Vụ nam thanh niên đâm xe máy vào CSGT tại Hải Phòng: Đủ yếu tố cấu thành tội giết người
Liên quan đến việc Đỗ Văn Thắng không chấp hành hiệu lệnh, đâm thẳng xe vào CSGT luật sư cho rằng hành vi này đã xâm phạm đến tính mạng của người khác.
Cơ quan chức năng đang tạm giữ nam thanh niên tông xe gây trọng thương cho một CSGT khi đang làm nhiệm vụ trên địa bàn huyện An Lão (Hải Phòng) gây xôn xao dư luận.
Theo thông tin ban đầu, ngày 9/7 tổ cảnh sát giao thông Công an huyện An Lão (Hải Phòng) trong quá trình làm nhiệm vụ trên tỉnh lộ 354, đoạn qua xã Mỹ Đức (huyện An Lão) thì phát hiện nam thanh niên chạy xe máy tốc độ cao, không đội mũ bảo hiểm. Lúc này, thượng úy Nguyễn Trọng Quý (41 tuổi) ra hiệu dừng xe nhưng bị người này không chấp hành mà tăng ga, lao thẳng vào làm Thượng úy Quý bắn lên cao rồi lộn xuống đường gây chấn thương nặng.
Nam thanh niên sau đó được xác định là Đỗ Văn Thắng (16 tuổi, trú huyện An Lão, Hải Phòng) chấn thương phần mềm sau tai nạn và bị lực lượng chức năng tạm giữ.
Trao đổi với PV về vụ việc này dưới góc độ pháp lý, Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng VPLS Tinh Thông Luật đánh giá, qua quá trình xem lại clip, có thể thấy đối tượng Đỗ Văn Thắng đã nhìn thấy tổ công tác và thượng úy Quý từ xa nhưng thay vì dừng xe theo hiệu lệnh của CSGT thì Thắng không chấp hành mà chạy với tốc độ cao, cố ý lái xe tông thẳng vào thượng úy Quý để dẫn đến tai nạn cho chiến sĩ CSGT này.
"Hành vi này của Đỗ Văn Thắng rõ ràng đã xâm phạm đến tính mạng của người khác, đủ yếu tố cấu thành nên Tội giết người được quy định tại điểm d, khoản 1, Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung 2017) với tình tiết đó là giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân. Công vụ ở đây được hiểu là một công việc mà cơ quan Nhà nước hoặc tổ chức xã hội giao cho một người thực hiện. Đồng thời đối tượng đã sử dụng "phương tiện nguy hiểm" là chiếc xe máy chạy với tốc độ cao để tấn công thượng úy Quý", Luật sư Diệp Năng Bình nhận định.
Theo Luật sư Diệp Năng Bình, về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự thì theo quy định tại Điều 12 Bộ luật Hình sự nếu đối tượng từ đủ 16 tuổi trở lên thì phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác do đó đối tượng Thắng phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi của mình.
Tuy nhiên, Luật sư Diệp Năng Bình cho rằng việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội được tuân theo nguyên tắc đó là phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi và chủ yếu nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội. Khi xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải căn cứ vào độ tuổi, khả năng nhận thức của họ về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nguyên nhân và điều kiện gây ra tội phạm.
"Đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 18 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định. Do đó, dù khung hình phạt theo khoản 1 Điều 123 Bộ luật hình sự từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình thì cũng không thể nào xử phạt đối tượng quá 18 năm tù", Luật sư Diệp Năng Bình phân tích.