cự nhưng bất thành. Sự việc chỉ dừng lại khi có người gõ cửa phòng.

Nạn nhân vội chạy đến đồn cảnh sát để trình bày sự việc. Tuy nhiên, các sĩ quan cảnh sát khuyên cô gái không nên tố cáo vì ông Zhu là “một người có ích cho xã hội”.

Hơn nữa, họ cho rằng vụ việc có thể gây ảnh hưởng đến sự nghiệp của bố mẹ Zhou. Được biết, bố cô là một công chức, mẹ làm việc tại công ty nhà nước, theo New York Times.

Vì vậy, trong suốt 4 năm tiếp theo, Zhou giữ im lặng. Cô chỉ kể vụ việc với bố mẹ và những người bạn thân nhất của mình vì lo sợ sẽ bị người khác hiểu lầm.

 Zhou bên ngoài tòa án hôm 2/12. Ảnh: AFP.

Zhou bên ngoài tòa án hôm 2/12. Ảnh: AFP.

Tới tháng 7/2018, Zhou bắt gặp một bài đăng #MeToo từ một người bạn thuở ấu thơ từng bị hành hung. Xúc động trước câu chuyện của bạn, cô quyết định sẻ chia vụ việc đáng tiếc của mình.

“Tôi muốn bạn bè của mình biết rằng phong trào #MeToo không phải điều gì xa xôi, trái lại rất gần gũi với họ”, cô nói.

Lần đầu tiên

Những người ủng hộ quyền phụ nữ ở Trung Quốc cho biết Zhou là một tấm gương điển hình giúp khích lệ các nạn nhân khác lên tiếng.

Huang Yizhi, một luật sư ở Bắc Kinh chuyên xử lý các vụ án phân biệt giới tính, cho biết: “Ngày càng có nhiều lớp trẻ dám đứng lên cất tiếng nói. Họ chẳng còn sợ hãi gì nữa”.

Tuy nhiên, Zhou khiêm tốn cho rằng cô đã gặp may mắn khi được truyền thông địa phương chú ý rộng rãi. Trước đây, không ít phụ nữ đấu tranh chỉ để được lắng nghe. Thậm chí, vụ án của họ không được cảnh sát tiếp nhận.

“Những trở ngại mà các nạn nhân khác phải đối mặt đều nằm ngoài sức tưởng tượng của tôi”, cô thừa nhận.

Một số học giả về nữ quyền tin rằng đây là lần đầu tiên một cuộc tranh luận như vậy xuất hiện ở Trung Quốc.

Theo New York Times, chính phủ Trung Quốc đã kiểm soát chặt chẽ các cuộc thảo luận về vấn đề giới. Các quan chức đã cấm hashtag #MeToo. Năm 2015, một số nhà hoạt động về giới cũng bị bắt giữ.

Tuy vậy, trên mạng xã hội Weibo, hashtag #NoPerfectVictim đã thu hút hơn 17 triệu lượt xem, với hơn 22.000 bài đăng và bình luận. Rất nhiều trong số đó chia sẻ việc họ là nạn nhân của tấn công tình dục.

"Đây là lần hiếm hoi nạn nhân thực sự được lắng nghe, sự đấu tranh không rơi vào im lặng, và phong trào #MeToo không bị chặn lại", Lü Pin, biên tập viên, nhà sáng lập nền tảng vận động cho quyền phụ nữ tại Trung Quốc, nói với New York Times.

Hồng Chang (Theo Guardian, New York Times)

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/vu-kien-quay-roi-tinh-duc-rung-dong-dai-truyen-hinh-trung-quoc-post1159114.html