Vụ lộ đề thi tốt nghiệp THPT 2021: Cựu giáo viên nhận 13 tháng 4 ngày tù
Sáng 14/7, TAND Hà Nội đã mở phiên xét xử sơ thẩm vụ vụ lộ đề thi tốt nghiệp THPT năm 2021.
Theo cáo trạng, để chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo ra đề thi theo hai giai đoạn: Xây dựng ngân hàng câu hỏi và ra đề thi. Trong cả 5 đợt xây dựng ngân hàng câu hỏi, ông Bùi Văn Sâm (SN 1949) và bà Phạm Thị My (SN 1963) được phân công làm Tổ trưởng và Tổ phó, xây dựng ngân hàng câu hỏi thi và tham gia Hội đồng ra đề thi môn Sinh học.
Ở giai đoạn 1, khi xây dựng ngân hàng câu hỏi thi, VKS cáo buộc bà My 3 lần mang các tài liệu ra khỏi khu vực quy định, gồm các bảng thống kê số lượng câu hỏi mới được biên soạn. Bà chỉnh sửa, hoàn thiện trên máy tính ở nhà, rồi in đưa ông Sâm.
Nhận các tài liệu trên, ông Sâm chỉnh sửa trực tiếp trên bản in, trao đổi để bà My ghi chép lại, đưa về nhà chỉnh sửa, hoàn thiện. Họ sau đó đưa nội dung câu hỏi này vào ngân hàng câu hỏi trong các đợt xây dựng ngân hàng câu hỏi tiếp theo.
Biết được quy luật rút câu hỏi của phần mềm quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2 người thống nhất sắp xếp câu hỏi do mình biên soạn, biên tập vào các vị trí "ngắm sẵn" với mục đích để khi được chọn thì các câu hỏi này sẽ cùng một tổ hợp. Sau đó, khi tham gia Hội đồng ra đề thi, họ sẽ chọn các tổ hợp câu hỏi này để làm đề thi chính thức, cáo trạng nêu.
Cùng quá trình đó, 2 bị can dùng các câu hỏi đã được đưa vào ngân hàng câu hỏi thi để ôn thi cho 8 học sinh lớp 12 "có mối quan hệ họ hàng, quen biết" muốn xét tuyển Đại học khối B.
Ông Sâm và bà My được cơ quan điều tra xác định "không nhận tiền của phụ huynh, học sinh", phạm tội vì "nể nang, tình cảm cá nhân". Ông Sâm khai món quà duy nhất được nhận từ phụ huynh là một hộp sâm Hàn Quốc, đã giao nộp Công an trong giai đoạn điều tra.
Sau gần 1 ngày xét xử, HĐXX đã tuyên án bị cáo Phạm Thị My bị tuyên án 13 tháng 4 ngày tù vì tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Cùng tội danh, bị cáo Bùi Văn Sâm lãnh mức án 12 tháng cải tạo không giam giữ.
HĐXX đánh giá hành vi của các bị cáo vì động cơ cá nhân, làm trái công vụ, vi phạm pháp luật, xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan quản lý nhà nước, dẫn đến thiếu tính công bằng, minh bạch, gây bức xúc cho dư luận. Từ đó, ảnh hưởng xấu đến kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2021.
Theo HĐXX, kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia là kỳ thi không chỉ có ý nghĩa quan trọng trong việc đánh giá, khảo sát năng lực của các trí thức trẻ - những người chủ tương lai của đất nước, mà còn là thước đo kết quả của công tác giáo dục và đào tạo.
Kết quả các kỳ thi từng năm sẽ ảnh hưởng sâu rộng đến từng mặt của đời sống xã hội, tương lai của các thế hệ thanh thiếu niên. Nên nếu xảy ra hiện tượng tiêu cực xung quanh việc tổ chức kỳ thi sẽ gây phản ứng không tốt trong dư luận xã hội, ảnh hướng xấu đến uy tín của nhà nước, ngành giáo dục.
"Thời điểm mà các bị cáo thực hiện các hành vi trái công vụ diễn ra trong giai đoạn làm ngân hàng câu hỏi nên về bản chất đây không phải là vụ án lộ đề thi. Song các hành vi này đã tạo ra dư luận không tốt trong công tác tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2021", bản án nêu.
Cũng theo HĐXX, việc xét xử các bị cáo với các hành vi phạm tội lần này ngoài tác dụng giáo dục riêng với các bị cáo còn là bài học cảnh tỉnh với người khác manh tâm phạm tội tương tự.
Trước đó, trong lần mở phiên tòa đầu tiên ngày 29/6, HĐXX đã hoãn xét xử do trùng đợt thi THPT, một số giáo viên là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan phải tham gia coi thi.