Vụ lộ đề thi ở Phú Yên: Bác kháng cáo kêu oan của nữ chuyên viên

Nữ bị cáo cho rằng việc nhận tội trong giai đoạn đầu của vụ án là do tinh thần không minh mẫn và bị ép cung nhưng tòa bác.

TAND Cấp cao tại Đà Nẵng vừa xử phúc thẩm đối với 10 bị cáo có kháng cáo trong vụ lộ đề thi tuyển công chức năm 2017-2018 ở Phú Yên.

Tòa bác kháng cáo của chín bị cáo

Tại tòa, các bị cáo đều xin giảm nhẹ hình phạt, một số người xin hưởng án treo, riêng bị cáo Vũ Thị Thái Hòa (chuyên viên Phòng tổ chức - công chức - viên chức Sở Nội vụ) nhiều lần kêu oan.

Trước đó, TAND tỉnh Phú Yên xử sơ thẩm, tuyên phạt Hòa tám năm sáu tháng tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tội chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước, Phạm Văn Dũng (phó giám đốc Sở Nội vụ, phó chủ tịch hội đồng thi, trưởng ban ra đề thi) hai năm tù về tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước, Nguyễn Ngọc Kim (nhân viên hợp đồng Văn phòng UBND tỉnh Phú Yên) một năm ba tháng tù về tội chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước. Các bị cáo còn lại bị phạt từ chín tháng tù nhưng cho hưởng án treo đến hai năm tù về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Các bị cáo tại tòa. Ảnh: T.AN

Các bị cáo tại tòa. Ảnh: T.AN

HĐXX phúc thẩm đã bác kháng cáo của chín bị cáo; chấp nhận kháng cáo, sửa bản án sơ thẩm từ một năm tù thành một năm tù nhưng cho hưởng án treo đối với bị cáo Nguyễn Thị Bạch Tuyết (phó trưởng Phòng hành chính và bổ trợ Sở Tư pháp).

HĐXX nhận định vì lợi ích cá nhân mà các bị cáo đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được bổ nhiệm, chức vụ được giao trong kỳ thi tuyển công chức để cố ý làm trái quy chế, quy định, làm lộ, lọt đề thi gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự khách quan, công bằng trong quá trình thi tuyển, làm mất niềm tin của người dân, xâm phạm đến quyền và lợi ích chính đáng của nhiều thí sinh dự thi.

Đối với các bị cáo là ủy viên ban chấm thi, vì động cơ cá nhân đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn tác động, nâng, hạ điểm 29 bài thi. Nhiều người đã trực tiếp chỉnh sửa, đánh tráo bài thi, tác động các giám khảo khác nâng, hạ, sửa điểm bài thi của các thí sinh. Hành vi này xâm phạm đến hoạt động của cơ quan, tổ chức trong thi tuyển công chức, làm mất uy tín của các cơ quan nhà nước, gây dư luận xấu trong nhân dân nên cần xử phạt nghiêm.

Nữ bị cáo phủ nhận lời khai ban đầu

Cáo trạng xác định trong kỳ thi tuyển công chức năm 2017-2018, Hòa chép dữ liệu các bộ đề thi rút gọn từ USB do Lê Tuấn (trưởng Phòng tổ chức - công chức - viên chức) đưa rồi gửi cho Kim bộ năm đề thi nhóm ngành thanh tra và bộ năm đề thi nhóm ngành hành chính văn phòng để Kim sử dụng thi. Hòa nói dối, bảo Kim đưa tiền cho Hòa để nhờ người giúp đỡ Kim trong kỳ thi. Sau khi nhận 120 triệu đồng từ Kim, Hòa tiêu xài cá nhân.

Tại phiên phúc thẩm, Kim khai trước kỳ thi, bị cáo nhiều lần chuyển tiền cho Hòa nhờ giúp đỡ để trúng tuyển. Do vẫn bị rớt nên Kim đã đòi lại số tiền này. Bị cáo khai nghe dư luận ồn ào về kỳ thi, sợ bị lộ và biết hành vi của mình là sai trái nên mạnh dạn làm đơn tố giác sự việc. Bị cáo cũng thừa nhận nếu trúng tuyển thì sẽ không làm việc này.

Trong khi đó, bị cáo Hòa kêu oan, khẳng định không liên quan đến vụ án do đang đi học cao học ở Đắk Lắk. Bị cáo khai có mượn tiền của Kim để trang trải học hành, thừa nhận được Kim đặt vấn đề nhờ vả việc thi cử nhưng từ chối không giúp, cho rằng đã trả lại tiền trước khi có kết quả kỳ thi. Bị cáo Hòa cho rằng không lấy, không gửi bất cứ tài liệu gì liên quan đến kỳ thi cho Kim.

Trả lời câu hỏi tại sao nhận tội trong giai đoạn đầu của vụ án, nay lại phủ nhận, bị cáo nói bị ép cung. “Trong lúc bị tạm giam, bị cáo đang mang thai, tinh thần không minh mẫn. Các buổi làm việc, điều tra viên lúc nào cũng gợi ý, ép bị cáo ghi lời khai như thế. Khai đúng sự thật thì không ai nghe hết, phải khai theo ý họ mới được tại ngoại. Là người mẹ, bị cáo chấp nhận khai theo ý của họ. Có những ngày cơ quan điều tra làm việc liên tục, sức khỏe, tinh thần bị cáo không đảm bảo” - bị cáo khai.

Hòa nói sau khi được tại ngoại, bị cáo không viết đơn tố cáo, khiếu nại về việc này vì không am hiểu pháp luật và vẫn còn lo sợ. “Bị cáo tốt nghiệp đại học, làm công chức mà lại nói không am hiểu pháp luật là thế nào?” - HĐXX truy. Bị cáo Hòa im lặng.

HĐXX cho rằng bị cáo Hòa dù kêu oan nhưng căn cứ hồ sơ vụ án, quá trình tranh tụng tại tòa, có đủ cơ sở để kết luận về hành vi phạm tội của bị cáo. Mức án của tòa sơ thẩm đã đánh giá đúng tính chất, mức độ nguy hiểm hành vi phạm tội nên không xem xét giảm nhẹ hình phạt.

TÂM AN

Nguồn PLO: https://plo.vn/phap-luat/vu-lo-de-thi-o-phu-yen-bac-khang-cao-keu-oan-cua-nu-chuyen-vien-1048205.html