Vụ làm loạn ở siêu thị tại Quận 7, TPHCM: Vấn đề pháp lý trong khởi tố bị can

Trong suốt thời gian chống dịch vừa qua cả nước cũng đã xử phạt rất nhiều đối tượng vi phạm hành chính và hình sự liên quan đến phòng chống dịch bệnh.

Bị can Hồ Hữu Nhân làm việc với Công an Quận 7.

Bị can Hồ Hữu Nhân làm việc với Công an Quận 7.

Cơ quan CSĐT Công an Q.7 (TPHCM) cho biết đã chấp thuận cấp giấy chứng nhận bào chữa cho luật sư Trịnh Vĩnh Phúc (Đoàn Luật sư TPHCM) là người bào chữa cho bị can Hồ Hữu Nhân - người tự xưng “Ban chỉ đạo chống dịch” làm náo loạn siêu thị tại Quận 7, TPHCM. Ông Nhân cũng bị tạm hoãn xuất cảnh, cấm đi khỏi nơi cư trú từ ngày 31/8 đến ngày 29/10, để phục vụ việc xác minh, điều tra.

Ông Hồ Hữu Nhân (SN 1982, ngụ Quận 7, TPHCM) bị Cơ quan CSĐT Công an Quận 7 khởi tố về hành vi “Giả mạo chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác” vào ngày 1/9, để điều tra về tội “Giả mạo chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác” được quy định tại Điều 339 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Ngày 6/9, trao đổi với Báo GD&TĐ, TS Bùi Kim Hiếu - Trưởng khoa Luật Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TPHCM (HUFLIT) cho rằng, cách hành xử thiếu kiềm chế và hung hăng của ông Nhân vào thời điểm cả nước và TPHCM đang gồng mình chống dịch và thực hiện nghiêm chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ là đáng lên án và cần xử lý để răn đe nhưng cũng cần đảm bảo đúng quy định pháp luật.

“Trong video được tung lên mạng vào ngày 29/8, ông Nhân với hành động cãi cọ với bảo vệ trong đó chỉ nói 1 câu “tui là ban chỉ đạo Quận 7 nha”. Sau đó, công an Quận 7 đã khởi tố tội giả mạo chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác, mà cụ thể đó là “giả mạo thành viên ban chỉ đạo Quận 7” là chưa thuyết phục và chưa rõ ràng” - TS Bùi Kim Hiếu nhận định.

Theo TS Bùi Kim Hiếu, cần phân tích nguyên nhân, mục đích, kết quả phạm tội của ông Nhân tại siêu thị vợ ông Nhân mua sữa cho con nhưng bị từ chối vì siêu thị hiện chỉ bán online.

Sau đó, ông Nhân đi vào hùng hổ yêu cầu được vào mua và được gặp bảo vệ, trong suốt quá trình nói ông nhân vẫn luôn cầm 1 cái thẻ trong tay nhưng không rõ trên thẻ nội dung là gì có tên ông Nhân, chức vụ hay không…

Mặc khác, nếu hành vi vi phạm cụ thể rõ ràng là ông Nhân xưng hô là thành viên ban chỉ đạo, đang thực hiện nhiệm vụ mua hàng, có thẻ tên ông Nhân dẫn đến bảo vệ nhân viên của siêu thị tin tưởng hiểu nhầm rằng ông Nhân là thành viên ban chỉ đạo đang thực hiện nhiệm vụ chung nên để ông Nhân vào siêu thị mua thì rõ ràng là có giả mạo và có hậu quả xảy ra.

Kết quả từ hành vi giả mạo trái pháp luật dẫn đến hậu quả đã xảy ra. Thực tế, tội này bị khởi tố thời gian qua thông thường có thẻ ngành, bảng tên, giấy tờ chứng minh chức vụ, cấp bậc chứ không đơn thuần chỉ “hét miệng” thì khởi tố.

Bên cạnh đó, Cơ quan CSĐT cũng cần làm rõ thẻ ông Nhân đưa ra là thẻ gì? mục đích sử dụng? phạm vi ra sao? từ đó làm rõ có những hành vi giả mạo theo Điều 339 BLHS 2015 hay không?

“Có thể nói rằng, vụ án tưởng chừng như đơn giản, nhưng nếu không kiềm chế được bản thân thì sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Ngoài việc bị lên án, xử phạt thì còn bị hình phạt về tinh thần trách nhiệm của bản thân, gia đình và xã hội.

Các cơ quan truyền thông báo chí cũng đều thông tin rộng rãi để tuyên truyền. Bởi vậy, nếu có hành vi vi phạm chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì cũng phải xử phạt hành chính” - TS Bùi Kim Hiếu chia sẻ.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/phap-luat/vu-lam-loan-o-sieu-thi-tai-quan-7-tphcm-van-de-phap-ly-trong-khoi-to-bi-can-IATbZmI7g.html