Vụ lừa đảo Mr.Pips: 'Báo động đỏ' giới học sinh, sinh viên
Giấc mơ làm giàu nhanh đã khiến nhiều học sinh, sinh viên trở thành mắt xích trong vụ lừa đảo rúng động của Mr.Pips. Đây là một báo động đỏ không thể làm ngơ.
Câu chuyện hàng ngàn học sinh, sinh viên Việt Nam bị lôi kéo, tham gia vào đường dây lừa đảo qua mạng xã hội, liên quan đến sàn đầu tư chứng khoán quốc tế do hai TikToker nổi tiếng là Mr.Pips (Phó Đức Nam, 30 tuổi, trú Bà Rịa - Vũng Tàu) và Mr.Hunter (Lê Khắc Ngọ, 34 tuổi, trú Hà Nội) cầm đầu, không còn đơn thuần là vụ án hình sự.
Đây là hồi chuông cảnh tỉnh nghiêm khắc về một thế hệ trẻ đang bị cuốn vào vòng xoáy công nghệ, mạng xã hội và giấc mộng làm giàu phi thực tế mà thiếu đi kỹ năng tự vệ tối thiểu trong thế giới số.
Vạch trần mặt nạ của “giấc mơ giàu sang”
Thế hệ Gen Z lớn lên cùng mạng xã hội, bị vây quanh bởi hình ảnh “giàu nhanh, sống ảo, thành công sớm” được nhào nặn bởi những người tự xưng là “chuyên gia tài chính”, “người truyền cảm hứng” hay “triệu phú tự thân” trên TikTok, Facebook, YouTube.

“Giấc mơ làm giàu nhanh” đã khiến nhiều học sinh, sinh viên trở thành mắt xích trong vụ lừa đảo rúng động của Mr.Pips. Ảnh minh họa
Trong đó, Mr.Pips là một cái tên quen thuộc với cộng đồng mạng trẻ chính là hiện thân cho thứ giấc mơ được gói ghém bằng ánh sáng sân khấu, siêu xe, đồng hồ đắt tiền và biệt ngữ tài chính mà ít ai hiểu rõ.
Sự thật, đằng sau những buổi livestream hoành tráng và lớp vỏ đầu tư quốc tế, lại là một mô hình đa cấp trá hình, sử dụng chiêu thức “chim mồi”, đánh vào lòng tham và sự thiếu hiểu biết của những người trẻ non nớt. Họ bị lừa không chỉ bằng tiền, mà bằng cả niềm tin khi chỉ cần vài cú click chuột, vài video “truyền cảm hứng” là có thể đổi đời.
Theo Công an TP. Hà Nội, trong số những người tham gia, bị xử lý và điều tra, có hơn 1.000 học sinh, sinh viên. Đáng buồn hơn, nhiều người trong số đó biết rõ đây là lừa đảo nhưng vẫn lao vào, vì “tiền dễ”, “ít rủi ro” và “có cả hội bạn cùng chơi”.
Vấn đề không nằm ở chỗ họ chưa đủ 18 tuổi hay còn đi học, mà là sự thiếu hụt kỹ năng nhận diện rủi ro, sự nhẹ dạ khi bị thuyết phục bởi những hình ảnh bóng bẩy, lời nói có vẻ thuyết phục và tâm lý đám đông nguy hiểm.
Trong môi trường học đường, đáng ra các em cần được tiếp cận với kiến thức về tài chính cá nhân, an ninh mạng, kỹ năng phòng tránh lừa đảo, thay vì bị bỏ mặc giữa một không gian ảo đầy rẫy cạm bẫy.
Xử lý nghiêm, nhưng phải giáo dục mạnh
Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Công an TP. Hà Nội khẳng định “sẽ xử lý nghiêm” các học sinh, sinh viên biết rõ hành vi lừa đảo mà vẫn tham gia. Không chỉ dừng lại ở việc xử lý nghiêm, nhiều người đã đặt câu hỏi, liệu đây có phải là tội lỗi hoàn toàn của người trẻ? Hay là lời cảnh báo rằng, hệ thống giáo dục, gia đình và xã hội đã không còn là “hàng rào bảo vệ” đủ mạnh trước những tác nhân nguy hiểm trên không gian mạng?
Sự thất bại này không đến từ một phía. Gia đình nhiều khi buông lỏng quản lý, xem việc “con học giỏi, ngoan ngoãn” là đủ. Nhà trường thiếu đi những tiết học thực tế về kỹ năng sống, tài chính, an ninh mạng. Và chính xã hội, khi tung hô những “KOLs tiền ảo”, không kiểm soát nổi nội dung độc hại, đã tiếp tay một cách vô tình cho những vụ việc nghiêm trọng như vụ Mr.Pips.
Việc xử lý hình sự các bị can trong đường dây lừa đảo này là cần thiết, nghiêm khắc để làm gương. Nhưng với học sinh, sinh viên, lực lượng tương lai của đất nước cần phải có cách tiếp cận toàn diện hơn. Đừng để việc “xử lý nghiêm” trở thành cánh cửa khép lại cuộc đời của những người trẻ sai lầm vì thiếu hiểu biết.
Cần có các chiến dịch tuyên truyền sâu rộng trong học đường, xây dựng nền tảng giáo dục số từ sớm, đào tạo kỹ năng tài chính cá nhân, tổ chức các buổi thực hành nhận diện lừa đảo công nghệ cao. Đồng thời, cũng cần giám sát và xử lý mạnh tay các nền tảng cho phép phát tán nội dung xấu độc, sai sự thật, tiếp tay cho tội phạm.
Trong một thế giới nơi dữ liệu cá nhân, tài khoản ngân hàng, niềm tin và cảm xúc đều có thể bị lợi dụng để trục lợi, thì không ai, kể cả những người trẻ thông minh, học giỏi có thể miễn nhiễm nếu không được trang bị kiến thức và sự tỉnh táo. Những vụ án như Mr.Pips không phải là cá biệt, đó đơn giản là sự báo trước của một thực tế, nếu xã hội không nhanh chóng xây dựng “hệ miễn dịch số” cho giới trẻ, thì những con số 1.000, hay 10.000 nạn nhân sẽ không còn là giả định.