Vụ lãnh đạo Hamas bị ám sát: Iran sẽ lựa chọn phản ứng nào?

Loạt diễn biến căng thẳng gần đây đặc biệt vụ lãnh đạo Hamas bị ám sát ở Iran đẩy an ninh Trung Đông vào tình thế 'chỉ mành treo chuông'.

Loạt diễn biến căng thẳng gần đây giữa Israel và các nhóm vũ trang trong trục kháng chiến của Iran, đặc biệt vụ lãnh đạo Hamas bị ám sát ngay tại Iran, có nguy cơ đẩy Trung Đông vào cuộc xung đột quy mô lớn.

Ba cuộc tấn công chỉ trong năm ngày

Vụ việc mới nhất làm căng thẳng leo thang là việc lãnh đạo chính trị Hamas Ismail Haniyeh ngày 31-7 bị ám sát bằng “đạn dẫn đường trên không” ngay tại thủ đô Tehran (Iran) sau khi tham dự lễ nhậm chức của Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian.

Bất chấp việc Israel không thừa nhận đứng sau vụ ám sát, Iran và Hamas cáo buộc Israel thực hiện vụ tấn công và thề sẽ khiến thủ phạm phải “trả giá đắt”.

“Các người đã giết hại vị khách thân yêu của chúng tôi ngay trong nhà chúng tôi và giờ đây chính là hình phạt khắc nghiệt dành cho các người” - Lãnh đạo tối cao Iran Ali Khamenei nói, có thông tin rằng ông Khamenei đã ra lệnh “tấn công trực tiếp vào Israel” sau vụ việc, theo tờ The New York Times.

Về phía Hamas, nhóm này ngày qua đã có những hành động để đáp trả việc ông Haniyeh bị ám sát. Lữ đoàn Al Qassam - cánh quân sự của Hamas - cho biết đã thực hiện “hai hoạt động bắn phá” gần TP Hebron ở Bờ Tây (Palestine, nơi có người Israel sinh sống) và gọi đây là “sự khởi đầu cho một phản ứng nhanh chóng trước vụ ám sát hèn nhát” nhằm vào ông Haniyeh.

 Người dân Iran dự lễ tang của lãnh đạo chính trị Hamas - ông Ismail Haniyeh tại thủ đô Tehran (Iran) ngày 1-8. Ảnh: REUTERS

Người dân Iran dự lễ tang của lãnh đạo chính trị Hamas - ông Ismail Haniyeh tại thủ đô Tehran (Iran) ngày 1-8. Ảnh: REUTERS

Một ngày sau vụ lãnh đạo Hamas bị ám sát, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã họp khẩn về vụ việc và chứng kiến màn đấu khẩu nảy lửa từ các bên liên quan. Tại cuộc họp, Đại sứ Iran tại LHQ Saeed Iravani đổ lỗi cho Mỹ về cái chết của ông Haniyeh, cho rằng vụ việc sẽ không thể xảy ra nếu không có sự cho phép và hỗ trợ tình báo từ Mỹ.

Đáp lại, Phó Đại sứ Mỹ tại LHQ Robert Wood nói rằng Mỹ “không biết và không liên quan đến cái chết của lãnh đạo Hamas Ismail Haniyeh”, đồng thời lưu ý rằng Mỹ “không có xác nhận độc lập nào” về thông tin rằng ông Haniyeh đã chết.

Trong khi đó, Phó đại diện thường trực của Israel tại LHQ Jonathan Miller kêu gọi LHQ yêu cầu Iran “chịu trách nhiệm về những tội ác” xảy ra do sự hỗ trợ của Tehran cho các nhóm Hồi giáo ở Trung Đông như Hezbollah và Hamas.

Vụ lãnh đạo Hamas bị ám sát châm ngòi cho căng thẳng khu vực vì nó xảy ra chưa đầy một ngày sau khi Israel tuyên bố “tấn công có mục tiêu” vào phía nam thủ đô Beirut (Lebanon) để tiêu diệt ông Fu'ad Shukr - chỉ huy quân sự cấp cao nhất của nhóm vũ trang Hezbollah (Lebanon) khiến 6 người chết và hàng chục người bị thương.

Israel cho rằng ông Shukr chịu trách nhiệm trong vụ tấn công vào một sân bóng ở Cao nguyên Golan (do Israel kiểm soát) hôm 27-7 khiến 12 người thiệt mạng (toàn bộ là trẻ em và thanh thiếu niên) và hàng chục người bị thương.

Ngay sau khi lãnh đạo Hamas bị ám sát, Mỹ đã tập hợp 12 tàu chiến tại Vịnh Ba Tư, tờ The Washington Post dẫn lời một quan chức quốc phòng Mỹ cho hay. Các tàu này bao gồm tàu sân bay USS Theodore Roosevelt, các tàu chiến hộ tống cùng một lực lượng đặc nhiệm gồm hơn 4.000 lính thủy đánh bộ và thủy thủ.

Khó để Iran không trả đũa

Vụ lãnh đạo chính trị Hamas bị ám sát cùng những diễn biến đáng ngại gần đây đẩy Trung Đông vào một cuộc khủng hoảng mới và phủ bóng đen lên những nỗ lực đạt được thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza, cũng như hy vọng giảm căng thẳng giữa Israel và “trục kháng chiến” được Iran hậu thuẫn, theo đài CNN.

