Vụ lúa Hè Thu 2024: Các huyện phía Nam chỉ xuống giống khi bảo đảm nguồn nước

Thời điểm này, nông dân (ND) tại các huyện, thành phố phía Nam của tỉnh Long An tất bật chuẩn bị xuống giống vụ lúa Hè Thu (HT) 2024. Để vụ sản xuất thắng lợi, ngành Nông nghiệp tỉnh khuyến cáo ND không nên nôn nóng xuống giống sớm khi chưa bảo đảm các điều kiện, nhất là nguồn nước ngọt để sản xuất.

Nông dân gieo sạ ngoài lịch

Thông tin từ Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh, hiện nay, độ mặn tại các tuyến sông trên địa bàn tỉnh giảm. Tuy nhiên, vẫn còn ở mức cao hơn so cùng kỳ năm 2023 và trung bình nhiều năm.

Cụ thể, ranh giới độ mặn 4g/l xâm nhập sâu vào nội đồng khoảng 70km trên sông Vàm Cỏ Tây (xã Bình Tâm, TP.Tân An) và hơn 63km trên sông Vàm Cỏ Đông (xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức).

Ranh giới độ mặn 1g/l xâm nhập sâu vào nội đồng hơn 100km trên sông Vàm Cỏ Tây (xã Tân Đông, huyện Thạnh Hóa) và hơn 70km trên sông Vàm Cỏ Đông (xã Lương Hòa, Thạnh Hòa, huyện Bến Lức).

Thời điểm này, độ mặn trên các sông còn cao, nhiều cống ngăn mặn vẫn đóng kín

Thời điểm này, độ mặn trên các sông còn cao, nhiều cống ngăn mặn vẫn đóng kín

Với độ mặn này, hầu hết các cống đầu mối tại các huyện, thành phố phía Nam vẫn còn đóng kín, nước từ các sông chưa được cung cấp vào các kênh nội đồng. Do đó, ND chủ yếu làm đất, vệ sinh đồng ruộng và gieo sạ lúa vụ HT 2024 dựa vào nguồn nước mưa.

Ông Trần Văn Bi (xã Bình Lãng, huyện Tân Trụ) cho biết: “Vụ lúa HT năm nay, gia đình tôi gieo sạ sớm hơn lịch thời vụ mà ngành khuyến cáo. Tuy nhiên, vẫn trễ hơn so cùng kỳ năm 2023. Hiện ND trên địa bàn xã chủ yếu sản xuất dựa vào nguồn nước mưa tồn đọng trên các tuyến kênh nội đồng”.

Vừa xuống giống hơn 1,2ha lúa HT, ông Lê Văn Kính (xã Quê Mỹ Thạnh, huyện Tân Trụ) chia sẻ: “Sau thời gian dài khô hạn, khi mưa xuống đất bị xì phèn, tôi phải tốn khoảng 1 triệu đồng mua vôi và phân lân để xử lý đất trước khi gieo sạ.

Theo ngành chức năng huyện khuyến cáo thì khung lịch thời vụ xuống giống vụ lúa HT từ ngày 20 đến 30/6/2024 nhưng do mưa vào mùa nên tôi tranh thủ xuống giống để kịp thời gian sản xuất 3 vụ lúa/năm”.

Nông dân cày ải, vệ sinh đồng ruộng để gieo sạ vụ lúa Hè Thu 2024

Nông dân cày ải, vệ sinh đồng ruộng để gieo sạ vụ lúa Hè Thu 2024

Không nôn nóng gieo sạ như những ND khác, ông Nguyễn Văn Lực (xã Bình Tịnh, huyện Tân Trụ) vẫn chờ đúng lịch mà ngành Nông nghiệp khuyến cáo do ông lo ngại thời tiết bất lợi và dịch bệnh trên lúa vụ HT.

Ông Lực bộc bạch: “Năng suất lúa vụ HT năm nào cũng bị ảnh hưởng bởi tình hình thời tiết. Do đó, tôi tranh thủ làm đất sau khi mưa xuống và chỉ xuống giống theo lịch thời vụ mà ngành Nông nghiệp khuyến cáo. Bởi, khi đưa ra khung lịch thời vụ, ngành Nông nghiệp đã nghiên cứu và đánh giá kỹ tình hình, tôi rất tin tưởng”.

Thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bến Lức, vụ HT năm nay, toàn huyện xuống giống 4.510ha lúa. Đến thời điểm hiện tại, ND xuống giống được hơn 80% diện tích, với các nhóm giống lúa chủ lực có khả năng thích ứng rộng, tiêu thụ nội địa và xuất khẩu tốt như ST24, OM5451, OM4900, Nàng Hoa 9, RVT,... Dự kiến, ND sẽ hoàn tất việc gieo sạ lúa trước ngày 30/6/2024.

Nhiều diện tích lúa Hè Thu 2024 thưa thớt, kém phát triển do thiếu nước

Nhiều diện tích lúa Hè Thu 2024 thưa thớt, kém phát triển do thiếu nước

Theo chia sẻ của nhiều ND huyện Bến Lức, mặc dù thời gian qua, trên địa bàn huyện xuất hiện một số cơn mưa nhưng lượng nước mưa không lớn, một số nơi vẫn thiếu hụt nguồn nước dưới các kênh nội đồng, làm cho việc bơm nước từ kênh lên ruộng của ND gặp không ít khó khăn.

