Vu Lan đến thương người cài hoa trắng...

Hằng năm, đến mùa Vu Lan - rằm tháng 7 âm lịch, mọi người không ai bảo ai đi viếng chùa để tụng kinh, cúng dường, cầu nguyện cho cửu huyền thất tổ, thân bằng quyến thuộc, cha mẹ quá vãng được về cõi an lành.

Đó là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta đã có tự ngàn xưa. Mùa Vu Lan năm nay diễn ra trong bối cảnh cả nước tập trung thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19, nhưng ý nghĩa của ngày lễ báo hiếu, báo ân không vì thế mà lu mờ.

Phật tử hạnh phúc khi được cài trên ngực áo đóa hồng đỏ thắm trong lễ Vu Lan.

VU LAN VÀ ĐẠO HIẾU

Tích xưa, ngày rằm tháng 7 âm lịch là ngày Tôn giả Mục Kiền Liên tìm thấy mẹ trong tiền kiếp đang sinh trong ngạ quỷ khổ đau mà tự thân ngài không thể cứu được. Mục Kiền Liên được Phật chỉ dạy muốn cứu mẹ phải cúng dường chư tăng, ni.

Nhờ lực phụ trì của chư tăng, ni giúp mẹ ngài chuyển đổi tâm ác, thoát khỏi kiếp ngạ quỷ. Với lòng thành kính của người con thảo, Mục Kiền Liên đã cứu mẹ thoát khỏi kiếp ngạ quỷ để siêu sinh trong giới thiên. Từ đó ngày rằm tháng 7 hằng năm được gọi là ngày báo hiếu, ngày Vu Lan.

Ngày rằm tháng 7, đặc biệt là ngày dành riêng cho thế gian làm tròn chữ hiếu với đấng song thân, vì trên cõi nhân gian này không có công lao nào to lớn bằng công lao cha mẹ. Thế nên, trong dân gian mới nhắc nhớ nhau câu thơ:

Cha sinh ta, mẹ nuôi ta
Nhớ thương cha mẹ xót xa tấm lòng
Nhớ công cực khổ ẵm bồng
Trời cao vời vợi khó mong đáp đền.

Tinh thần hiếu hạnh Phật giáo thấm nhuần trong văn hóa của dân tộc Việt Nam, ca dao có câu: “Dù ai buôn bán đâu đâu/cứ rằm tháng Bảy mưa ngâu thì về”.

Rằm tháng 7 trong ký ức mọi người là ngày xá tội vong nhân, phát tâm làm lành lánh dữ, cúng dường Tam Bảo cầu cho gia quyến bình an và cầu nguyện cho hương linh cha mẹ, tổ tiên quá cố được sanh về cõi an lành. Như vậy, Phật Giáo thực hiện rất sâu sắc về ý nghĩa đạo hiếu.

ĂN CHAY THÁNG BẢY

Khi những đóa sen khép mình về với đất mẹ, ve sầu thôi cất tiếng ngân báo hiệu mùa hạ đã qua, mùa thu đến, giới phật tử lại bước vào mùa báo hiếu, báo ân.

Dịp này họ thường ăn chay, đi lễ chùa để cầu phúc lành cho ông bà, cha mẹ. Ăn chay vào tháng bảy đã trở thành nét văn hóa của người Việt, nét văn hóa ấy đang ngày càng lan rộng.

Thế nên, vừa cuối tháng 6 âm lịch, nhiều loại thực phẩm chay ở chợ như nấm, đậu hủ... cũng nhấp nhỏm tăng giá theo nhu cầu tăng mạnh của thị trường.

Theo nhiều chủ sạp bán thực phẩm chay ở chợ Thạnh Trị, chợ Mỹ Tho, tháng bảy năm nay giá thực phẩm chỉ nhích chút đỉnh chứ không tăng nhiều, nhưng sức mua thì tăng mạnh.

Cô Sáu, chủ cửa hàng thực phẩm chay Tấn Phúc ở chợ Mỹ Tho cho biết: “Dịp tháng bảy này, lượng hàng tôi bán tăng gấp vài lần so với ngày thường. Người ta ăn chay nhiều lắm!”.

Còn cô Tư, chủ lò heo ở huyện Cai Lậy cho biết: “Từ đầu tháng tới nay tôi cho giảm phân nửa số lượng heo mổ mỗi ngày, riêng ngày 14 và rằm thì ngưng không mổ. Tháng bảy là tháng chay, đồ mặn bán không chạy như những tháng bình thường khác”.

