Vụ mang di ảnh đến Trung tâm y tế 'trục vong': Làm sao để tránh xung đột y tế?
Từ vụ mang di ảnh đến Trung tâm y tế 'trục vong', các chuyên gia cho rằng, không thể nhân danh cảm xúc để làm tổn thương môi trường điều trị và đẩy ngành y vào thế phải vừa chữa bệnh, vừa 'chữa tổn thương'.
Vụ việc người nhà bệnh nhân mang di ảnh đến Trung tâm y tế U Minh (Cà Mau) để “trục vong”, cho rằng nhân viên y tế thiếu trách nhiệm đang gây xôn xao dư luận những ngày qua.

Cảnh 15 người trong gia đình bà G đến Trung tâm y tế "trục vong" bà về. Ảnh: Cắt từ clip.
Biết rằng nỗi đau mất người thân là nỗi đau rất lớn, gia đình dễ rơi vào việc thiếu kiềm chế nhưng cần bình tĩnh chờ kết quả xử lý từ cơ quan chức năng.
Theo các chuyên gia, việc kéo đông người mặc đồ tang vào bệnh viện, livestream và gây náo loạn nơi công cộng không chỉ khiến môi trường điều trị trở nên căng thẳng, gây thêm tổn thương cho bệnh nhân và nhân viên y tế, mà còn làm dấy lên tranh cãi về ranh giới giữa quyền phản ánh chính đáng và hành vi vi phạm pháp luật.
Không thể nhân danh nỗi đau để gây náo loạn bệnh viện
Theo Luật sư Trương Văn Tuấn, Đoàn Luật sư TP.HCM, việc người nhà bệnh nhân kéo đông người mặc đồ tang, mang di ảnh người nhà đến bệnh viện để “trục vong” không chỉ vô tình tạo áp lực lên môi trường điều trị, gây thêm tổn thương tinh thần cho cả bệnh nhân khác lẫn đội ngũ y tế, mà còn có thể ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động khám chữa bệnh của cơ sở y tế.
"Người dân lưu ý đừng để những hành xử bốc đồng của mình dẫn đến những rắc rối pháp lý về sau. Những hành vi tương tự như vầy có dấu hiệu của việc “gây rối trật tự công cộng” và tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, người tham gia có thể bị xử phạt hành chính, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự", LS Tuấn nói.
Trong trường hợp nghi ngờ có sai sót y khoa, người dân hoàn toàn có quyền phản ánh nhưng cần tuân thủ đúng quy trình pháp lý. Luật sư Tuấn khuyến nghị nên ghi lại cụ thể thời gian, địa điểm, nội dung nghi ngờ sai sót, đồng thời thu thập bằng chứng như kết quả xét nghiệm, đơn thuốc, hình ảnh, video, hóa đơn…

Trước đó, từng xảy ra việc nữ nhân viên y tế tại Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh Nghệ An phải nằm điều trị vì bị hành hung. Ảnh: ĐL
Người dân có thể gửi khiếu nại đến người đứng đầu cơ sở y tế, hoặc phản ánh lên cơ quan quản lý như Sở Y tế. Nếu không đồng tình với kết quả giải quyết, có thể khởi kiện ra tòa để bảo vệ quyền lợi chính đáng. Ngoài ra, có thể sử dụng các kênh chính thức như đường dây nóng của ngành y tế để phản ánh.
“Người dân có quyền đòi hỏi công lý, nhưng đó phải là công lý trong khuôn khổ pháp luật” (Luật sư Trương Văn Tuấn).
Ông cũng lưu ý, việc tụ tập đông người tại bệnh viện không chỉ gây gián đoạn hoạt động của cơ quan công quyền mà còn ảnh hưởng đến việc điều trị của nhiều người khác và có thể bị xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Về phía ngành y, cần minh bạch trong quy trình tiếp nhận, xử lý khiếu nại và công khai hướng dẫn để người dân biết cách phản ánh đúng mực, tránh tâm lý nghi ngờ hoặc hiểu lầm. Đồng thời, các bệnh viện cũng cần thường xuyên tập huấn kỹ năng giao tiếp cho nhân viên để ứng xử mềm mỏng, thấu hiểu trong môi trường làm việc vốn nhiều áp lực và dễ nhạy cảm.
Ngăn xung đột y tế từ gốc
Nhìn nhận từ vụ việc trên, ông Võ Hiền Vinh, Giảng viên Khoa học sức khỏe, Trường Đại học Công nghệ Miền Đông, cho rằng bệnh nhân và người nhà thường mang tâm lý lo lắng, kỳ vọng cao, trong khi nhân viên y tế phải vừa làm việc với cường độ lớn, vừa chịu áp lực trước sinh mệnh con người.
“Nếu thiếu kỹ năng giao tiếp và đồng cảm, xung đột và hiểu lầm có thể nảy sinh, ngay cả khi quy trình chuyên môn đã thực hiện đúng”, ông Vinh nhận định.

