Vụ mở nắp quan tài khám nghiệm tử thi, phát hiện sự thật 'động trời' bị ẩn giấu: Bi kịch gia đình
Theo quan điểm luật sư, cơ quan điều tra sẽ làm rõ hành vi của các bên, trạng thái cảm xúc, mức độ nhận thức của đối tượng gây án để xác định tội danh cho phù hợp với quy định của pháp luật.
Những ngày qua, vụ mở nắp quan tài khám nghiệm tử thi, qua đó làm rõ vụ án mạng xảy ra ở tỉnh Bình Thuận đang thu hút sự quan tâm đặc biệt từ dư luận.
Bày tỏ quan điểm về vụ việc trên, Ts. Ls. Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư TP Hà Nội) bày tỏ quan điểm: Có thể nói rằng đây là bi kịch gia đình, khi người đàn ông bị sát hại bởi chính con ruột. Cơ quan điều tra sẽ làm rõ hành vi của các bên, trạng thái cảm xúc, mức độ nhận thức của đối tượng gây án để xác định tội danh cho phù hợp với quy định của pháp luật.
Trước đó, thông tin với báo chí, Công an tỉnh Bình Thuận xác định cái chết của ông T.V.T. (42 tuổi, ở phường Hưng Long, TP Phan Thiết) có liên quan đến con trai là Trần Văn Lộc (19 tuổi). Bước đầu Lộc khai, khoảng 23h ngày 25/1 đối tượng nói chuyện với cha, xin đi hỏi vợ nhưng không được đồng ý. Hai bên xảy ra cãi vã, người cha xuống bếp lấy con dao. Trong lúc Lộc tìm cách lấy con dao trên tay cha mình thì lưỡi dao đâm vào ngực ông T. khiến nạn nhân tử vong tại chỗ.
Sau khi vụ việc xảy ra, Lộc và người thân trong gia đình đã bàn bạc không báo cáo lực lượng chức năng mà tự ý dọn dẹp hiện trường, xóa hết dấu vết và chọn cách hỏa thiêu thi thể cha để phi tang.
Khuya 27/1, Công an TP Phan Thiết phối hợp Công an tỉnh Bình Thuận nhận tin báo về đám tang bất thường nên đến kiểm tra. Công an yêu cầu gia đình mở quan tài, phát hiện nạn nhân có một vết thương trên ngực.
Ông Cường cho rằng, trong trường hợp lời khai ban đầu của nghi phạm này là đúng thì cơ quan điều tra có thể sẽ xử lý đối tượng này về tội "Vô ý làm chết người" theo Điều 128 Bộ luật hình sự. Còn trường hợp kết quả xác minh cho thấy đối tượng đã lấy được con dao từ cha mình nhưng không cất đi mà lại dùng chính hung khí đó để gây án do bực tức thì đây là hành vi giết người.
Nếu chứng minh được đối tượng nhận thức được hành vi có thể dẫn đến chết người nhưng vẫn cố tình thực hiện thì hành vi có dấu hiệu của tội "Giết người" quy định tại Điều 123 Bộ luật hình sự.
Cơ quan điều tra sẽ tiến hành khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, thu thập các dấu vết để lại tại hiện trường vụ án, lấy lời khai của nghi phạm và lời khai của người làm chứng, người liên quan để xác định bản chất của sự việc. Việc xác định sự thật căn cứ vào hệ thống chứng cứ, chứ không chỉ dựa vào lời khai của một bên. Lời nhận tội của người phạm tội cũng không phải là căn cứ duy nhất để kết tội. Pháp luật quy định, cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm chứng minh tội phạm và bằng các biện pháp nghiệp vụ, các chứng cứ vật chất sẽ quyết định khởi tố đối tượng này về tội danh nào theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ nguyên nhân sự việc, diễn biến hành vi của cả hai bên để xác định đối tượng thực hiện hành vi có thuộc trường hợp tinh thần bị kích động mạnh hay không. Nếu có căn cứ cho thấy nghi phạm gây án trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh, cơ quan điều tra có thể xử lý theo Điều 125 Bộ luật hình sự.
Ngoài ra, điều đáng chú ý trong vụ án này là có hành vi che giấu tội phạm, không tố giác tội phạm. Bởi vậy căn cứ vào quy định tại Điều 18 và Điều 19 Bộ luật hình sự, cơ quan điều tra sẽ xem xét có khởi tố vụ án hình sự về tội "Che giấu tội phạm" và "Không tố giác tội phạm" hay không. Việc xử lý hình sự hay không phụ thuộc vào nhận thức của những người liên quan về việc nạn nhân bị sát hại và mối quan hệ giữa người che giấu không tố giác đối với đối tượng gây án.
"Dù kết quả xử lý như thế nào chăng nữa thì rõ ràng đây là một vụ án rất thương tâm khi người cha bị sát hại bởi chính con trai đẻ của mình. Vụ việc cho thấy những mâu thuẫn xung đột trong gia đình nếu không được giải quyết kịp thời và không có cách ứng xử phù hợp với chuẩn mực đạo đức, không phù hợp với pháp luật thì có thể dẫn đến bi kịch đau lòng", ông Cường nhấn mạnh.