Vụ mua bán logo 'xe vua' ở các tỉnh, thành phía Nam: Truy tố các bị can
Viện KSND tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố các bị can trong vụ mua bán logo 'xe vua' ở các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và TPHCM.
Theo đó, từ tháng 1-2014 đến tháng 8-2015, Nguyễn Văn Thới (SN 1976), Lê Thị Cẩm Vân (SN 1982) cùng đồng phạm bán logo có in số "68", chữ "Garage Thành Đô” và chữ "Xe chở hàng" cho các lái xe, chủ xe tải thường lưu thông trên các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và TPHCM.
Nhóm này cam kết khi dán logo lên xe sẽ không bị lực lượng TTGT, CSGT làm việc trên địa bàn xử phạt lỗi vì chở hàng quá tải. Nếu bị lập biên bản xử phạt sẽ được trả tiền nộp phạt.
Sau đó, Thới, Vân và đồng phạm đã sử dụng tiền bán logo thu được để làm chi phí hối lộ một số cán bộ trong lực lượng TTGT, CSGT để không bị kiểm tra, xử phạt vi phạm do vi phạm chở hàng quá tải. Đồng thời, trả công cho những người canh gác báo cho chủ xe và lái xe đã mua logo không đi qua các tuyến đường có tổ công tác đặc biệt của Phòng CSGT, Công an TPHCM kiểm tra lưu động, không đưa hối lộ được. Chi phí nộp phạt thay cho những lái xe, chủ xe đã mua được logo nhưng vẫn bị phạt. Riêng số tiền còn lại Vân và Thới sử dụng cá nhân.
Thới và Trần Quốc Thái (SN 1971) đã bán logo thu được 22,794 tỷ đồng. Sau đó, Thới - Thái sử dụng 4,9 tỷ đồng đưa hối lộ gồm Thới trực tiếp đưa hối lộ 31 lần với tổng số tiền 2,2 tỷ đồng còn Thái trực tiếp đưa hối lộ 48 lần với tổng số tiền 2,77 tỷ đồng. Cả 2 sử dụng 16,5 tỷ đồng nộp phạt cho các xe mua logo vẫn bị xử phạt và trả tiền thuê người canh Tổ công tác đặc biệt, còn lại Thới hưởng lợi 1,31 tỷ đồng.
Quá trình điều tra, Thới và Vân cùng Thái khai đã đưa hối lộ cho 80 người là CSGT, TTGT. Nhưng những CSGT, TTGT làm việc với cơ quan điều tra không ai thừa nhận đã nhận hối lộ. Bên cạnh đó, không có tài liệu, chứng cứ nào khác nên cơ quan điều tra không đủ căn cứ để khởi tố, điều tra và xử lý với 80 CSGT, TTGT.
Trước đó, tháng 10-2018, TAND TPHCM xử sơ thẩm tuyên phạt Thới, Vân, Thái, Chân 8 cùng 6 bị cáo khác về các tội "đưa hối lộ" và "môi giới hối lộ" với mức án từ 1 năm 6 tháng 23 ngày tù đến 14 năm tù. Hầu hết các bị cáo đã kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Đến tháng 10-2019, TAND cấp cao tại TPHCM đã hủy bản án sơ thẩm để điều tra xét xử lại vụ việc trên do có dấu hiệu vi phạm. Theo đó, trong khi lời khai của các bị cáo, trong các kết luận điều tra, cáo trạng đều nêu rõ tên, chức vụ của những người nhận hối hộ và số tiền nhận hối lộ.
Theo HĐXX, việc Cơ quan điều tra căn cứ vào việc 80 cán bộ trong lực lượng CSGT, TTGT trên địa bàn Đồng Nai, Bình Dương, TPHCM không thừa nhận đã nhận hối lộ để kết luận không đủ căn cứ xử lý, đã không tiến hành đầy đủ các biện pháp nghiệp vụ điều tra theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Ngoài ra, Cơ quan điều tra đã thực hiện đối chất sơ sài, chưa làm rõ nhiều tình tiết trong vụ án. Cấp sơ thẩm đã xác định số tiền đưa hối lộ, người đưa hối lộ, số tiền hưởng lợi của người nhận hối lộ nhưng không xác định người nhận hối lộ.
Đây là vụ án gây xôn xao dư luận do các bị cáo trong vụ án bị truy tố, xét xử về tội đưa hối lộ, môi giới hối lộ nhưng lại "khuyết" người nhận hối lộ.
Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/vu-an/de-nghi-truy-to-cac-bi-can_124242.html