Vụ lừa đảo bí ẩn
Việc giả danh làm cảnh sát, sỹ quan quân đội ở Mỹ không phải là hiếm. Các cơ quan có thẩm quyền không quản lý chặt dẫn đến việc đồng phục, trang thiết bị được rao bán tràn lan trên mạng Internet.
Có không ít nguyên nhân khiến chúng làm vậy, như muốn lừa nạn nhân lấy tiền, thậm chí là cả tiền lẫn tình. Nhưng vụ lừa đảo của hai đối tượng là Arian Taherzadeh và Haider Ali, thường trú tại Navy Yard, thủ đô Washington D.C lại bao trùm những điều bí ẩn…
Màn kịch
Vào cuối tháng 3 vừa qua, các đặc vụ của FBI cùng cảnh sát cơ động đã ập vào căn hộ của Arian và Haider. Họ phát hiện trong nhà chứa nhiều bộ đồng phục cảnh sát của các lực lượng hành pháp khác nhau. Một số trang thiết bị chuyên dụng như áo giáp, kính bảo hộ, mũ nồi, và vũ khí đủ các cỡ từ tiểu liên đến súng lục. Nhưng điều đáng nghi ngờ hơn cả lại là số giấy tờ chúng cất giấu. Cảnh sát tìm thấy một tập hồ sơ có tên tuổi và thông tin cá nhân của mọi cư dân tòa nhà chung cư. Cùng với đó là nhiều tài liệu huấn luyện lưu hành nội bộ của Bộ An ninh nội địa và Cục Điều tra hải quân Mỹ.
Một người hàng xóm giấu tên của hai đối tượng bị bắt giữ kể lại: “Họ là những người rất biết giữ mình. Ngay cả hàng xóm cùng tầng cũng ít khi nhìn thấy mặt họ. Có lần tôi nhìn thấy một trong hai người đứng ra ban công thả chiếc máy bay không người lái. Lúc đó tôi chỉ nghĩ là họ định chụp ảnh mà thôi”. Cảnh sát đã tìm thấy chiếc máy bay không người lái trong căn hộ của Arian và Haider. Chiếc drone chỉ là một trong số nhiều thiết bị dùng cho mục đích giám sát - theo dõi bị cảnh sát thu giữ.
Cú sốc
Kết quả điều tra FBI cho thấy từ hơn hai năm nay. Arian và Haider giả danh làm đặc vụ Bộ An ninh nội địa để tiếp cận nhân viên Sở Mật vụ, cơ quan chịu trách nhiệm bảo vệ các yếu nhân trên chính trường Mỹ. Nhiều người khác bị chúng tiếp cận lại là các cá nhân giữ vai trò quan trọng tại những cơ quan trực thuộc Lầu Nam góc và Bộ Tư pháp.
Thủ đoạn của hai kẻ lừa đảo là ăn mặc sao cho thật giống cảnh sát cơ động đồng thời mang trong mình các thứ giấy tờ, phù hiệu giả. Chúng tiếp cận mục tiêu dưới danh nghĩa công việc, sau đó tìm cách tặng quà họ nhằm mục đích làm thân. Theo thông tin mà tờ Daily Beast khai thác được từ một nạn nhân là nhân viên Sở Mật vụ, anh này từng được Haider “cho không” khẩu tiểu liên M16 trị giá tới 2.000 USD. Ngoài ra Arian cũng đã nhiều lần lấy xe hạng sang để chở vợ chồng người đặc vụ đi ăn chơi, tiêu xài.
Một nạn nhân khác giấu tên trả lời tờ Washington Post: “Tôi tình cờ quen biết Arian và Haider. Biết tôi là cảnh sát, họ gợi ý tôi nộp đơn xin vào đơn vị đặc nhiệm thuộc Phòng An ninh quốc gia. Bài kiểm tra đầu tiên họ bảo tôi phải vượt qua là chịu để họ bắn súng sơn vào người, gọi là để “biết sức chịu đựng và khả năng giữ bình tĩnh”. Tôi chịu đựng được việc đó. Đến vòng thứ hai thì họ yêu cầu tôi điều tra một nhân vật trong hồ sơ họ đưa. Người đó là một nhà thầu độc lập làm việc cho Bộ Quốc phòng và NSA”.
