Vụ lừa bán tiền giả bằng tiền âm phủ: Bị hại có phạm tội?
Theo quan điểm của luật sư, trong vụ án các nghi can ở Lâm Đồng lừa bán tiền giả bằng tiền âm phủ, người bị lừa không phạm vào tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, theo Điều 207 BLHS.
Như PLO đã đưa tin, ngày 4-8, Công an TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng cho biết đã bắt 14 người để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo điều tra, nhóm người này đã tạo các tài khoản Facebook ảo. Sau đó, nhóm thuê chạy quảng cáo nhằm tạo lượng tương tác cao để rao bán tiền giả và tìm người cần mua để thực hiện hành vi lừa đảo.
Các loại mệnh giá được quy đổi thể hiện qua giao dịch mua bán tiền giả gồm: 200.000 đồng tiền thật = 5 triệu đồng tiền giả; 250.000 đồng tiền thật = 10 triệu đồng tiền giả; 300.000 đồng tiền thật = 15 triệu đồng tiền giả; 400.000 đồng tiền thật = 16 triệu đồng tiền giả và 450.000 đồng tiền thật = 22 triệu đồng tiền giả.
Khi đặt mua tiền giả, người mua không cần đặt cọc tiền, mà chỉ cần cung cấp số điện thoại và địa chỉ nhận hàng.
Lãnh đạo Công an TP Bảo Lộc cho biết thực chất các đối tượng rao bán tiền giả, nhưng khi đóng kiện giao cho khách hàng thì bên trong không có tiền giả mà chỉ là các vật dụng như bột khử mùi, bột xi măng hoặc tiền âm phủ.
Cụ thể, khi có khách hàng đặt mua tiền giả, nhóm này sẽ thuê người đóng gói các hộp giấy thành các kiện hàng nhỏ. Sau đó cho các loại bột khử mùi, xi măng đóng gói vào bên trong hộp rồi khoét lỗ dán sẵn mẫu tiền âm phủ mệnh giá 200.000 đồng.
Từ các kiện hàng này, nhóm lừa bán tiền giả gửi giao hàng tại các bưu cục chuyển phát nhanh cho khách mua tiền giả theo hình thức không được kiểm tra hàng trước.
Trong thời gian khoảng 6 tháng, đường dây này đã giao thành công hơn 23.000 đơn hàng trong cả nước và chiếm đoạt số tiền hơn 6 tỉ đồng…
Công an thông báo ai là người bị hại thì liên hệ Công an TP Bảo Lộc, tại số 206A đường Huỳnh Thúc Kháng, phường 2, TP Bảo Lộc, số điện thoại: 02633.865.466 để cung cấp thông tin, phục vụ điều tra xử lý vụ án.
Nhận định về vụ án, Thạc sĩ – Luật sư (ThS-LS) Nguyễn Văn Dũ, Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng hành vi của những người không có tiền giả nhưng chạy quảng cáo, rao bán tiền giả, nhận tiền thật của người mua rồi giao bột khử mùi, bột xi măng hoặc tiền âm phủ để chiếm đoạt tiền thật của người mua, đã đủ yếu tố cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, theo Điều 174 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Đối với tội danh này, những người đặt mua tiền giả được xác định là những người bị hại, họ bị thiệt hại về vật chất, chính là số tiền thật đã chuyển để mua tiền giả. Tổng số tiền thật của các bị hại bị chiếm đoạt sẽ là tình tiết định khung hình phạt đối với những người phạm tội.
Vấn đề đặt ra là đối với hành vi đặt mua tiền giả của những người bị hại (bị hại đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản) có phạm tội hay không?
Theo ThS-LS Văn Dũ, liên quan đến tiền giả, trong BLHS chỉ có duy nhất tội “Làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả”, quy định tại Điều 207 BLHS. Trong tội danh này không có hành vi mua tiền giả.
Vậy mua bán tiền giả có phải là lưu hành tiền giả hay không?
Theo quan điểm của ThS-LS Văn Dũ, lưu hành tiền giả và mua bán tiền giả có nội hàm khác nhau.
Lưu hành tiền giả được hiểu là phát hành, lưu thông rộng rãi tiền giả trên thị trường thông qua hoạt động thanh toán từ người này, nơi này đến người khác, nơi khác, không giới hạn quan hệ giao dịch và không giới hạn không gian, thời gian.
Còn mua bán tiền giả chỉ là giao dịch hạn chế giữa người mua và người bán, không tính đến các giao dịch thanh toán phát sinh sau đó, nếu có.
“Do đó, theo tôi, hành vi mua tiền giả không cấu thành tội phạm theo Điều 207 BLHS. Chỉ khi nào người mua tiền giả về rồi tàng trữ, vận chuyển đi nơi khác, lưu hành (sử dụng trong thanh toán), không cần biết giá trị bao nhiêu thì mới cấu thành tội phạm, thấp nhất tại khoản 1 của Điều luật, có khung hình phạt tù từ 3-7 năm”, ThS-LS Văn Dũ nói.
Nếu người mua tiền giả không phạm tội thì họ có đồng phạm với những người phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản đã nêu ở trên về tội “Làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả” hay không?
Trong vụ án này, những người có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản không có bất cứ hành vi làm, tàng trữ, vận chuyển hoặc lưu hành tiền giả, họ sử dụng đối tượng khác để lừa đảo người bị hại, đó là bột khử mùi, bột xi măng hoặc tiền âm phủ nên những người có hành vi lừa đảo không bị khởi tố thêm tội “Làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả”. Do vậy, người mua cũng không đồng phạm với họ về tội này.
Nguồn PLO: https://plo.vn/vu-lua-ban-tien-gia-bang-tien-am-phu-bi-hai-co-pham-toi-post803706.html