Vụ Kim Huệ, Hoài Thu: Lỗ hổng quy chế chuyển nhượng bóng chuyền và sự bất thường của VFV
Quy chế chuyển nhượng môn bóng chuyền không có quy định cấm HLV, VĐV đang còn hợp đồng với đội bóng này được phép đàm phán với đội bóng khác.
Vụ việc của HLV Phạm Thị Kim Huệ đang gây ảnh hưởng tới hình ảnh bóng chuyền Việt Nam.
Điều 7 Quy chế chỉ quy định: CLB muốn nhận chuyển nhượng VĐV phải thông báo bằng văn bản cho CLB có VĐV về việc xem xét chuyển nhượng. Thỏa thuận chuyển nhượng VĐV phải được lập thành văn bản có chữ ký của lãnh đạo 2 CLB (có dấu xác nhận) và VĐV tham gia chuyển nhượng.
Khoản 3, Điều 7 quy định sau khi ký thỏa thuận các bên phải tiến hành các thủ tục về chấm dứt và ký kết hợp đồng mới với VĐV theo quy định của pháp luật và quy chế chuyển nhượng.
Trong vụ việc của HLV Phạm Thị Kim Huệ và 3 VĐV Ninh Anh, Phương Anh và Thu Hoài, cả 4 đã thỏa thuận đầu quân cho Bamboo Airways Vĩnh Phúc, được nhận tiền “hỗ trợ thanh lý hợp đồng” tổng cộng 9 tỷ. Tuy nhiên sau đó thỏa thuận không thành, HLV Kim Huệ và các VĐV đã trả lại tiền cho Vĩnh Phúc. Phía Vĩnh Phúc tố cáo lên Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam (VFV) và sau đó Chủ tịch Lê Văn Thành dù không triệu tập Kim Huệ và các VĐV vẫn ra phán quyết kỷ luật cả 4 với lập luận “làm rối loạn bóng chuyền Việt Nam”.
Trên một tờ báo, ông Lê Văn Thành thậm chí cho rằng Kim Huệ và các VĐV không đứng đắn, đã “đi đêm” với CLB khác.
Ở đây cần thấy rõ, Quy chế chuyển nhượng bóng chuyền không cấm VĐV đang còn hợp đồng với một CLB này được phép đàm phán, thỏa thuận với đơn vị khác. Như vậy nói Kim Huệ và các VĐV “đi đêm” như ông Lê Văn Thành phát biểu là chưa chính xác.
Trả lời Tiền Phong, TTK VFV Lê Trí Trường cũng thừa nhận, đây là lỗ hổng của bóng chuyền Việt Nam.
Ngoài lỗ hổng trong quy định chuyển nhượng, một câu hỏi cần đặt ra là nếu cho rằng Kim Huệ và các VĐV “đi đêm”, vì sao ông Lê Văn Thành và VFV không xử lý Vĩnh Phúc? Dư luận có quyền đặt câu hỏi về sự trong sáng của VFV, khi nhà tài trợ Vĩnh Phúc cũng tài trợ cho VFV và giải Vô địch bóng chuyền quốc gia. HLV Phạm Thị Kim Huệ có thể nói là một tượng đài của bóng chuyền Việt Nam, có nhiều đóng góp cho môn bóng chuyền trong gần 20 năm. Vụ việc đang gây ảnh hưởng tới hình ảnh môn bóng chuyền một cách nghiêm trọng, có thể nói có nguyên nhân một phần từ cách ra án kỷ luật kỳ lạ của VFV.
Bộ VH-TT&DL, Tổng cục TDTT có lẽ không thể đứng ngoài cuộc. Xin được cho biết thêm, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn hiện đang là Phó chủ tịch thường trực VFV.