Vụ kiện thương mại hi hữu: Đơn khởi kiện dựa theo 'trí tưởng tượng' của nguyên đơn
LTS: Vụ kiện liên quan đến dịch vụ đô thị tại TP.HCM - tranh chấp hợp đồng thuê mặt bằng, có yếu tố doanh nghiệp nước ngoài mà số tiền phía nguyên đơn đòi bồi thường lên tới 110,5 tỉ đồng (làm tròn) đang nhận được sự quan tâm của dư luận xã hội. Sau hai phiên xét xử của Tòa án Nhân dân quận 10, như Người Đô Thị đã đưa tin, dù nhiều thông tin đã được minh định nhưng vẫn còn không ít vấn đề cần được làm sáng tỏ thêm.
Trong thời gian chờ Hội đồng xét xử nghị án, đã xuất hiện thêm những góc tiếp cận pháp lý đáng chú ý từ những người hành nghề liên quan đến lĩnh vực pháp luật. Để cung cấp thêm góc nhìn đa chiều về vụ việc cho bạn đọc, Người Đô Thị giới thiệu bài viết của Luật gia Phan Văn Tân đăng tải trên Luật sư Việt Nam Online (lsvn.vn) - Cơ quan ngôn luận của Liên đoàn Luật Sư Việt Nam. Dưới đây là nội dung bài viết.
Ngày 07.6.2019, Công ty An Lạc (nguyên đơn) đã gửi Đơn Khởi kiện Công ty TNHH MTV Marone (bị đơn) lên TAND quận 10, TP. HCM cho rằng, Marone đã chấm dứt Hợp đồng Thuê và yêu cầu bồi thường gần 119 tỉ đồng. Đơn khởi kiện “kể tội” bị đơn vi phạm hợp đồng và gây thiệt hại cho nguyên đơn?.
Vụ kiện xuất phát từ việc ngày 20.2.2017, bị đơn (Công ty TNHH MTV Marone) ký với nguyên đơn (Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Tổng hợp An Lạc) một bản Hợp đồng thuê mặt bằng tại 332 Lũy Bán Bích (Hòa Thạch, Tân Phú, TP.HCM) với mục đích nêu tại hợp đồng: phát triển siêu thị tại mặt bằng và cho thuê lại một phần diện tích thuê – thời hạn thuê 20 năm. Thực hiện hợp đồng, bị đơn (Marone) đã trả ngay cho nguyên đơn (An Lạc) tiền thuê 05 năm và đặt cọc tiền thuê 1 năm, tổng số tiền lên tới 37 tỉ đồng. Trong quá trình triển khai thực hiện hợp đồng, bị đơn Marone đã chủ động đề nghị hai bên thương lượng để bàn phương án xử lý do việc kinh doanh của mình gặp khó khăn.
Hồ sơ vụ việc cho thấy, tuy là bên gặp khó khăn đến mức phải đóng cửa siêu thị, chịu nhiều tổn thất, nhưng Marone đã minh bạch, thiện chí trong việc thực hiện Hợp đồng cũng như giải quyết các vấn đề phát sinh, khi đã thông báo rất sớm cho An Lạc để cùng thương lượng giải quyết. Mặc dù, theo quy định tại Hợp đồng, Marone có quyền chấm dứt Hợp đồng theo Điều 23.1(b) vào cuối thời hạn 05 năm và đã thanh toán toàn bộ số tiền thuê cho 05 năm này, nhưng đã rất sớm chia sẻ tình hình khó khăn trong việc kinh doanh với An Lạc và đề xuất tìm kiếm giải pháp có lợi cho cả hai bên (như tại Công văn ngày 21.01.2019).
Ngày 11.3.2019, Marone gửi công văn trao đổi với Giám đốc An Lạc đề xuất hợp tác để cùng bàn phương án giải quyết khó khăn, nhưng Giám đốc An Lạc có vẻ nhầm tưởng là đề xuất chấm dứt Hợp đồng – thể hiện trên công văn trả lời ngày 19.3.2019. Tổng Giám đốc Marone đã gửi lại công văn phản hồi ngày 18.4.2019 khẳng định việc không thông báo chấm dứt Hợp đồng mà chỉ trao đổi, tìm kiếm giải pháp tháo gỡ khó khăn trên tinh thần thiện chí hợp tác.
Đáp lại, An Lạc gửi công văn ngày 19.3.2019 không đồng ý chấm dứt Hợp đồng thuê trước hạn, cho rằng đây là “Hợp đồng không hủy ngang”, trong khi đó Hợp đồng có các quy định rõ ràng về vấn đề này.
Ngày 20.5.2019, Marone lại gửi công văn nói rõ: “Sẽ đóng cửa siêu thị trong thời gian tìm kiếmmột đối tác để chuyển nhượng lại hoạt động của siêu thị.