Vào đầu tháng 7, ông Haniyeh đã liên lạc với các nhà trung gian ở Qatar và Ai Cập để thảo luận về ý tưởng chấm dứt giao tranh giữa Israel và Hamas, làm dấy lên hy vọng rằng hai bên có thể tiến gần đến một thỏa thuận khung. Tuy nhiên, mọi thứ giờ đây có thể tan thành mây khói sau cái chết của nhà lãnh đạo này.

Một nguồn tin am hiểu về các cuộc đàm phán nói với CNN hôm 31-7 rằng vụ ám sát ông Haniyeh có thể “làm phức tạp thêm các cuộc đàm phán hòa giải” vì ông ấy “có công” trong tiến trình của đàm phán. Theo nguồn tin, bên cạnh ông Yahya Sinwar - lãnh đạo quân sự của Hamas thì ông Haniyeh là “người ra quyết định quan trọng” trong nhóm này.

Và tất nhiên, nếu đàm phán bị đình trệ, những người chịu khổ chính là 111 con tin Israel vẫn đang bị giam ở Dải Gaza cùng hàng triệu người Palestine đang sống ở dải đất này.

Dù Hamas tuyên bố sẽ đáp trả Israel sau vụ ông Haniyeh bị ám sát, nhưng sau 10 tháng giao tranh ở Gaza, năng lực của nhóm này đã bị tổn thất đáng kể. Điều khiến giới quan sát lo ngại lúc này chính là nguy cơ của một cuộc chiến tranh rộng khắp ở Trung Đông với sự tham gia của Iran.

Ông Haniyeh đã bị giết ở Iran và nếu vụ việc thực sự do Israel làm thì khả năng tình báo của Israel tại Iran thật sự đáng kinh ngạc. Do đó, cái chết của ông Haniyeh có thể gây ra sự phẫn nộ lớn ở Iran trong bối cảnh căng thẳng hai nước từ lâu đã ở mức cao.

Theo các chuyên gia, vụ ám sát đặt Iran vào tình thế buộc phải trả đũa tương tự như trường hợp đại sứ quán Iran ở Syria trúng không kích hồi tháng 4.

 Hệ thống phòng không Israel phản ứng sau khi Iran phóng máy bay không người lái và tên lửa về phía Israel ngày 14-4 để trả đũa vụ đại sứ quán Iran ở Syria trúng không kích. Ảnh: REUTERS

Hệ thống phòng không Israel phản ứng sau khi Iran phóng máy bay không người lái và tên lửa về phía Israel ngày 14-4 để trả đũa vụ đại sứ quán Iran ở Syria trúng không kích. Ảnh: REUTERS

“Rất khó để Iran không trả đũa, vì đây là một hành động quá lộ liễu tại thủ đô của Iran vào dịp lễ nhậm chức của một tân tổng thống. Câu hỏi đặt ra lúc này là khi nào họ phản ứng? Phản ứng như thế nào? Và Mỹ sau đó sẽ xử lý thế nào?” - ông Vali Nasr, giáo sư nghiên cứu Trung Đông và các vấn đề quốc tế tại Trường nghiên cứu quốc tế cao cấp John Hopkins (Mỹ) nói với tờ Politico.

Theo tờ The Conversasion, Iran có một số lựa chọn trả đũa, có thể thông qua Hezbollah trong bối cảnh nhóm này cũng “đang cần” đáp trả vụ không kích ở Beirut ngày 30-7. Ngoài ra, các nhóm vũ trang khác ở Trung Đông như Houthis (Yemen) hay các nhóm dân quân ở Syria, Iraq cũng có thể tham gia vào đòn trả đũa.

Dù vậy, nhiều chuyên gia hy vọng Iran “sẽ phản ứng thận trọng” để không đẩy Trung Đông đến bờ vực chiến tranh. “Tehran đã nhiều lần cho thấy họ không muốn bị lôi kéo vào một cuộc xung đột trực tiếp với Israel. Vẫn chưa rõ liệu Iran có thay đổi ý định tránh xung đột khu vực toàn diện sau cái chết của ông Haniyeh hay không”.

Lễ tang của hai nhân vật tử vì đạo

Ngày 1-8 diễn ra tang lễ của hai nhân vật vừa bị ám sát là thủ lĩnh Hamas Haniyeh và chỉ huy quân sự Hezbollah - ông Fu'ad Shukr, theo CNN.

Lãnh tụ tối cao Iran Khamenei đã chủ trì buổi cầu nguyện cho ông Haniyeh tại ĐH Tehran, thủ đô Tehran. Hàng ngàn người đã tập trung ở Tehran để tiễn đưa linh cữu của ông Haniyeh.

Ông Haniyeh sẽ được chôn cất tại thủ đô Doha (Qatar) trong ngày 2-8.

Trong khi đó, tại thủ đô Beirut (Lebanon), lãnh đạo Hezbollah - ông Hassan Nasrallah chủ trì lễ tang của ông Shukr.

THẢO VY

Nguồn PLO: https://plo.vn/vu-lanh-dao-hamas-bi-am-sat-iran-se-lua-chon-phan-ung-nao-post803194.html