Vu lan, một góc nhìn khác

Nhà văn Trần Trà My

Vu lan, một góc nhìn khác

07:50 AM - 02/09/2020

BPO - Vu lan, mùa của sự tri ân báo hiếu đấng sinh thành đã có công nuôi dưỡng chúng ta nên người. Đó là truyền thống của bao đời nay mỗi khi đến rằm tháng bảy. Nhưng trong bài viết này, xin cho phép tôi được bàn về một góc nhìn khác về vai trò từ những người làm cha mẹ trong thời buổi 4.0 này.

Công việc của tôi một phần có nghiên cứu và tiếp xúc với tội phạm hoặc những người trẻ đang dính dáng đến ma túy. Và quả thật những khi tôi đặt chân đến trại giam hay các cơ sở cai nghiện, lúc ra về tôi thường tự vấn với chính mình rằng: "Nhìn thấy những cảnh tượng như vậy thì liệu mình có đủ dũng khí để sinh con nữa không?".

Nói chính xác ra là liệu khi sinh ra một đứa trẻ trong xã hội hiện nay, thì mình phải nuôi dạy chúng như thế nào? Khi mà cuộc sống ngày nay có những bạn trẻ chỉ mới 12 tuổi đã dính dáng đến ma túy một cách tự nguyện chứ không cần phải có người dụ dỗ hay lôi kéo ép buộc. Tôi đã từng tiếp xúc với một bạn nữ như vậy tại Trung tâm cai nghiện huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước. Tôi hỏi thăm về gia đình em thì được biết ba mẹ đã ly hôn và em sử dụng ma túy đá đến 3 năm gia đình mới phát hiện, rồi mới gửi em vào trung tâm cai nghiện.

Câu chuyện dạng này trong bối cảnh hiện nay không còn là số hiếm nữa rồi. Thật đáng tiếc thay khi ngày nay rất nhiều ông bố, bà mẹ vẫn đang có tư duy rằng mình chỉ cần kiếm thật nhiều tiền, cho con mình học môi trường tốt nhất, trang bị đầy đủ các thiết bị thông minh cho con và bảo bọc nó 24/7 là nó sẽ nên người, sẽ tránh xa những thứ tệ nạn ngoài xã hội.

Nhưng than ôi, tỷ lệ người trẻ tuổi mắc chứng trầm cảm ở Việt Nam đã lên đến con số 30%. Đây là số liệu báo cáo tôi được biết từ năm 2019 đăng trên báo Dân Trí. Những đứa trẻ to xác như những chú gà công nghiệp được nuôi ấp trong cái chuồng với quá nhiều tiện nghi vật chất đắt tiền. Nhưng tâm hồn chúng lại quá chật hẹp nhỏ bé. Vậy thì thử hỏi cha mẹ và xã hội lấy đâu ra cơ sở để đòi hỏi xem sau này chúng lớn lên sẽ trở thành những con người mang tư tưởng lớn, có trách nhiệm với chính cuộc đời mình, chứ chưa nói gì đến việc to tát là có trách nhiệm với xã hội? ...

Chúng ta gào thét, quy kết và đổ lỗi trách nhiệm lên nhau khi nhìn những con số thống kê về tỷ lệ tội phạm trẻ tuổi đang gia tăng mỗi ngày. Biết bao ông bố, bà mẹ ngày nay khi đến tuổi gần xế chiều bắt đầu thấy con mình trở thành những con người bỏ mặc cha mẹ để tranh giành tài sản thừa kế. Đến mức họ có thể lấy mạng sống của nhau và tước đoạt luôn mạng sống của đấng sinh thành ra mình. Đó là những câu chuyện tôi được tiếp xúc trực tiếp khi đến các trại giam tặng sách cho những phạm nhân.

Quả thật, lúc này đây tôi chưa thể đưa ra những giải pháp tốt nhất cho xã hội bớt đi những tội phạm trẻ và tôi cũng chưa được làm mẹ để có thể chia sẻ những kinh nghiệm về việc nuôi dạy con cái. Nhưng điều làm tôi suy nghĩ nhiều nhất là việc mình phải trang bị những kỹ năng gì để chuẩn bị cho sứ mệnh làm cha mẹ sắp tới?

Mùa Vu lan theo ý nghĩa của nhà Phật cũng là mùa xá tội vong linh. Ngày của những linh hồn lầm lỡ được tìm về với hướng thiện, quay về với chánh pháp. Trong đạo Phật hay bất kỳ đạo nào đều có một mục đích tối thiểu là dạy con người phải luôn tin vào luật nhân quả, để tránh xa những điều chưa tốt. Thế nên một đứa trẻ đã được truyền dạy về việc tin vào luật nhân quả, thì khi lớn lên, đối với chúng ngày nào cũng là lễ Vu lan để báo hiếu cha mẹ và trả ơn cuộc đời bằng những công việc làm tử tế!.

Nhà văn Trần Trà My

Nguồn Bình Phước: http://baobinhphuoc.com.vn/content/vu-lan-mot-goc-nhin-khac-5468