Vụ lộ đề thi tốt nghiệp THPT: 2 cựu giáo viên lãnh án khá nhẹ nhàng

Tuyên 2 bị cáo mức án bằng thời gian tạm giam và 12 tháng cải tạo không giam giữ, HĐXX cho rằng ngoài tác dụng giáo dục riêng với các bị cáo còn là bài học cảnh tỉnh với người khác manh tâm phạm tội tương tự.

Chiều 14-7, TAND Hà Nội tuyên phạt bị cáo Phạm Thị My (60 tuổi) mức án 13 tháng 4 ngày tù, bằng thời gian tạm giam, về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Cùng tội danh, bị cáo Bùi Văn Sâm (74 tuổi) lãnh mức án 12 tháng cải tạo không giam giữ.

Hai cựu giáo viên tại phiên tòa. Ảnh: CTV

Hai cựu giáo viên tại phiên tòa. Ảnh: CTV

Theo cáo buộc, do ảnh hưởng của dịch Covid 19 nên kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2021 được tổ chức thành 2 đợt. Đợt 1 từ ngày 6 đến ngày 9-7-2021; đợt 2 từ ngày 5 đến ngày 7-8-2021.

Hết đợt 1, báo chí đã phản ánh về nghi vấn lộ đề thi môn Sinh học do đề ôn tập trên mạng internet có tỷ lệ giống đến 80% đề thi chính thức.

Vào cuộc xác minh, cơ quan điều tra đã làm rõ hành vi sai phạm của hai bị cáo.

Cụ thể, để chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2021, Bộ GD&ĐT triển khai công tác ra đề thi theo hai giai đoạn: xây dựng Ngân hàng câu hỏi thi và tổ chức ra đề thi tốt nghiệp THPT.

Từ tháng 11-2020 đến tháng 7-2021, ông Sâm và bà My được phân công tham gia xây dựng ngân hàng câu hỏi thi và Hội đồng ra đề thi môn Sinh học, trong đó ông Sâm làm tổ trưởng, bà My làm tổ phó.

Do biết được phần mềm rút câu hỏi không phải ngẫu nhiên nên ông Sâm, bà My đã lợi dụng chức vụ được giao để mang tài liệu về nhà biên soạn thành câu hỏi.

Cả hai sắp xếp câu hỏi vào các vị trí để được rút ra làm nguồn đề thi chính thức và định hướng chọn các tổ hợp câu hỏi do mình biên soạn để xây dựng thành đề thi chính thức.

Sau đó, hai người này dùng câu hỏi trên để giảng dạy, ôn thi cho 8 học sinh lớp 12.

Hội đồng giám định Bộ giáo dục và Đào tạo xác định, tập tài liệu do ông Sâm cung cấp với 4 tổ hợp đề thô 210, 211, 212, 213 có nội dung giống các câu hỏi giống tổ hợp đề thi chính thức trên 70%.

Tại phiên tòa, ông Sâm khai không chủ động bàn tán gì với My và không hiểu quy luật chọn rút câu hỏi của phần mềm quản lý nên nhờ bà My lưu các câu hỏi vào máy tính.

Ông Sâm thừa nhận được bà My ba lần đưa các bảng thống kê số lượng câu hỏi mới được các thành viên biên soạn, đưa vào xây dựng ngân hàng câu hỏi cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021. Ông trực tiếp chỉnh sửa, đưa lại cho bà My để đánh máy, in ra thành bản cứng tại nhà riêng.

Còn bà My cho rằng bà không mang tài liệu, mà chỉ là một mảnh giấy A4 viết tay ra khỏi khu vực xây dựng đề thi. Đó chỉ là “ý tưởng câu hỏi”. Từ các ý tưởng này, hai người sau đó tại nhà riêng, chỉnh sửa thành câu hỏi để đưa vào ngân hàng câu hỏi.

HĐXX cho rằng kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia là kỳ thi không chỉ có ý nghĩa quan trọng trong việc đánh giá, khảo sát năng lực của các trí thức trẻ - những người chủ tương lai của đất nước, mà còn là thước đo kết quả của công tác giáo dục và đào tạo. Kết quả các kỳ thi từng năm sẽ ảnh hưởng sâu rộng đến từng mặt của đời sống xã hội, tương lai của các thế hệ thanh thiếu niên. Vì vậy, nếu xảy ra hiện tượng tiêu cực xung quanh việc tổ chức kỳ thi sẽ gây phản ứng không tốt trong dư luận xã hội, ảnh hướng xấu đến uy tín của nhà nước, ngành giáo dục.

Thời điểm mà các bị cáo thực hiện các hành vi trái công vụ diễn ra trong giai đoạn làm ngân hàng câu hỏi nên về bản chất đây không phải là vụ án lộ đề thi. Song các hành vi này đã tạo ra dư luận không tốt trong công tác tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2021.

Do đó, HĐXX cho rằng việc xét xử các bị cáo với các hành vi phạm tội lần này ngoài tác dụng giáo dục riêng với các bị cáo còn là bài học cảnh tỉnh với người khác manh tâm phạm tội tương tự.

BÙI TRANG

Theo lo

Nguồn PLO: https://plo.vn/vu-lo-de-thi-tot-nghiep-thpt-2-cuu-giao-vien-lanh-an-kha-nhe-nhang-post742352.html