Dường như thông tin là mục tiêu cuối cùng của hai kẻ lừa đảo. Cũng theo phóng viên tờ Daily Beast, trong số các nạn nhân của Arian và Haider là một nữ đặc vụ đi theo bảo vệ Đệ nhất phu nhân Jill Biden, vợ của Tổng thống Joe Biden. Cô từng có quan hệ tình cảm với Haider. Người này khai trong giây phút ân ái đã tiết lộ cho hắn nhiều thông tin về cá nhân Đệ nhất phu nhân. Hiện chưa ai rõ chi tiết về những thông tin bị rò rỉ, nhưng dù gì đi nữa đây cũng là sự cố an ninh đặc biệt nghiêm trọng.
Bất kỳ chuyên gia nào nhìn qua “bề nổi” của vụ lừa đảo cũng có thể chỉ ra một số dấu hiệu bất thường. Thứ nhất, Arian và Haider đầu tư quá nhiều vào âm mưu của chúng. Ngoài căn hộ bị cảnh sát khám xét, hai tên này còn thuê một số nhà chung cư khác với tổng trị giá tiền thuê lên đến 40.000 USD/năm. Đấy là chưa tính đến số vốn chúng bỏ ra để mua đồng phục, làm giấy tờ giả, sắm thiết bị theo dõi - giám sát, tặng quà các nạn nhân…
Trong khi đó lợi ích mà chúng nhận được lại không rõ ràng. Không nạn nhân nào bị chúng lừa lấy tiền cả. Ngoài một số thông tin do nạn nhân buột miệng ra, hai kẻ lừa đảo không khai thác được gì từ họ. Cũng không xảy ra việc Arian hay Haider sử dụng thông tin cá nhân của nạn nhân để giả danh chiếm đoạt tài sản của họ. Nhà bình luận quốc tế James Hawkthorn nhận xét trên tờ Washington Post: “Khả năng duy nhất còn khả thi là Arian và Haider đã tuồn thông tin cho một bên thứ ba”.
“Bên thứ ba” này là ai? Thông tin được lộ ra từ phía FBI có thể sẽ khiến nhiều người giật mình: Tình báo Pakistan. Sau khi khám xét các giấy tờ thu giữ được ở nhà Arian và Haider, FBI phát hiện ra trước khi đại dịch COVID-19 xảy ra, hai tên này thường xuyên bay đển thủ đô Islamabad của Pakistan bằng hộ chiếu giả. Chúng sở hữu nhiều tài khoản ngân hàng Pakistan. Các tài khoản này thường xuyên nhận được tiền chuyển khoản từ một công ty ở Iran. Công ty này lại nằm trong danh sách các doanh nghiệp bình phong phục vụ hoạt động rửa tiền do Interpol thu thập. FBI truy ngược lên đường dây rửa tiền thì mất dấu vết tại Pakistan.
Theo James Hawkthorn: “Có lý do để tin rằng Arian và Haider làm việc cho ISI - Cơ quan tình báo Trung ương Pakistan. Đây cũng không phải lần đầu tiên ISI cài gián điệp ở Mỹ. Mới chưa đầy 10 năm kể từ vụ FBI phát hiện ông Mohammad Tasleem, tùy viên tại Đại sứ quán Pakistan ở Mỹ, giả danh là đặc vụ FBI để khai thác thông tin cho ISI. Ông Tasleem sau đó được Pakistan bí mật đưa về nước”.
Quay trở lại âm mưu lừa đảo của Arian Taherzadeh và Haider Ali. Câu hỏi lớn nhất hiện nay: “Chúng làm việc cho ai?”, vẫn chưa có lời giải thích rõ ràng. Ngay cả những tài liệu trong hồ sơ xét xử hai đối tượng này cũng không ghi vì sao chúng lại đi lừa đảo. Có khả năng ngành Tư pháp Mỹ đang “giơ cao đánh khẽ” để không động chạm đến một cá thể nào nắm nhiều quyền lực.
Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/ho-so-interpol/vu-lua-dao-bi-an-i652639/