Vụ ly hôn nghìn tỷ của 'Vua cà phê' Trung Nguyên được đại biểu dẫn chứng tại nghị trường Quốc hội
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) cho biết, phiên tòa xét xử vụ án ly hôn của vợ chồng ông 'vua cà phê' Trung Nguyên - Đặng Lê Nguyên Vũ vừa qua, mọi mâu thuẫn trong quá trình hôn nhân cũng như những tình tiết cụ thể của vụ án đã được hàng chục tờ báo cập nhật và đưa tin hàng ngày. Chắc rằng đây là điều mà những người trong cuộc không hề mong muốn.
Mời người thân, bạn bè tham gia hòa giải
Ngày 26/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án. Nhiều đại biểu tán thành về sự cần thiết ban hành Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đồng thời cho rằng việc thiết lập cơ chế hòa giải sẽ góp phần hạn chế các vụ việc phải đưa ra xét xử, tiết kiệm kinh phí cho Nhà nước.
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) đánh giá cao ngành tòa án đã tiếp thu nghiêm túc ý kiến của nhiều đại biểu. Từ đó đại biểu đề xuất những giải pháp có tính căn cơ thông qua việc trình dự án luật này để giải quyết nhanh chóng, dứt điểm các tranh chấp dân sự hành chính và đây cũng chính là cách làm của các nước có nền tư pháp tiến bộ trên thế giới hiện nay.
Đại biểu Thủy cũng cho rằng, khác với phương thức xét xử tại tòa án bị ràng buộc bởi nguyên tắc hiến định là nguyên tắc xét xử công khai. Báo chí và mọi người đều có quyền tham dự thì hòa giải được tiến hành trong một môi trường riêng, chỉ có sự tham gia của các bên liên quan.
Điều này đã giúp cho các bên yên tâm tin tưởng ngồi lại với nhau để giải quyết các tranh chấp bất đồng, thậm chí là có thể nói hết những uẩn khúc, những nguyên nhân sâu xa dẫn tới mâu thuẫn và tính ưu việt này không phải khi nào cũng có được ở các phiên tòa công khai, nhất là trong các vụ án ly hôn, các vụ án kinh doanh thương mại.
"Chúng ta có thể thấy rất rõ điều này khi theo dõi phiên tòa xét xử vụ án ly hôn của vợ chồng ông "vua cà phê" Trung Nguyên - Đặng Lê Nguyên Vũ vừa qua. Mọi mâu thuẫn trong quá trình hôn nhân cũng như những tình tiết cụ thể của vụ án đã được hàng chục tờ báo cập nhật và đưa tin hàng ngày và chắc rằng đây là điều mà những người trong cuộc không hề mong muốn", đại biểu đoàn Bắc Kạn nêu.
Đại biểu cũng cho rằng, nếu được các bên đồng ý thì hòa giải viên còn có thể mời cả những người có uy tín trong dòng họ, bạn bè tin cậy của các bên cùng tham gia hòa giải để phân tích phải trái, thiệt hơn giúp các bên cân nhắc suy nghĩ thấu đáo trước khi quyết định. Thí điểm vừa qua thì nhiều hòa giải viên đã sử dụng hiệu quả cách làm này.
Kết quả là nhiều vụ các bên đã từ bỏ ý định ly hôn và quay trở lại đoàn tụ. Nhiều vụ vay mượn trong nhân dân, mâu thuẫn trong làm ăn kinh tế đã được giảng hòa và tìm ra được những giải pháp phù hợp nhất mà cả hai bên cùng chấp nhận.
Bảo vệ quyền lợi của trẻ em
Nêu quan điểm tại hội trường, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (đoàn Quảng Bình) cũng nhấn mạnh thêm một số vấn đề.
Thứ nhất, liên quan tới việc bảo vệ quyền lợi của trẻ em trong dự án Luật Hòa giải tại cơ sở. Có thể nói, Bộ luật Tố tụng dân sự có một trong những nội dung được dư luận quốc tế đánh giá rất cao, phù hợp với thông lệ quốc tế, đó là các quy định về bảo vệ quyền lợi của trẻ em trong hoạt động tố tụng, kể cả trong hoạt động hòa giải trong tố tụng tại tòa án.
Theo đó, Bộ luật Tố tụng dân sự quy định khi giải quyết các vụ việc có liên quan đến trẻ em thì người giải quyết phải là những người am hiểu lĩnh vực về trẻ em. Việc giải quyết phải có sự tham gia của các tổ chức, cơ quan liên quan. Trong một số trường hợp nhất định thì phải hỏi ý kiến của trẻ em.
Ví dụ, khi một hòa giải các tranh chấp về sau ly hôn liên quan tới quyền nuôi con thì phải hỏi ý kiến của trẻ em từ trên 7 tuổi. Khi hỏi phải bảo đảm thân thiện với trẻ em, phải bảo đảm phù hợp với tâm sinh lý của trẻ em.
"Tuy nhiên, trong dự thảo Luật Hòa giải này không có bất kỳ một quy định nào liên quan tới bảo vệ quyền lợi của trẻ em. Tôi cho rằng, với quy định là quyết định hòa giải thành có hiệu lực thi hành ngay, không bị kháng cáo, kháng nghị và với mong muốn rằng 70- 80% các vụ tranh chấp sẽ được giải quyết qua hòa giải.
Có thể nói rằng, Luật Hòa giải này sẽ vô hiệu hóa các quy định của Bộ Luật Tố tụng dân sự về bảo vệ quyền lợi của trẻ em. Tôi đồng ý trình tự thủ tục trong hòa giải phải thuận tiện, đơn giản. Tuy nhiên, không vì thế mà bỏ qua tất cả mọi quy định liên quan tới bảo vệ quyền lợi của trẻ em - một đối tượng cần phải đặc biệt bảo vệ ở trong xã hội. Chính vì vậy, tôi đề nghị phải bổ sung các nội dung này. Tôi cho rằng việc bổ sung cũng rất đơn giản, không phức tạp và rất khả thi", đại biểu nêu.