Vụ nghi vấn giao cấu với xác chết: Những tranh cãi pháp lý
ANTĐ Một nam thanh niên giao cấu với một người được coi là đã chết xảy ra mới đây ở xã Hoa Sơn, huyện Ứng Hòa, Hà Nội là sự việc lạ lùng, chưa từng có tiền lệ trong những vụ án hình sự tại Việt Nam. Việc xác định tội danh của đối tượng thực hiện hành vi trên đang gây khá nhiều tranh cãi.
Hiện trường nơi xảy ra vụ án tại công trình nhà ông Nguyễn Văn Ph, ở xã Hoa Sơn, huyện Ứng Hòa, Hà Nội
Giao cấu với người đã chết?
Hiện Phòng CSHS - CATP Hà Nội đang phối hợp với Công an huyện Ứng Hòa điều tra, làm rõ nguyên nhân cái chết của 1 phụ nữ chưa rõ tung tích trên địa bàn. Theo đó, xác chết người phụ nữ được phát hiện vào ngày 27-1, tại ngôi nhà đang xây dựng của ông Nguyễn Văn Ph ở xã Hoa Sơn, huyện Ứng Hòa. Trong quá trình điều tra, cơ quan công an đã tạm giữ Nguyễn Văn Phong (SN 1987, trú tại Miêng Thượng, Hoa Sơn, Ứng Hòa), con trai ông Ph để điều tra.
Theo lời khai ban đầu của nghi phạm, vào lúc 22h ngày 26-1, Phong đi vệ sinh thì phát hiện một phụ nữ đang nằm ngửa tại ngôi nhà đang xây dựng của gia đình. Phong đến gần, sờ vào người phụ nữ nhưng không thấy phản ứng nên đã thực hiện hành vi giao cấu với người này. Thực hiện xong, Phong bỏ vào nhà ngủ tiếp.
Vụ việc này có thể được coi là hy hữu, thậm chí chưa từng xảy ra trong những vụ án hình sự liên quan đến hành vi giao cấu, hiếp dâm. Cũng bởi tính chất đặc biệt của vụ án trên, nên ngay khi vụ việc được đăng tải, nhiều người đã tỏ thái độ phẫn nộ, một cư dân mạng có tên phongvuvn… lại cho rằng: “Đối tượng Phong là người biết rõ nhất nạn nhân mà hắn ta thực hiện hành vi giao cấu còn sống hay đã chết. Bởi, hoàn toàn có thể nhận biết được tình trạng của nạn nhân qua những phản ứng của họ. Sao đối tượng có thể làm chuyện đó với người đã chết được chứ. Chắc lúc đó họ phải rất lạnh và đâu còn cảm giác gì…”.
Cần làm rõ nguyên nhân
Theo Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Công ty TNHH Luật S&B đây là vụ việc phức tạp. Dưới góc độ luật pháp, vụ việc này có thể đánh giá theo hai hướng. Thứ nhất, cần phải làm rõ nguyên nhân chết của người phụ nữ, xem nạn nhân chết vào thời điểm nào. Điều này phụ thuộc vào lời khai của đối tượng, kết quả giám định pháp y và căn cứ vào hiện trường xảy ra vụ án. Đây là một trong những cơ sở để cơ quan điều tra tiến hành điều tra, xác định xem tại thời điểm đối tượng Phong thực hiện hành vi giao cấu với người phụ nữ trên còn sống hay đã chết.
Trong trường hợp, đối tượng thực hiện hành vi giao cấu với người phụ nữ khi họ vẫn còn sống thì sẽ bị xử lý theo điều 111 về Tội hiếp dâm và điều 113 về Tội cưỡng dâm của BLHS. Tại Điều 111 - Tội hiếp dâm quy định: Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu với nạn nhân trái với ý muốn của họ, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm, nặng hơn có thể bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm, thậm chí tử hình. Điều 113 - Tội cưỡng dâm quy định: Người nào dùng mọi thủ đoạn khiến người lệ thuộc mình hoặc người đang ở trong tình trạng quẫn bách phải miễn cưỡng giao cấu, thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm; các trường hợp nghiêm trọng hơn có thể bị phạt tù từ 7 năm đến 18 năm...
Cũng theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà, đối với tội hiếp dâm thì phải có khách thể trực tiếp và phải có người bị hại. Trong trường hợp này, nếu khách thể của vụ án hiếp dâm là người chết thì không cấu thành tội hiếp dâm được. Nếu kết quả giám định pháp y và kết quả điều tra của cơ quan điều tra cho thấy người phụ nữ đã chết trước khi đối tượng Phong thực hiện hành vi giao cấu thì hiện pháp luật Việt Nam chưa có quy định nào về dâm ô với xác chết, hiếp dâm với xác chết mà chỉ có tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt được quy định tại điều 246 BLHS.
Theo đó, người nào đào, phá mồ mả, chiếm đoạt những đồ vật để ở trong mộ, trên mộ hoặc có hành vi khác xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. Như vậy, theo quy định của điều này đối tượng chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi xác chết đã được chôn cất nhưng đối tượng có hành vi xâm phạm, hoặc khai quật bất hợp pháp.
Trong trường hợp thi thể đã chết, nhưng chưa được chôn cất nên đối tượng không thể thực hiện hành vi khai quật, xâm phạm mồ mả thì không thể xử lý theo quy định tại điều 246. Hơn nữa, trong vụ án trên nhiều tình tiết không rõ ràng, bởi đối tượng Phong khai khi nhìn thấy người phụ nữ, Phong có hành vi chạm vào người nhưng không thấy người phụ nữ này nói gì nên đã tiến hành giao cấu. Do vậy, chưa thể khẳng định được tại thời điểm đó người phụ nữ còn sống hay đã chết. Hơn nữa, về mặt y học, người chết thông thường sau 1 giờ các tế bào sẽ chết, chân tay co quắp, cứng lại rất khó điều khiển nên khả năng đối tượng thực hiện hành vi giao cấu khi nạn nhân đã chết rất khó xảy ra.
Có thể thấy đây là trường hợp đặc biệt mà pháp luật chưa có thực tiễn điều chỉnh quan hệ xã hội. Điều này đòi hỏi hệ thống pháp luật cần được bổ sung và hoàn thiện liên tục trước những loại hình phạm tội mới phát sinh trong đời sống xã hội để có thể đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, không bỏ lọt tội phạm.