Vụ 'logo xe vua': Đề nghị truy tố thêm nhiều người
Liên qua đến vụ 'thầu logo xe vua', Bộ Công an đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao truy tố Nguyễn Văn Thới cùng 8 đồng phạm tội 'Đưa hối lộ'; một cựu CSGT Công an tỉnh Đồng Nai tội 'môi giới hối lộ'
Mật hiệu số “68” và “Garage Thành Đô”
Bộ Công an đã hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị Viện KSND tối cao truy tố Nguyễn Văn Thới cùng 8 đồng phạm tội “Đưa hối lộ”; Nguyễn Cảnh Chân (cựu CSGT Công an tỉnh Đồng Nai) tội “Môi giới hối lộ”. Đây là những đối tượng in, bán logo xe không rõ nguồn gốc; thông đồng tổ chức bảo kê xe quá tải.
Theo kết luận điều tra (KLĐT), từ tháng 1/2014 đến tháng 8/2015, Thới và Thái tổ chức in logo có số “68” và chữ “Garage Thành Đô”, bán cho chủ xe, tài xế với giá 2,5 - 3 triệu đồng/logo, làm mật hiệu nhận biết khi bị thanh tra giao thông (TTGT), CSGT kiểm tra. Quá trình điều tra, lực lượng an ninh xác định Thới và Thái đã bán được khoảng 15.000 logo. Mỗi tháng, Thới lập danh sách các xe mua logo bằng cách ghi biển số các xe vào giấy để theo dõi.
Đồng thời, Thới thừa nhận đưa hối lộ cho CSGT và TTGT mỗi tháng là 2,76 tỷ đồng. Tuy nhiên, căn cứ vào lời khai của Thái và các tài liệu khác và theo nguyên tắc có lợi cho các bị can, cơ quan điều tra xác định Thới đã đưa hối lộ gần 5 tỷ đồng và thu lợi bất chính 1,3 tỷ đồng. Trong đó, Thới đưa cho Nguyễn Cảnh Chân số tiền 1,2 tỷ đồng, thông qua số tài khoản của vợ Chân.
KLĐT của Bộ Công an cũng chỉ ra rằng, Thới đã chủ động đặt vấn đề, bàn bạc thống nhất với Chân về việc bảo kê xe vị phạm quá tải có dán logo “Garage Thành Đô” chạy trên địa bàn do Đội CSGT số 1 quản lý, để nhận tiền hối lộ từ 60 - 120 triệu đồng/tháng.
Khai nhận tại CQĐT, Nguyễn Cảnh Chân cho rằng có đưa cho ông V.V.S. (nguyên Đội trưởng Đội CSGT số 1, Công an tỉnh Đồng Nai, đã chết) hơn 659 triệu đồng và đưa cho ông Đ.H.T. (nguyên Phó trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh Đồng Nai) 300 triệu đồng. Tuy nhiên, do ông S. đã chết, còn ông T. không thừa nhận, nên Chân phải chịu trách nhiệm về toàn bộ số tiền hơn 1,2 tỷ nhận từ Thới.
Ngoài ra, đối với đường dây do Lê Thị Cẩm Vân cầm đầu, Vân là chủ doanh nghiệp vận tải gạch, xe thường bị phạt lỗi chở quá tải nên quen biết một số cán bộ TTGT, CSGT và nhờ họ giúp. Cụ thể, Vân in logo “Xe chở hàng” và hình “ông mặt trời” hoặc “ngôi sao” bán với giá 2,2 - 2,3 triệu đồng/logo/tháng.
Ngoài ra, ai mua thêm logo in hình mặt trời hoặc hình ngôi sao với giá 500.000 đồng/logo/tháng, Vân bao quá tải thêm một số tuyến đường ở Đồng Nai, Bình Dương. Với hành vi này, Vân khai mỗi tháng chung chi cho lực lượng CSGT, TTGT hơn 576 triệu đồng. Sau khi trừ các khoản hối lộ, chung chi, Vân thu lợi từ việc bán logo gần 1,6 tỷ đồng.
Nhiều cảnh sát, thanh tra giao thông liên qua đến lời khai
Trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra làm việc với khoảng 80 CSGT, TTGT liên quan đến lời khai đưa hối lộ của Nguyễn Văn Thới. Căn cứ lời khai về việc “chung chi” tiền bảo kê, cơ quan điều tra tiến hành lấy lời khai; tổ chức nhận dạng, đối chất giữa các đối tượng với nhiều CSGT, TTGT.
