Vu Lan của bà ngoại

Nhà tôi nghèo, con đông. Ba tôi sức khỏe yếu nên mẹ, người đàn bà chân yếu tay mềm buộc phải trở thành trụ cột gia đình. Đông con nhưng mẹ bảo đừng đứa nào dốt (như mẹ) rồi bằng mọi giá cho các con đến trường. Gần như phải một mình lo chín đứa con, chuyện không đơn giản với một người phụ nữ nông dân.

Vì cảnh nhà như thế nên mẹ chắt mót từng đồng, tôi từng không dưới chục lần oán thán vì đã đầu thai vào nhà nghèo. Tệ hơn, tôi còn ước có người giàu có nào đó đến nhận con nuôi, tôi sẽ nhận lời liền. Mẹ biết suy nghĩ lầm lạc đó của con gái bé bỏng, chỉ cười chứ không nói gì.

Sau này học xong đại học, xin mẹ lên núi dạy, mẹ không cho, tôi vẫn cãi lời mà đi. Làm cô giáo vùng cao, tôi yêu chàng trai xứ người nghèo rớt mùng tơi. Nhiều người công kích nhưng mẹ không phản đối, mẹ bảo tiền bạc quan trọng thật nhưng tình nghĩa quan trọng hơn.

Hôn nhân được 5 năm, sau cơn giông tố kinh hoàng, tôi đem con về mẹ.

Chuyển chỗ ở, tôi gặp nhiều khó khăn khi phải đi làm xa, trăn trở nhất là con nhỏ. Về nơi ở mới, con trai vốn nhút nhát có nhiều bỡ ngỡ, sợ sệt. Bà ngoại đã săn sóc chu đáo còn dắt đi chơi nhiều cho cháu làm quen, dạn dĩ. Nhà gần chùa, con được những người bạn mới rủ sinh hoạt Gia đình Phật tử, ngoại đồng ý liền.

Con trai về chùa, học được nhiều quy tắc ứng xử lễ phép, khiêm nhường và biết thêm nhiều câu chuyện hay.

Trước Vu Lan, con bất ngờ hỏi sao lại cài hoa hồng trắng, hoa hồng đỏ. Tôi nghĩ cu cậu lên chùa đã ít nhiều biết về Vu Lan. Tôi giải thích hoa hồng thắm đỏ trên ngực người còn mẹ, hoa hồng trắng tinh khôi cài trên ngực người mất mẹ. Dù là hoa hồng đỏ hay trắng thì cũng là con đang về với mẹ. Hoa hồng là biểu tượng bất diệt của tình yêu.

Hôm ấy Vu Lan rơi đúng vào ngày làm việc nặng nề nhất tuần. Tôi phải rời nhà từ lúc còn chưa nhìn rõ mặt nhưng làm xong việc thì trời cũng choạng tối, đêm đó phải trọ ở nội trú cho buổi dạy sáng mai. Những năm trước, Vu Lan nào tôi cũng lên chùa cài lên ngực đóa hồng đỏ thắm để tri ân tình mẹ.

Mẹ tôi mồ côi, không được học hành. Chưa bao giờ tôi nghe mẹ kể chuyện cổ tích hay nói những vấn đề liên quan đến học hành chữ nghĩa. Mẹ chân chất, đặc sệt nông dân. Một bầy con. Mẹ đã mang nặng đẻ đau, ẵm bồng đút mớm, cho ăn học nên người rồi ngày tiễn con về nhà chồng, mẹ dặn “lấy chồng gánh vác giang sơn nhà chồng”. Tôi đã cúc cung tận tụy với nhà chồng như lời mẹ dặn để cuối cùng, khi tan tác tả tơi, tôi ôm tấm thân bách bệnh với một trái tim đầy sẹo về mẹ. Mẹ lại giang tay nâng khi con gái đớn đau vấp ngã. Đêm trên núi không thể cài hoa lên ngực, nghĩ về mẹ, càng nghĩ càng thương.

Chiều hôm sau tôi về nhà. Mẹ vui vẻ kể tôi nghe rằm tháng bảy, cu cháu mời bà ngoại lên chùa dự đêm Vu Lan báo hiếu của Gia đình Phật tử. Bà ngoại đã rất cảm động khi được cháu trai tặng quà, tri ân bà ngoại. Mẹ cười thật bao dung rồi kể về món quà là bức tranh bà dắt cháu đi trên đường. Mẹ mỉm cười nhưng trong đôi mắt trũng sâu những vết nhăn kia, tôi thấy rớm giọt nước mắt hạnh phúc.

Mẹ đã rất vui với món quà của cháu. Niềm vui còn nhân đôi khi tôi nghĩ, con trai đã thay mẹ tri ân bà ngoại, người phụ nữ một đời tảo tần vì con, vì cháu.

NGUYỄN THỊ BÍCH NHÀN

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/93/243242/vu-lan-cua-ba-ngoai.html