Cùng với đó, lượng nước trên đồng lại bốc hơi nhanh do thời tiết nóng làm cho bề mặt ruộng bị khô, lúa mọc thưa thớt và kém phát triển.

Trước tình hình này, hiện ngành chức năng và người dân đã và đang xuống giống lúa HT tập trung thực hiện nhiều giải pháp để cây lúa phát triển tốt.

Ông Trần Văn Tươi (xã Tân Bửu, huyện Bến Lức) vừa gieo sạ 1,4ha lúa HT (giống OM18), cho biết: “Dự đoán được ruộng lúa của mình sẽ thường xuyên bị khô mặt do thiếu nước, vì vậy, trước khi gieo sạ, tôi đã trộn chung thuốc diệt bọ trĩ với lúa giống nhằm hạn chế sự tấn công của chúng trong giai đoạn lúa còn nhỏ”.

Theo khuyến cáo của ngành Nông nghiệp tỉnh, đối với ruộng lúa HT đang trong giai đoạn mạ, ND cần quản lý tốt cỏ dại, bọ trĩ, chuột và ốc bươu vàng gây hại. Trong đó, ND lưu ý hạn chế để ruộng bị khô nước vì đây sẽ là điều kiện thuận lợi cho bọ trĩ phát sinh gây hại nặng.

Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh - Nguyễn Văn Cường khuyến cáo: Trong điều kiện thời tiết nắng nóng, ND nên bón phân cho lúa vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát để hạn chế sự bốc thoát của phân bón.

Đồng thời, ND cần bón bổ sung phân Kali cho lúa ở giai đoạn đầu để giúp cây lúa khỏe mạnh, tăng khả năng chống chịu với điều kiện thời tiết bất lợi.

Chỉ xuống giống khi chủ động được nguồn nước

Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, căn cứ vào dự báo khí tượng - thủy văn và điều kiện sản xuất, ngành Nông nghiệp tỉnh đưa ra khung lịch gieo sạ lúa vụ HT 2024 tại các huyện, thành phố phía Nam của tỉnh là từ ngày 20 đến 30/6. Tuy nhiên, do mưa xuất hiện sớm, nhiều ND xuống giống sớm hơn so với lịch thời vụ mà ngành khuyến cáo.

Hiện có hơn 20.000ha lúa HT được ND các huyện, thành phố phía Nam gieo sạ. Các giống lúa được ND sử dụng nhiều là ST24, ST25, OM7347, Nàng Hoa 9, OM5451, Đài thơm 8,...

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Thanh Truyền thông tin: Theo dự báo, từ cuối tháng 6/2024, mưa trên địa bàn tỉnh sẽ tăng về lượng cũng như xuất hiện trên diện rộng. Lượng mưa lớn kết hợp cùng với kỳ triều cường kém rằm tháng 5 (Âm lịch) sẽ giúp đẩy mặn ra cửa sông, bảo đảm nguồn nước ngọt để nông dân sản xuất vụ lúa HT 2024.

Ngành Nông nghiệp tỉnh khuyến cáo nên bón phân cho lúa vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát để hạn chế sự bốc thoát của phân bón

Ngành Nông nghiệp tỉnh khuyến cáo nên bón phân cho lúa vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát để hạn chế sự bốc thoát của phân bón

“Thời gian tới, ngành Nông nghiệp sẽ thăm đồng, kiểm tra tình hình xuống giống lúa HT tại các huyện, thành phố phía Nam. Đồng thời, ngành phối hợp các địa phương theo dõi, quản lý chặt chẽ các diện tích đã xuống giống; tiếp tục tuyên truyền, vận động ND tuân thủ lịch thời vụ khuyến cáo, chỉ xuống giống lúa khi có đủ nước ngọt, tránh nôn nóng xuống giống sớm khi xuất hiện những cơn mưa đầu mùa.

Ngoài ra, ngành phối hợp các ngành có liên quan và địa phương tăng cường khuyến cáo người dân áp dụng các biện pháp sạ hàng, sạ thưa với lượng lúa giống dưới 100kg/ha; tăng cường vận động ND áp dụng các quy trình canh tác lúa tiên tiến như “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, quản lý dịch hại tổng hợp, ứng dụng công nghệ sinh thái;...” - ông Nguyễn Thanh Truyền thông tin thêm.

Vụ lúa HT 2024 được dự báo còn tiếp tục gặp nhiều khó khăn do tác động của biến đổi khí hậu, nhất là về cuối vụ, tình trạng mưa, bão có thể gây ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng lúa. Do đó, ND cần chủ động áp dụng các biện pháp sản xuất tiên tiến để sản xuất thắng lợi vụ lúa HT 2024./.

Đến nay, toàn tỉnh gieo sạ 200.210,9ha lúa vụ HT 2024, bằng 93,1% kế hoạch, bằng 94% so cùng kỳ năm 2023. Trong đó, đã thu hoạch 29.579,3ha, năng suất khô ước đạt 70 tạ/ha, sản lượng 206.167 tấn.

Bùi Tùng

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/vu-lua-he-thu-2024-cac-huyen-phia-nam-chi-xuong-giong-khi-bao-dam-nguon-nuoc-a177791.html