Trước đó, từng có trường hợp 1 nhân viên y tế Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định bị người nhà bệnh nhân đấm liên tiếp vào vùng đầu và mặt. Ảnh: Cắt từ clip
Theo ông, để cân bằng giữa việc bảo vệ nhân viên y tế và quyền phản ánh chính đáng của người bệnh, cần xây dựng cơ chế hai chiều.
Cụ thể, phải có quy trình tiếp nhận, xử lý phản ánh minh bạch, công tâm để người dân yên tâm góp ý. Đồng thời, cũng cần có biện pháp bảo vệ nhân viên y tế khỏi các hành vi phản ứng tiêu cực, xúc phạm danh dự hoặc gây rối môi trường khám chữa bệnh.
“Chỉ khi đảm bảo được sự công bằng, ổn định và nhân văn cho cả hai phía, môi trường y tế mới thực sự an toàn và bền vững” (ông Võ Hiền Vinh).
Cũng theo ông Vinh, để tránh các mâu thuẫn bị đẩy lên thành khủng hoảng truyền thông, ngành y cần chú trọng hơn đến đào tạo kỹ năng mềm, đặc biệt là trong giao tiếp, xử lý khủng hoảng và làm việc với thân nhân bệnh nhân.
Mỗi bệnh viện nên có một bộ phận trung gian hoặc tổ phản ứng nhanh về tâm lý truyền thông, đóng vai trò hỗ trợ trong các tình huống nhạy cảm, giúp hạ nhiệt căng thẳng kịp thời và hiệu quả.
Xây dựng sự tin tưởng, đồng hành giữa bác sĩ và người bệnh
PGS-TS-BS ĐỖ VĂN DŨNG, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược TP.HCM.
Việc đảm bảo đủ nhân lực y tế, chuyên môn vững và thái độ phục vụ tận tâm trong điều kiện cơ sở vật chất đầy đủ sẽ góp phần nâng cao sự hài lòng của người bệnh, từ đó giảm thiểu nguy cơ xảy ra bạo lực với nhân viên y tế. Ngay cả khi chưa đạt được điều kiện lý tưởng, sự chăm sóc kịp thời, tận tình vẫn giúp xây dựng lòng tin từ phía bệnh nhân.
Tuy nhiên, người bệnh và thân nhân cũng cần hiểu rằng trong lúc lo lắng, không phải lúc nào người thân của bệnh nhân cũng nhận thức đúng các hành vi chuyên môn của nhân viên y tế. Việc nhân viên y tế quyết định theo dõi thay vì can thiệp ngay, hay ưu tiên bệnh nhân nặng hơn, đôi khi bị hiểu nhầm là chậm trễ hoặc thiếu trách nhiệm. Những cảm xúc tiêu cực có thể dẫn tới phản ứng gay gắt, thậm chí gây bạo lực.
Kỹ năng truyền thông, giải thích rõ ràng của nhân viên y tế là rất cần thiết trong những tình huống này. Đồng thời, người bệnh và thân nhân nếu chưa hài lòng có thể đề nghị được giải thích, nhưng nên giữ thái độ bình tĩnh, tôn trọng để không làm tăng căng thẳng và tránh những hành vi không đáng có.