Vụ kiện 'trái đắng' cà phê Thái Hòa - Mường Ảng
Niềm vui của 24 hộ dân trên cũng mở ra niềm hi vọng cho những hộ dân đã 'góp vốn' vào Thái Hòa - Mường Ảng. Các hộ dân tiếp tục tìm đến Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước (TTTGPLNN) để được trợ giúp. Từ 2014 - 2018, TTTGPLNN đã hoàn thành việc đại diện tham gia tố tụng, đòi lại quyền sử dụng đất và bảo vệ các quyền lợi hợp pháp cho gần 500 hộ dân trên địa bàn huyện Mường Ảng.
Nguy cơ mất đất vì nghe lời “góp vốn”
Với sự giúp đỡ của TTTGPLNN tỉnh Điện Biên, 24 hộ dân xã Nặm Lịch, huyện Mường Ảng cùng chung tâm trạng hoan hỉ khi phiên tòa phúc thẩm kết thúc. Vụ kiện mở ra tia hi vọng đòi lại quyền sử dụng đất của hàng ngàn hộ dân thuộc hai huyện Mường Ảng, Tuần Giáo.
Là người đầu tiên tham gia đại diện theo ủy quyền, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho 24 hộ dân xã Nặm Lịch, trợ giúp viên pháp lý (TGV) Đỗ Xuân Toán, Giám đốc TTTGPLNN Điện Biên cho biết, câu chuyện bắt đầu khi Công ty cổ phần Cà phê Thái Hòa chi nhánh Mường Ảng vận động người dân hai huyện góp đất, góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất (QSDĐ) để trồng và phát triển cây cà phê nhằm xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế.
Năm 2009 - 2010, hàng nghìn hộ dân Mường Ảng, Tuần Giáo đem QSDĐ góp vốn với Thái Hòa - Mường Ảng. Tuy nhiên, sau thời gian đầu triển khai, chỉ 3 - 4 năm sau công ty bỏ bê, không đầu tư, chăm sóc cây cà phê; thanh toán tiền công, lợi tức cho người dân như đã cam kết. Cuối năm 2014 Thái Hòa – Mường Ảng lặng lẽ dừng hoạt động, để lại những đồi cà phê cằn cỗi, không có giá trị thu hoạch.
Nông dân rơi vào tình cảnh, tiếp tục phát triển cây cà phê không được; chặt đi trồng thứ cây khác cũng không xong; bởi toàn bộ QSDĐ của người dân đã bị DN đem đi thế chấp vay vốn ngân hàng. Cây cà phê tưởng chừng là thứ cây “xóa đói, giảm nghèo” theo viễn cảnh ban đầu DN vẽ ra, lúc này trở thành thứ “cây đắng, cây tái nghèo” với nông dân.
Trước tình cảnh đó, nhiều hộ dân tìm đến TTTGPLNN Điện Biên đề nghị được hỗ trợ pháp lý. Thấu hiểu khó khăn bởi đất đai là tư liệu sản xuất chính không còn, nông dân không thể làm nương lấy thóc, không công ăn việc làm, TTTGPLNN lập tức vào cuộc.
TTTGPLNN đã thu thập tài liệu, hướng dẫn 24 hộ dân ủy quyền cho TGV Đỗ Xuân Toán khởi kiện Thái Hòa – Mường Ảng ra TAND huyện Mường Ảng; đồng thời cử ông Toán là người tham gia tố tụng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các hộ dân.
Vụ thắng kiện mở ra niềm hi vọng mới
Với chứng cứ tài liệu xác thực và lý lẽ thuyết phục của TGV, cấp sơ thẩm đã chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nông dân. Tuy nhiên, niềm vui chưa được bao lâu thì người dân lại thấp thỏm, lo âu khi hay tin Ngân hàng NN&PTNT chi nhánh Mường Ảng (bên có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan) kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm. Một lần nữa, 24 hộ dân lại gửi gắm niềm tin vào TTTGPLNN và TGV.
Ngày 14/1/2016, TAND Điện Biên mở phiên phúc thẩm. Bản án số 10/2016/DSPT-TCQSDĐ giữ nguyên bản án sơ thẩm, đồng nghĩa với việc toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nông dân được chấp nhận; 24 hộ dân được trả lại toàn bộ diện tích đất và “sổ đỏ”.
Niềm vui của 24 hộ dân trên cũng mở ra niềm hi vọng cho những hộ dân đã “góp vốn” vào Thái Hòa - Mường Ảng. Các hộ dân tiếp tục tìm đến TTTGPLNN để được trợ giúp. Từ 2014 - 2018, TTTGPLNN đã hoàn thành việc đại diện tham gia tố tụng, đòi lại QSDĐ và bảo vệ các quyền lợi hợp pháp cho gần 500 hộ dân trên địa bàn huyện Mường Ảng, giúp nông dân có lại đất để sản xuất, củng cố niềm tin của người dân, góp phần ổn định tình hình an ninh trên địa bàn.
TGV Đỗ Xuân Toán cho biết, tại Tuần Giáo, từ năm 2014, khi Công ty Thái Hòa dừng hoạt động, tình cảnh những nông dân đã là những “cổ đông” của Công ty cổ phần cà phê Thái Hòa cũng tương tự. Mới đây, TTTGPLNN đã được đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý của người dân tại hai xã Quài Cang, Quài Nưa của huyện Tuần Giáo. TTTGPLNN đã tiếp tục cử người thực hiện trợ giúp pháp lý đại diện để chuẩn bị hồ sơ khởi kiện cho các nông dân này. Tiếp đến, người thực hiện TGPL tiếp tục nhận sự ủy quyền của nông dân để tham gia tố tụng nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nông dân, đòi lại QSDĐ đã góp vào Công ty cà phê Thái Hòa.