Theo KLĐT, có 4 cá nhân thừa nhận quen biết Nguyễn Văn Thới, gồm: Ông Nguyễn Tuấn Anh (cán bộ Đội CSGT Công an Q.8), ông Nguyễn Đức Toàn (cán bộ Đội CSGT Nam Sài Gòn), ông Tô Văn Sỹ (nguyên Phó Đội trưởng, Đội CSGT Công an huyện Củ Chi), ông Nguyễn Duy Khánh (nguyên cán bộ Trạm CSGT Tân Túc) thuộc Công an TPHCM. Trong đó, ông Khánh đang trốn truy nã sau khi thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo lời khai, ông Tuấn Anh (cán bộ Đội CSGT Công an Q.8) và Thới có mối quan hệ quen biết từ năm 2014. Một số lần, khi tổ công tác của ông Tuấn Anh tuần tra ngoài đường, Thới có điện thoại xin bỏ qua xe quá tải. Vì tình cảm nên ông Tuấn Anh có giúp đỡ bằng cách làm ngơ một số lỗi lỗi vi phạm nhẹ.
Trường hợp vi phạm cụ thể thì ông này không nhớ. Tương tự các cán bộ làm việc với CQĐT trong vụ án, ông Tuấn Anh khẳng định bản thân không nhận tiền. Hay như, ông Nguyễn Đức Toàn (cán bộ Đội CSGT Nam Sài Gòn) cho rằng trong quá trình ông thực hiện nhiệm vụ, Thới có liên hệ rồi đặt vấn đề bảo kê xe có dán logo. Song, ông Toàn không giải quyết, không nhận tiền.
Trả lời CQĐT, ông Lê Ánh Dương (Phó Đội trưởng Đội CSGT số 1 – Công an tỉnh Đồng Nai) cho rằng có quen biết Lê Thị Cẩm Vân (đồng phạm với Thới). Tuy nhiên, khi Vân đặt vấn đề bảo kê thì ông không giúp và cũng chưa bao giờ nhận tiền của Vân.
Bên cạnh đó, khi đối chất, một đối tượng khác khai rằng y làm theo lời Thới, mang tiền đưa ông Phạm Văn Hùng (Đội trưởng Đội CSGT Cát Lái – Công an TPHCM) với mục đích nhờ ông Hùng bảo kê xe quá tải dán logo.
Trái lại, Đội trưởng Đội CSGT Cát Lái phủ nhận lời khai trên. Một số cán bộ CSGT còn lại như: Ông Huỳnh Công Thắng (Phó Đội trưởng Đội CSGT An Lạc), ông Lê Văn Hải (Phó Đội trưởng Đội CSGT An Sương) thuộc Công an TPHCM… khẳng định họ không quen biết các đối tượng. Tất cả CSGT cam kết không có hành vi nhận tiền bảo kê xe quá tải.
Theo diễn tiến vụ án, vào tháng 10/2018, HĐXXT sơ thẩm TAND TPHCM tuyên phạt bị cáo Thới 14 năm tù, Thái 10 năm tù, Vân 9 năm tù và 5 bị cáo còn lại lĩnh từ 18 tháng đến 4 năm tù cùng về tội Đưa hối lộ. Riêng bị cáo Nguyễn Cảnh Chân lĩnh 8 năm tù về tội Môi giới hối lộ. Sau đó, 7 bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, Thới, Thái, Chân không kháng cáo.
Đến tháng 10/2019, HĐXX cấp phúc thẩm TAND cấp cao tại TPHCM đã tuyên hủy bản án để điều tra lại. Theo cấp phúc thẩm, cáo trạng vụ án đã nêu đích danh 80 CSGT, TTGT các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, TPHCM, nhận hối lộ nhưng những người này lại không bị xử lý. Điều này cho thấy việc bỏ lọt tội phạm, gây bức xúc trong dư luận.
Tuy nhiên, tại bản KLĐT lần này, cơ quan CSĐT cho rằng đó chỉ là lời khai một phía của các bị can, trong khi 80 CSGT, TTGT đó không thừa nhận hành vi nhận tiền của các bị can trong vụ án. Do đó, quá trình điều tra không đủ căn cứ để kết luận những cán bộ này phạm tội Nhận hối lộ.