Bước sang tháng 7, các quán ăn chay trong TP. Mỹ Tho đều nườm nượp khách. Lượng khách ăn chay nhiều đến nỗi quán bán cơm mặn, như quán cơm Định Tường, ở phường 4, cũng có bán thêm thức ăn chay.

Anh Lê Ngọc Anh Huy, chủ cơ sở ẩm thực Liên Hoa Quán cho biết: “Từ đầu tháng bảy tới nay khách đông, nhất là vào các buổi chiều lượng khách tăng hơn nhiều so với ngày thường, do đó chúng tôi phải tuyển thêm nhân viên phục vụ.

Chúng tôi cũng áp dụng giảm giá hóa đơn thanh toán của thực khách để bày tỏ sự trân trọng. Bên cạnh đó, hằng tháng vào ngày 30, mùng 1, 14 và rằm hằng tháng chúng tôi phát trung bình 800 phần cơm chay cho bà con có hoàn cảnh khó khăn tại TP. Mỹ Tho”.

Ngoài ăn chay, tháng bảy còn là dịp cúng thí, các gian hàng bán vàng mã cũng vào mùa. Năm nay chủng loại vàng mã rất phong phú, giá cả cũng đa dạng.

Nói chung, nhà lầu, xe hơi, quần áo, tiền, vàng… thứ gì cũng có. Tùy theo túi tiền, khách có thể chọn mua các mặt hàng vàng mã từ vài chục ngàn đồng đến vài triệu đồng. Đặc biệt, năm nay vàng mã Trung Quốc áp đảo thị trường do ưu thế về mẫu mã đẹp và màu sắc bắt mắt.

VU LAN CHO NGƯỜI NGHÈO

Vu Lan là mùa báo hiếu, báo ân. Trong mùa Vu Lan, phật tử làm tất cả các thiện pháp để hồi hướng cho tổ tiên, ông bà quá vãng nhiều đời “Đa sanh phụ mẫu”, là nuôi lớn tình thương bình đẳng vô ngã vị tha.

Vì giá trị rộng lớn của chữ hiếu trong triết lý duyên sinh ấy, mỗi người còn phải có trách nhiệm với bao bậc mẹ cha khác trên cuộc đời.

Theo quan điểm đạo Phật, hiếu thuận với cha mẹ là phải hiếu thuận với tất cả mọi người. Với quan niệm ấy, ngoài việc ăn chay, đi chùa, cúng dường, người ta còn làm phước bằng cách tặng quà, giúp đỡ người bất hạnh.

Cô Quyên ở phường 6, TP. Mỹ Tho cho biết: “Chẩn tế vào dịp tháng bảy là việc làm truyền thống của gia đình. Năm nay gia đình tôi đóng góp khoảng 25 triệu đồng để tặng tập cho học sinh nghèo, tặng gạo cho người nghèo trong tỉnh.

Làm được điều đó chúng tôi cảm thấy nhẹ lòng lắm, vì chúng tôi vừa có thể giúp được chút đỉnh cho người khó khăn, vừa tạo phước lành cho cha mẹ, ông bà”.

Tháng bảy mùa thu, mùa Vu Lan lại về, thật hạnh phúc cho những ai còn cha mẹ để yêu thương che chở. Nếu mùa xuân là mùa của hy vọng, mùa của sự khởi đầu một năm dài yêu thương xây dựng, thì Vu Lan là mùa của tưởng niệm nguyện cầu, của ân tình lắng đọng.

Vu Lan về, thật hạnh phúc cho những ai được cài trên ngực áo đóa hoa hồng đỏ thắm và xót xa cho người nhận đóa hoa trắng lẻ loi: “Vu Lan đến thương người cài hoa trắng/Trần gian buồn lại có kẻ mồ côi”.

Trong niềm cảm hoài sâu lắng đó, lòng mỗi người như tràn ngập bao nỗi nhớ thương giữa đôi bờ còn và mất, giữa hiện tại và quá khứ, giữa tri ân và báo ân, giữa hạnh phúc và đau thương mất mát.

THỦY HÀ

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/phong-su-ky-su/202008/vu-lan-den-thuong-nguoi-cai-hoa-trang-907667/