Trái với nội dung quy định tại hợp đồng và các quy định của pháp luật về chấm dứt hợp đồng, An Lạc ra công văn ngày 31.5.2019 khẳng định “coi việc đóng cửa hàng và việc dừng hoạt động bán lẻ là vi phạm, tự động chấm dứt Hợp đồng”. Về pháp lý, việc đóng cửa siêu thị và chấm dứt Hợp đồng thuê là 02 việc hoàn toàn khác nhau. Hợp đồng thuê không có quy định hay thỏa thuận về nội dung Marone đóng cửa siêu thị tức là Marone đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê và không có chỗ nào quy định nếu Marone đóng cửa siêu thị mang thương hiệu Auchan đồng nghĩa với việc Marone vi phạm hợp đồng thuê.
Với tinh thần thiện chí và hợp tác, ngày 04.6.2019, Marone đã lập tức có công văn đề nghị An Lạc “thu xếp một buổi làm việc giữa các bên để có thể trao đổi cụ thể hơn về vấn đề này”.
Tuy nhiên, thay vì thiện chí hợp tác và thực hiện đúng chủ tương của Chính phủ về khuyến khích đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, ngày 07.6.2019 nguyên đơn đã khởi kiện bị đơn ra tòa đòi bồi thường tổng số tiền gần 119 tỉ đồng Việt Nam đối với bị đơn là một công ty TNHH được thành lập tại Việt Nam và có vốn đầu tư Hà Lan. Đơn khởi kiện của An Lạc đã đưa ra những thông tin không đúng sự thật, không đúng với thực tế trong hồ sơ vụ việc, như: “Marone không thông báo cho An Lạc về các dự định chấm dứt hợp đồng của họ”; trong khi đoạn đầu đơn khởi kiện lại xác nhận Marone gửi các văn bản thông báo về đề xuất chấm dứt Hợp đồng thuê.
Hồ sơ vụ việc cho thấy, nội dung đơn khởi kiện hoàn toàn trái với thực tế đã diễn ra và căn cứ “kể tội” bị đơn nêu trong đơn là không có. Bởi hợp đồng không bị vi phạm và nguyên đơn chưa hề có thiệt hại một đồng nào cả. Thực tế, số tiền đã chuyển cho nguyên đơn đủ bằng số tiền thuê 05 năm và 01 năm tiền đặt cọc nên việc đóng cửa hàng cũng như dừng hoạt động tại địa điểm thuê không ảnh hưởng gì đến thực hiện hợp đồng thuê mặt bằng.Hồ sơ vụ việc thể hiện rõ rằng, vào thời điểm tháng 6.2019, không có chuyện đơn phương chấm dứt hợp đồng như đơn khởi kiện đã nêu, mà Marone đang thực hiện đúng hợp đồng và đang thực hiện tiến trình thương thảo để cùng bàn thảo giải pháp phù hợp.
Marone đã đóng đủ tiền thuê cho 05 năm đầu tiên và quy định tại Hợp đồng cho phép Marone có quyền tiếp tục sử dụng mặt bằng để kinh doanh siêu thị dưới một thương hiệu khác. Do đó, sau khi An Lạc từ chối đề nghị chấm dứt hợp đồng thuê trước thời hạn, Marone đã khẳng định là tiếp tục thực hiện hợp đồng bằng cách tìm kiếm đối tác khác để hợp tác hoặc chuyển nhượng.
Trái lại, hành vi khởi kiện ra tòa này đã gây tổn tổn hại nghiêm trọng về uy tín thương hiệu và quan hệ cộng đồng của một đối tác là nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam làm ăn theo chủ trương của Chính phủ.
Về mặt truyền thông, trong khi tòa chưa kịp phân xử “trắng đen phải trái” thì xuất hiện nhiều bài báo với những tựa đề gây tổn hại danh tiếng cho thương hiệu mà bị đơn kinh doanh. Trong khi bị đơn chỉ là Marone, một pháp nhân độc lập trong nước được quyền sử dụng thương hiệu thôi.
Trong vụ kiện này, bị đơn là Marone ký hợp đồng thuê mặt bằng xuất phát từ nhận định Việt Nam có thị trường nội địa với hơn 90 triệu dân, cho nên Marone – một trong những công ty con của Công ty TNHH Marc, cũng được thành lập tại Việt Nam và do một nhà đầu tư tại Hà Lan sở hữu 100% vốn điều lệ, đã mạnh dạn đầu tư vào siêu thị bán lẻ mang thương hiệu Auchan và kinh doanh dưới thương hiệu này.
Phán quyết về vụ kiện hy hữu này thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án. Song, hi vọng mọi việc sẽ được xử lý đúng với quy định của pháp luật, của nội dung hợp đồng thuê mặt bằng hai bên đã ký và trên cơ sở thực tế khách quan, đúng như diễn biến thực tế của vụ việc đã thể hiện trên hồ sơ vụ kiện.